Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn

Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến và thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.

Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn góp phần nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo Bộ Công an, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn. Theo đó, về cơ sở chính trị, pháp lý, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: “Tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm sử dụng công nghệ cao…”. Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, trong đó đưa ra nhiệm vụ “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm…”.

Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó Đảng đề ra nhiệm vụ “Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trong Nghị quyết này Đảng ta chỉ rõ cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn nhân lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, phát huy dân chủ, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; đồng thời, khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề mới thực tiễn đặt ra, có chính sách miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.

Chỉ đạo của Bộ Chính trị về Đề án “Rà soát, đánh giá những bất cập trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự liên quan đến áp dụng hình phạt tử hình và thi hành án tử hình; nghiên cứu giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình; tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù” (theo thông báo tại Công văn số 13936-CV/VPTW ngày 25/3/2025 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương) trong đó chỉ đạo sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Bộ luật Hình sự theo hướng tiếp tục thu hẹp hình phạt tử hình; ngoài những nội dung liên quan đến tử hình, cần rà soát lại những quy định khác trong Bộ luật Hình sự hiện nay đang bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến vào tháng 5/2025) thông qua.

Bên cạnh đó, sau hơn 8 năm thi hành, Bộ luật Hình sự đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập. Cụ thể, một số quy định chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm như: Mức định lượng về tiền làm cơ sở định khung hình phạt và mức hình phạt tiền tại các điều luật của Bộ luật Hình sự hiện hành không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và mức thu nhập ở thời điểm hiện tại; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tội phạm đối với một số tội danh; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại còn hẹp, chưa bao quát hết các trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội trên thực tế.

Các quy định về hình phạt tử hình còn nhiều bất cập như phạm vi áp dụng hình phạt tử hình còn rộng, chưa thực sự phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW về hạn chế áp dụng hình phạt tử hình; chưa phù hợp với thực tiễn đấu tranh với một số loại tội phạm. Bên cạnh đó các bất cập khác về trường hợp không thi hành án tử hình, về thời hiệu thi hành án tử hình cũng gây khó khăn nhất định trong áp dụng pháp luật.

Một số quy định khác của Bộ luật Hình sự còn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng như: Một số quy định còn quá nghiêm khắc; mức định lượng tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm để định khung cơ bản, định khung hình phạt chưa phù hợp; một số hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa được quy định là tội phạm như hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải rắn sinh hoạt; nhiều quy định về trách nhiệm hình sự còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe, chưa phù hợp với tình hình, diễn biến của tội phạm...

Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự hiện hành cho phù hợp với thực tiễn góp phần nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, vừa bảo đảm tính nhân đạo, khoan hồng, vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh.

Dự thảo Bộ luật đã bỏ 1 chương và 18 điều luật, giữ nguyên 180 điều luật, bổ sung 3 điều luật mới (Điều 220. Tội vi phạm quy định về xử lý chất thải thông thường và chất thải rắn sinh hoạt; Điều 242. Tội sử dụng trái phép chất ma túy; Điều 40. Tù chung thân không xét giảm án), sửa đổi, bổ sung 231 điều luật, cụ thể là: Sửa đổi, bổ sung về nội dung đối với 50 điều luật, trong đó 8 điều luật liên quan đến việc bỏ hình phạt tử hình, 2 điều luật để phù hợp với cơ cấu, tổ chức bộ máy mới sau khi không tổ chức Công an cấp huyện và tên gọi của các bộ sau khi thực hiện phương án sáp nhập. Đối với các điều luật khác chỉ sửa đổi, điều chỉnh mức định lượng là tiền để làm căn cứ định khung hình phạt và hình phạt tiền lên gấp đôi để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội.

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/sua-doi-bo-sung-bo-luat-hinh-su-phu-hop-voi-yeu-cau-thuc-tien-i766626/
Zalo