Sự vụ nhỏ giao Thủ tướng, thời gian đâu lo quản trị quốc gia

Đại biểu đề cập, những việc mang tính sự vụ nhỏ vẫn giao Thủ tướng thì không có thời gian để lo vấn đề quản trị nền hành chính quốc gia.

Sáng 14/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ việc phân cấp, phân quyền cho địa phương và các bộ trưởng, trưởng ngành.

 Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Bắn pháo hoa vẫn phải giao cho Thủ tướng quyết

Bày tỏ việc dự thảo quy định Thủ tướng không quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, là rất phù hợp với vai trò quản trị nền hành chính quốc gia.

Đại biểu Thân dẫn ví dụ, cách đây không lâu, Nghị định 137 ngày 27/11/2020 vẫn giao cho Thủ tướng quyết định việc bắn pháo hoa ở các lễ hội. Những công việc mang tính chất sự vụ nhỏ nhưng vẫn giao cho Thủ tướng. Cứ như vậy, Thủ tướng sẽ không có thời gian để lo vấn đề quản trị nền hành chính quốc gia.

 Đại biểu Lê Xuân Thân

Đại biểu Lê Xuân Thân

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nêu băn khoăn khi dự thảo chưa quy định rõ việc nào của Trung ương, việc nào thuộc về địa phương, điều này sẽ gây rắc rối trong quá trình điều hành.

“Ví dụ Luật Quy hoạch, các địa phương bỏ ra ngoài quy hoạch nhiều nhà máy nước trên địa bàn. Sau này, nếu nhà máy nước muốn mở rộng thì không được vì không trong quy hoạch, muốn điều chỉnh quy hoạch lại phải lên Thủ tướng”, ông Huân phản ánh và đề nghị nên phân định rõ ràng, rành mạch.

Tương tự việc phân cấp cho địa phương, nếu không quy định thì rất nhiều vấn đề cụ thể, sự vụ như vận hành một hồ thủy điện, xả nước để tưới tiêu cho nông nghiệp nhưng cũng phải xin ý kiến Thủ tướng. Điều này hạn chế quyền hạn các bộ rất nhiều, làm giảm hiệu lực, hiệu quả các bộ. Trong khi, các bộ chuyên ngành mới nắm vững, nắm rõ.

 Đại biểu Nguyễn Quang Huân

Đại biểu Nguyễn Quang Huân

Đại biểu Huân dẫn thêm ví dụ, quy định thẩm quyền quyết định các dự án năng lượng tái tạo hiện nay giao Thủ tướng quyết định các dự án từ 50 MW trở lên, từ 30 - 50 MW giao Bộ Công Thương quyết định, còn dưới 30 MW thì địa phương quyết định. Dải phân cấp không đủ lớn, theo đại biểu dẫn tới tình trạng nhiều dự án chỉ làm tới 49 MW để được Bộ Công Thương quyết định dự án.

Nêu quan điểm trong phân cấp, ủy quyền, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói rằng: “Khi cờ đến tay tôi thì tôi phất. Tôi là người đứng đầu, xung phong vào trận thì phải có hy sinh. Nhưng nếu có hy sinh mà lại xử lý người đứng đầu, xử lý người phất cờ thì tôi nghĩ như vậy chưa thật sự khách quan lắm”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa

Đại biểu Phạm Văn Hòa

Theo đại biểu Hòa, trừ khi xảy ra trường hợp người đứng đầu, người “phất cờ” đó thu vén cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng thì cần phải xử lý. Còn vấn đề do khách quan, do nôn nóng công việc phải xung trận để đạt được mục đích, yêu cầu thì phải xem xét thấu đáo.

“Như vừa rồi, tôi nghe Thủ tướng Chính phủ nói về cơn bão Yagi, nếu không xử lý thì xảy ra chết người, ảnh hướng đến tính mạng, tài sản của nhân dân, mà chờ ý kiến của Thủ tướng, Phó Thủ tướng mới quyết thì không được. Phải giao quyền cho bộ trưởng, thứ trưởng Bộ NN&PTNT thực hiện quyền này. Tuy nhiên, thực hiện quyền này nếu làm đúng, làm tốt thì chưa chắc được khen, nhưng làm không tốt, ảnh hưởng đến người dân thì bộ trưởng lãnh đủ”, Đại biểu Hòa nói và đề nghị luật quy định khung, còn nghị định của Chính phủ cần quy định rõ ràng hơn để người được phân quyền, ủy quyền, giao quyền yên tâm triển khai làm việc.

Nhà nước không nên ôm việc nhiều quá

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội khi thảo luận đề nghị quy định rõ trách nhiệm khi phân cấp, phân quyền, đặc biệt là trách nhiệm xây dựng chính sách.

“Nếu không quy định cho rõ trách nhiệm, trong đó có cả trách nhiệm xây dựng chính sách, mà chỉ quy định chung chung thì luật ban hành rồi lại chờ nghị định, thông tư như trước đây. Thậm chí luật thì mở mà nghị định, thông tư lại khép lại. Rồi câu chuyện nặng về quản lý nhà nước dẫn đến phát sinh ra giấy phép con”, ông Hạ nói.

Đại biểu Hạ cho rằng, cần phân cấp, phân quyền thế nào cho rõ. Muốn thực hiện tinh gọn bộ máy, biên chế thì có nhiều yếu tố nhưng một trong những việc quan trọng là Nhà nước không nên ôm việc nhiều quá.

"Những gì xã hội, tư nhân làm được thì nên để cho xã hội làm”, ông Hạ nói và dẫn chứng Luật Công chứng mở cửa cho tư nhân làm đã tạo ra sự khác biệt.

 Đại biểu Tạ Văn Hạ

Đại biểu Tạ Văn Hạ

“Cái gì xã hội làm được thì giảm bớt Nhà nước đi. Chúng ta dành nguồn lực để làm việc khác, Nhà nước chỉ dẫn dắt, lo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, những gì tư nhân không làm được. Nếu chúng ta cứ ôm đồm thế này, việc gì cũng không yên tâm, việc gì cũng phải làm thì không được”, ông Hạ nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bày tỏ đồng tình cao với quy định mới, cho phép địa phương được đề xuất phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết.

Theo ông Tuấn, đây là tư duy mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được luật hóa, mà hiện nay nhiều địa phương đang rất cần, để giải phóng các nguồn lực đang bị kìm hãm bởi các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

 Đại biểu Trần Quốc Tuấn

Đại biểu Trần Quốc Tuấn

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều lãnh đạo địa phương đã kiến nghị, sau đó, có thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhưng cũng không thể triển khai được các kiến nghị với lý do là đại diện các cơ quan có thẩm quyền cho rằng những nội dung đó chưa được quy định phân quyền cho địa phương thực hiện. Vì vậy, luật quy định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết.

Chỉ phân quyền cho địa phương đủ năng lực tài chính, quản trị

Phân tích những nguy cơ về chồng chéo quyền lực, Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, phân quyền không rõ ràng có thể dẫn đến sự chồng chéo giữa Trung ương và địa phương.

Theo đại biểu Khải, một số nhiệm vụ trọng yếu (quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai, môi trường) có thể vừa thuộc trách nhiệm của Chính phủ, vừa thuộc thẩm quyền của địa phương, dễ dẫn đến tranh chấp trong thực thi chính sách. Nếu Trung ương vẫn giữ quyền ra quyết định, nhưng giao địa phương thực thi mà không rõ trách nhiệm, có thể dẫn đến thiếu đồng bộ và trì trệ trong triển khai.

 Đại biểu Trần Văn Khải

Đại biểu Trần Văn Khải

Về nguy cơ cát cứ quyền lực, đại biểu Trần Văn Khải nêu rõ, chính quyền địa phương có thể lạm quyền và thiếu kiểm soát. Việc phân quyền mạnh mẽ có thể khiến một số địa phương tự quyết định theo lợi ích địa phương, không nhất quán với chính sách chung. Một số tỉnh, thành phố giàu tài nguyên hoặc có kinh tế mạnh có thể tận dụng quyền phân quyền để thiết lập các chính sách ưu đãi riêng, gây bất bình đẳng với các địa phương khác, ngược lại, các địa phương yếu kém có thể không đủ năng lực thực hiện, gây trì trệ hoặc thậm chí lạm dụng quyền lực để trục lợi.

Ông Khải đề nghị chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản trị; xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền. Đồng thời, cần tăng cường giám sát của Trung ương, Thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ có thể dẫn đến sự lạm quyền trong phân cấp như: nhiều nhiệm vụ có thể vừa do Bộ quản lý, vừa do địa phương thực hiện (quản lý đô thị, đầu tư công, hạ tầng giao thông); nếu không có cơ chế đánh giá hiệu quả phân cấp, có thể dẫn đến việc giao quyền nhưng không đủ điều kiện thực hiện, gây lãng phí và trì trệ. Mặt khác, phân cấp quá mạnh có thể khiến địa phương đưa ra các quyết định không đồng bộ với Trung ương. Một số địa phương có thể thiết lập chính sách riêng về đầu tư, thương mại, hành chính công, gây khó khăn trong kiểm soát. Nếu thiếu sự phối hợp giữa các địa phương, có thể xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lợi ích nhóm và chậm trễ trong việc triển khai các dự án lớn.

Do đó, đại biểu đề nghị quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hằng năm, các quyết định phân cấp phải được Quốc hội giám sát định kỳ. Cùng đó, áp dụng nguyên tắc “phân cấp linh hoạt”, đối với các địa phương chưa đủ năng lực cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ thay vì giao toàn bộ quyền hạn.

Đề xuất Thủ tướng kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm với bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi (Dự thảo) quy định Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng. Tuy nhiên, chưa làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với các bộ trưởng trong trường hợp bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Thạch Phước Bình

Đại biểu Thạch Phước Bình

Theo đại biểu Bình, thực tế đã có nhiều trường hợp bộ trưởng bị phê bình vì không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa rõ ràng. Vì thế, ông Bình đề xuất bổ sung cơ chế giám sát của Thủ tướng đối với bộ trưởng. Chẳng hạn, nếu bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng có quyền kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của bộ đó.

Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gồm 5 chương, 32 điều (so với Luật hiện hành giảm 2 chương, giảm 18 điều), dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/su-vu-nho-giao-thu-tuong-thoi-gian-dau-lo-quan-tri-quoc-gia-2080737.html
Zalo