Đề xuất xử phạt 2 tỷ đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực tài sản mã hóa
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo sửa đổi nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, bổ sung các chế tài mạnh đối với hành vi vi phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ và tổ chức thị trường tài sản mã hóa.

Đưa tài sản mã hóa vào khung quản lý xử phạt hành chính là bước đi cần thiết để định hình một hệ sinh thái tài sản số an toàn.
Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, Nghị định số 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh (Nghị định sửa đổi).
Cảnh báo rõ ràng đến các tổ chức “chạy trước luật”
Để đảm bảo thực thi dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam, Bộ Tài chính, UBCKNN đã nghiên cứu bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa tại dự thảo Nghị định sửa đổi, đồng thời bổ sung các nội dung liên quan tại hồ sơ xây dựng Nghị định.
Theo dự thảo, các tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa có thể đối mặt với mức phạt lên tới 2 tỷ đồng nếu thực hiện các hành vi nghiêm trọng như: Cung cấp dịch vụ khi chưa được cấp phép, tiếp tục hoạt động sau khi bị thu hồi giấy phép, hoặc không tuân thủ các quy định về an toàn hệ thống công nghệ thông tin và bảo vệ tài sản khách hàng.
Cụ thể, Bộ Tài chính chia hành vi vi phạm thành nhiều nhóm, với mức xử phạt từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, theo tính chất và mức độ ảnh hưởng, từ lỗi vận hành đến các hành vi cố ý vi phạm có tổ chức:
Từ 300 đến 500 triệu đồng: Áp dụng cho các vi phạm cơ bản như không xác minh danh tính nhà đầu tư, chậm nộp bản cáo minh bạch, hay không lưu trữ hồ sơ giao dịch đầy đủ.
Từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng: Với các hành vi như quảng cáo sai lệch, không nộp hồ sơ điều chỉnh giấy phép theo quy định.
Từ 1 đến 1,5 tỷ đồng: Đối với hành vi không giám sát giao dịch, không phân tách tài sản khách hàng với tài sản tổ chức.
Từ 1,5 đến 2 tỷ đồng: Dành cho hành vi nghiêm trọng nhất như tự doanh tài sản mã hóa khi chưa được cấp phép, hoạt động chui không thông qua tổ chức được cấp phép tại Việt Nam, hoặc vi phạm an ninh mạng và bảo vệ tài sản khách hàng.
Đáng chú ý, Dự thảo còn đưa ra hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa từ 1 đến 5 tháng đối với các vi phạm nghiêm trọng. Điều này cho thấy sự quyết liệt của cơ quan quản lý trong việc thiết lập lại trật tự thị trường, hạn chế rủi ro hệ thống và bảo vệ nhà đầu tư.
Bước đi pháp lý cần thiết cho một thị trường đang lớn mạnh
Với việc đưa tài sản mã hóa vào diện quản lý hành chính có chế tài cụ thể, Việt Nam đang phát đi tín hiệu rõ ràng “không cấm nhưng sẽ kiểm soát chặt”. Động thái này được kỳ vọng sẽ làm “sạch” thị trường, hạn chế các dự án mờ ám, thiếu minh bạch; Tạo điều kiện cho các tổ chức trong nước tham gia hợp pháp, đặc biệt các sàn giao dịch tài sản số đang tìm cách hoạt động minh bạch trong nước thay vì chuyển hướng ra nước ngoài. Đồng thời, có một khung pháp lý rõ ràng, thị trường tài sản mã hóa Việt Nam sẽ hấp dẫn vốn đầu tư công nghệ hơn, giúp nhà đầu tư yên tâm và các startup tài sản số có thể gọi vốn trong khuôn khổ pháp luật.
Theo Bộ Tài chính, nội dung dự thảo Nghị định có sự kế thừa các quy định có tính ổn định, đã được thực tế kiểm nghiệm của Nghị định 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 128/2021/NĐ-CP, chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, sửa đổi, bổ sung một số quy định phát sinh những vướng mắc, bất cập và giải quyết những khó khó khăn trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Nội dung sửa đổi tại Nghị định 158/2020/NĐ-CP nhằm tạo thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính hiện hành.
Đối với vi phạm về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa, việc triển khai xây dựng thị trường giao dịch tài sản mã hóa dự kiến có quy mô lớn, số lượng nhà đầu tư và quy mô giao dịch lớn sẽ đòi hỏi cơ quan quản lý, cơ quan xử lý vi phạm hành chính bổ sung nguồn lực tương ứng để đảm bảo khả năng quản lý giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm. Do thị trường tài sản mã hóa được triển khai thí điểm và lần đầu triển khai, việc chuẩn bị tăng cường nguồn lực có thể thực hiện theo từng bước bổ sung nguồn lực về nhân sự, phương tiện, điều kiện đảm bảo thi hành.
Các chuyên gia nhận định, việc Bộ Tài chính chính thức đưa tài sản mã hóa vào khung quản lý xử phạt hành chính không chỉ là biện pháp chấn chỉnh thị trường mà còn là bước đi cần thiết để định hình một hệ sinh thái tài sản số an toàn, minh bạch và phát triển bền vững.
Bạn đọc tham khảo Dự thảo Nghị định sửa đổi tại đây.