Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp: Đề nghị không ghi tên cụ thể của các tổ chức chính trị - xã hội

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, nguyên Phó Ban Biên tập Hiến pháp 2013, đề nghị không ghi tên cụ thể của các tổ chức chính trị - xã hội trong Hiến pháp mà quy định trong luật hoặc nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội

Đề nghị không quy định như hệ thống hành chính nhà nước

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội (QH) chỉ rõ, cuộc Cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của nước ta do Đảng khởi xướng lãnh đạo và chỉ đạo đang được tiến hành ở giai đoạn 2.

Trong giai đoạn này, theo chủ trương của Đảng, việc tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tập trung vào tổ chức bộ máy MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời sắp xếp lại các đơn vị hành chính (ĐVHC) từ 3 cấp thành 2 cấp và tổ chức lại CQĐP 3 cấp thành 2 cấp tương ứng với 2 cấp ĐVHC mới.

Với các quy định của Hiến pháp năm 2013, việc tinh gọn tổ chức bộ máy MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như việc sắp xếp lại các ĐVHC, bỏ ĐVHC trung gian (cấp huyện), tổ chức ĐVHC 2 cấp (cấp tỉnh và dưới cấp tỉnh) và tổ chức CQĐP 2 cấp tương ứng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung các điều có liên quan của Hiến pháp năm 2013.

Tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết của QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, về các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức chức chính trị - xã hội, ông Nguyễn Văn Phúc đề nghị không quy định các tổ chức chức chính trị - xã hội “trực thuộc MTTQ Việt Nam” có tính chất cấp trên cấp dưới như hệ thống hành chính nhà nước.

“Để phù hợp với Cương lĩnh của Đảng và Khoản 1 Điều 9 của Hiến pháp, cũng như để tuyên truyền đối ngoại về đặc trưng nền dân chủ của nước ta, theo đó “MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện” của các tổ chức thành viên, chỉ nên quy định các tổ chức thành viên này được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động với sự chủ trì của MTTQ Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Phúc đề nghị.

Thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, văn bản của Đảng, Luật MTTQ Việt Nam và Điều lệ của MTTQ Việt Nam sẽ quy định việc sáp nhập bộ máy tham mưu, phục vụ, hành chính, sự nghiệp tương tự của các tổ chức chức chính trị - xã hội vào tổ chức bộ máy chung của Mặt trận là phù hợp.

Cần giữ quy định về lấy ý kiến Nhân dân khi điều chỉnh địa giới ĐVHC

Cùng với đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của QH cũng đề nghị không ghi tên cụ thể của các tổ chức chính trị - xã hội trong Hiến pháp, vì cho rằng tên của các tổ chức này có thể thay đổi.

Tên của các Ủy ban của QH, tên của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng không được ghi cụ thể trong Hiến pháp”, ông Nguyễn Văn Phúc dẫn chứng và đề nghị quy định về tên cụ thể của các tổ chức chính trị - xã hội trong luật hoặc nghị quyết của QH để đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy.

Về Điều 84, ông Nguyễn Văn Phúc đề nghị giữ lại quy định về quyền trình dự án luật và dự án pháp lệnh của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam.

“Trên thực tế, có nhiều tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam đã trình dự án luật và đã được QH thông qua như Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam”, ông Phúc lý giải.

Về các nội dung liên quan đến ĐVHC và chính quyền địa phương (CQĐP), về ĐVHC dưới cấp tỉnh, ông Nguyễn Văn Phúc đề nghị giữ quy định việc lấy ý kiến Nhân dân địa phương khi thành lập, giải thể, nhập, chia hoặc điều chỉnh địa giới ĐVHC như quy định tại quy định Hiến pháp năm 2013 (Điều 110, Khoản 2).

Bởi, đây là quyền làm chủ của Nhân dân và cần sử dụng trí tuệ, kinh nghiệm của Nhân dân như Nhà nước đã và đang làm trong trong các đợt lấy ý kiến Nhân dân về ĐVHC.

Tán thành với việc không quy định cụ thể trong Hiến pháp các loại ĐVHC cơ sở dưới cấp tỉnh mà để Luật quy định cho linh hoạt với từng giai đoạn phát triển, ông Nguyễn Văn Phúc chỉ ra rằng, hiện, dự án Luật Tổ chức CQĐP (sửa đổi) xác định các ĐVHC dưới cấp tỉnh gồm có xã, phường, đặc khu (ở hải đảo).

Như vậy, Dự án Luật này không còn quy định các ĐVHC cấp huyện gồm có huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh và TP thuộc TP trực thuộc TW để tổ chức ĐVHC 2 cấp, trên cơ sở đó mà tổ chức CQĐP 2 cấp, phù hợp với chủ trương đúng đắn, có tính cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và phù hợp với dự thảo Nghị quyết của QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Cầu thị tham vấn để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết với chất lượng cao nhất

Góp ý về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung, ông Nguyễn Văn Phúc đề nghị giữ lại quyền chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, TP trực thuộc TW, ĐVHC TW đối với Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND cùng cấp.

Bởi, đây là hình thức giám sát và kiểm soát quyền lực quan trọng và hiệu quả nhất của đại biểu HĐND, tương tự quyền chất vấn của đại biểu QH đối với Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC. Thông qua việc chất vấn Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND tỉnh, TP trực thuộc TW, ĐVHC tương đương, đại biểu HĐND có thể giám sát hoạt động của TAND và VKSND khu vực nơi không có HĐND cùng cấp.

Về các điều khác có liên quan, ông Nguyễn Văn Phúc chỉ ra rằng, việc sửa đổi, bổ sung Điều 112 về phân định thẩm quyền, trong đó có phân định thẩm quyền giữa TW và địa phương có liên quan đến chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Do đó, để kịp thời thể chế hóa trong Hiến pháp chủ trương và nguyên tắc nói trên, đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến CQĐP như nhiệm vụ, quyền hạn về ngân sách nhà nước (bao gồm cả ngân sách địa phương), về quản lý kinh tế - xã hội, hành chính nhà nước...

Ông Nguyễn Văn Phúc mong muốn và tin tưởng rằng, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục quán triệt, thực hiện đúng đắn và hiệu quả các quan điểm, nguyên tắc, phương pháp lập hiến, thiết kế, biên tập văn bản một cách khoa học và chuyên nghiệp, tiếp tục cầu thị tham vấn, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học cùng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Nhân dân để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với chất lượng cao nhất, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và trình QH thông qua tại Kỳ họp thứ 9, QH Khóa XV, kịp thời đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của nước ta.

Tường Minh (ghi)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/sua-doi-bo-sung-hien-phap-de-nghi-khong-ghi-ten-cu-the-cua-cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-post549600.html
Zalo