Sự xuất hiện của Michelin Guide tại Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển của các quán ăn địa phương

Bạn có sẵn sàng chi 100 USD cho một chiếc bánh mì hay một ô phở không? Nếu không, cả hai đều đang 'sẵn có' và 'dễ dàng tìm thấy' trên đường phố Việt Nam, với giá chỉ hơn 2 USD, thậm chí là rẻ hơn.

Việt Nam có 4 nhà hàng vừa được gắn sao Michelin. Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+

Việt Nam có 4 nhà hàng vừa được gắn sao Michelin. Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+

Những mức giá hấp dẫn này đã trở thành tiêu đề trong tháng này, sau khi Michelin Guide (loạt sách hướng dẫn ẩm thực do công ty Michelin, Pháp xuất bản, trong đó Michelin Guide trao thưởng lên đến 3 sao cho các nhà hàng và khách sạn xuất sắc trên toàn thế giới) vốn được chờ đợi từ lâu đã có mặt tại Việt Nam.

Được biết, có tổng cộng 103 quán ăn địa phương, bao gồm các lựa chọn từ thức ăn đường phố và các nhà hàng cao cấp đã được Michelin Guide bình chọn và vinh danh.

Trong đó, 4 nhà hàng được vinh dự gắn sao Michelin đầu tiên tại Việt Nam bao gồm Anăn Saigon tại tp. Hồ Chí Minh, nhà hàng Gia, nhà hàng Tầm vị và nhà hàng Hibana by Koki – đều ở Hài Nội.

Đầu năm nay, Anăn Saigon là nhà hàng duy nhất ở Việt Nam lọt vào danh sách 50 nhà hàng tốt nhất châu Á.

Cụ thể, bánh mì trị giá 100 USD tại Anăn Saigon chứa các thành phần cao cấp như gan ngỗng, trứng cá muối và sốt mayonnaise, nấm truffle đặt trên miếng thịt heo hảo hạng.

Trong vài năm qua, Michelin đã cử hàng trăm thanh tra ẩn danh đến khám phá những địa điểm ẩm thực chưa được biết đến ở Đông Nam Á. Trong đó, Singapore, Thái Lan và Malaysia là 3 quốc gia đầu tiên trong khu vực được giới thiệu. Cùng lúc, Việt Nam với hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã “tham gia vào danh sách” trong tháng này.

Tiêu điểm toàn cầu

Đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với nền ẩm thực của Việt Nam, các nhà chứng trách hi vọng sự công nhận của Michelin Guide sẽ tạo ra một cú hích lớn cho ngành du lịch, cũng như thực phẩm và đồ uống (F&B) của đất nước.

Kỳ vọng này là có cơ sở, nhất là với ví dụ tại Thái Lan, việc đưa quốc gia này vào Michelin Guide năm 2017 đã mang lại 842 triệu Bath cho ngành du lịch trong 5 năm tiếp theo.

Trong một thông tin có liên quan, một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2021 của Tổng Cục Du lịch cho thấy, đồ uống và thức ăn chiếm gần 25% tổng chi tiêu của khách du lịch tại Việt Nam.

Sau khi ra mắt Michelin Guide của Việt Nam, Tổng Cục Du lịch quốc gia cho biết sẽ tận dụng sự công nhận này để quảng bá hơn nữa ẩm thực và văn hóa của đất nước, từ đó hướng đến mục tiêu thu hút nhiều du khách quốc tế hơn.

Mới tuần trước, Hà Nội đã công bố kế hoạch tạo một “bản đồ du lịch ẩm thực” gồm các nhà hàng được gắn sao Michelin và các quán ăn nổi tiếng khác trong thành phố.

Gia là một nhà hàng Việt Nam theo phong cách đương đại, trong khi nhà hàng Hibana by Koki là một nhà hàng Nhật Bản chuyên về món teppanyaki và nằm trong một khách sạn 5 sao. Tầm vị là nhà hàng phục vụ đồ ăn Việt Nam, với mức giá khoảng 200.000 VND/người.

Trong số 103 nhà hàng được liệt kê trong Michelin Guide, 29 nhà hàng đã được công nhận là “Bib Gourmand”, hay còn gọi là giải thưởng “đáng đồng tiền bát gạo nhất”, nhờ việc cung cấp thực phẩm chất lượng cao với giá cả phải chăng.

Theo Michelin, điều này thể hiện một sự thay đổi đang diễn ra để công nhận nhiều loại nhà hàng hơn ở một quốc gia, thay vì chỉ để mắt đến các cơ sở dịch vụ cao cấp hoặc sang trọng.

Damien Yeo, một chuyên gia phân tích người tiêu dùng và bán lẻ tại BMI cho biết: “Sự xuất hiện của Michelin và sự tập trung vào các món ăn địa phương của Việt Nam, đặc biệt là những món ăn được tìm thấy trong các quán bình dân, báo hiệu sự công nhận đang ngày càng tăng dành cho nền ẩm thực Việt Nam”.

Thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của người tiêu dùng

Một báo cáo gần đây của Viện Kinh tế Mastercard lưu ý rằng thay vì nấu ăn tại nhà, người tiêu dùng châu Á – Thái Bình Dương đang ưu tiên ăn ngoài, bao gồm cả đến quán ăn trực tiếp và đặt hàng trực tuyến. Điều này được thể hiện rõ nhất khi so với tháng 1/2022, chi tiêu tại các nhà hàng đã tăng 16% ghi nhận vào tháng 6 cùng năm.

Chuyên gia Damien Yeo tin rằng, nhu cầu về F&B mang tính trải nghiệm cao hơn và sở thích ăn uống cao cấp ngày càng tăng là do sự mở rộng của tầng lớp trung lưu ở nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường có nhân khẩu học là người trẻ tuổi và có mức lương tăng mạnh.

“Việt Nam cũng không ngoại lệ. Sự gia nhập của sao Michelin sẽ ngày càng thúc đẩy xu hướng này, khi sự công nhận toàn cầu đối với ẩm thực Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy sự quan tâm của người dân trong nước đối với chính ẩm thực địa phương”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trong một diễn biến có liên quan, hiện nay, khi đến một nhà hàng fine-dining tại Việt Nam và phải bỏ tiền cho việc thưởng thức các món ăn tại đây, giới quan sát cho thấy rằng hiện nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn có xu hướng lựa chọn các món ăn nước ngoài như đồ ăn Nhật Bản hay Pháp, mặc dù điều này có thể sẽ thay đổi theo thời gian.

Có thể nói rằng, nhu cầu về các dịch vụ ẩm thực địa phương cao cấp hơn sẽ chiếm ưu thế trong tầng lớp trung lưu đang phát triển, dẫn đến phản ứng của thị trường thay đổi dần để đáp ứng nhu cầu đó.

Đan Lê (Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/su-xuat-hien-cua-michelin-guide-tai-viet-nam-se-thuc-day-su-phat-trien-cua-cac-quan-an-dia-phuong-129171.html
Zalo