Bổ sung một số quy định liên quan đến việc trở lại quốc tịch Việt Nam
Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam theo hướng quy định tất cả trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được xem xét; người xin trở lại quốc tịch Việt Nam được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định và được Chủ tịch nước cho phép.
Tiếp tục Phiên họp thứ 44, sáng 28/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Tăng cường quản lý nhà nước về quốc tịch
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc xây dựng Luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khi thực hiện thủ tục nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam.

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. (Ảnh: Media Quốc hội)
Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, thúc đẩy chính sách hòa hợp dân tộc và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, dự thảo Luật tập trung vào 2 chính sách lớn.
Một là sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc nhập quốc tịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông bà nội hoặc ông bà ngoại là công dân Việt Nam; nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài... được nhập quốc tịch Việt Nam.
Hai là sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Tư pháp cho hay, dự thảo Luật bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong một số trường hợp.
"Dự thảo Luật bổ sung điều kiện "phải là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam" khi công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài tham gia vào các cơ quan dân cử, các cơ quan của hệ thống chính trị và thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an... nhằm bảo đảm vấn đề an ninh chính trị, lợi ích quốc gia", Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, để tạo sự linh hoạt trong việc có thể tuyển dụng được các trường hợp cụ thể có năng lực nổi trội tham gia công chức Nhà nước, dự thảo Luật đã quy định "trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".
Theo dự thảo Luật được Chính phủ trình, người ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ; được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh vào các cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương, địa phương; tham gia lực lượng vũ trang của Việt Nam, phải là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết thêm, lần sửa đổi này, dự thảo Luật quy định tất cả trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được xem xét.
Đồng thời, bổ sung quy định "Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định và được Chủ tịch nước cho phép" và giao Chính phủ quy định điều kiện cụ thể.
Người được bổ nhiệm vào cơ quan Nhà nước phải là người chỉ có một quốc tịch Việt Nam
Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Luật với những lý do nêu tại Tờ trình của Chính phủ; tán thành việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Luật.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, nội dung dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Các quy định trong dự thảo Luật sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xem xét, quyết định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam, được hưởng các quyền của công dân Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Media Quốc hội)
Vì vậy, để bảo đảm đúng tinh thần tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật mà không giao Chính phủ quy định điều kiện người nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam mà được giữ quốc tịch nước ngoài tại khoản 3 Điều 19, khoản 5 Điều 23 của dự thảo Luật.
Có ý kiến tán thành giao Chính phủ quy định các nội dung này như dự thảo Luật để bảo đảm linh hoạt và có thể thay đổi khi có yêu cầu mới về đối ngoại, chủ quyền quốc gia.
Về quan hệ giữa Nhà nước và công dân, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí bổ sung quy định “phải là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” đối với “Người ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ; được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh vào các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương, địa phương; tham gia lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Tuy nhiên, việc quy định có ngoại lệ đối với tất cả các đối tượng này thì cần được cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng; trường hợp đặc biệt chỉ nên xem xét, áp dụng đối với đối tượng "được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh vào các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương, địa phương" mà cần phải thu hút, tạo điều kiện để tuyển dụng nhân tài.
Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục rà soát các luật hiện hành có yêu cầu "chỉ có một quốc tịch Việt Nam", có quy định tiêu chuẩn, điều kiện chỉ là "công dân Việt Nam" để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình rút gọn
Qua thảo luận, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và Bộ Tư pháp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; đồng thời tán thành với sự cần thiết ban hành Luật này và tán thành việc thông qua Luật theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Các ý kiến cũng tham gia góp ý về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, về tính hợp hiến, hợp pháp của dự thảo Luật; về quan hệ giữa Nhà nước và công dân; về điều kiện người nhập trở lại quốc tịch Việt Nam mà được giữ quốc tịch nước ngoài; về các điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam mà được giữ quốc tịch nước ngoài...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận. (Ảnh: Media Quốc hội)
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật và đề xuất của Chính phủ về việc trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình rút gọn tại Kỳ họp thứ 9. Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, thể hiện rõ hơn trong Tờ trình và dự thảo Luật về thể chế hóa nội dung “cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch” theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Về điều kiện người nhập trở lại quốc tịch Việt Nam mà được giữ quốc tịch nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định ngay trong Luật một số điều kiện cơ bản mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện đó, gồm cả các trường hợp đặc biệt, bảo đảm vừa thể hiện rõ ràng, minh bạch, vừa thể hiện sự phân cấp linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Về quy định điều kiện chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam đối với người ứng cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cả 3 đối tượng mà Chính phủ đề xuất; tuy nhiên đề nghị và thống nhất với ý kiến của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp là tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.