Sự thật về phương pháp 'lọc máu' làm đẹp, phòng đột quỵ...

Phương pháp 'lọc máu siêu công nghệ' đang được quảng cáo phòng ngừa đột quỵ, ung thư, thậm chí tái tạo cơ quan... đã khiến nhiều người bỏ hàng trăm triệu sang Singapore, Nhật Bản ... thực hiện. Vậy sự thực ra sao?

Gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo về "lọc máu siêu công nghệ", hứa hẹn khả năng "cải lão hoàn đồng", phòng ngừa đột quỵ, ung thư, thậm chí tái tạo cơ quan...

Liệu pháp “ma cà rồng”

Trao đổi về vấn đề này, BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn khẳng định: Đó là những lời quảng cáo không đúng sự thật, nguyên lý lọc máu hiện đại nhất hiện nay cũng tương tự như chạy thận nhân tạo, rủi ro cực kỳ cao, trường hợp nặng có thể tử vong.

BS Phúc cho biết: "Cách đây một năm, có người bạn nói với tôi rằng, thế giới đang có một liệu pháp “thanh lọc máu” không chỉ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, mà còn có thể điều trị nhiều bệnh mãn tính, làm đẹp da, thậm chí có thể trì hoãn thời kì mãn kinh 10 năm và kéo dài tuổi thọ thêm 20 năm.

Công nghệ chăm sóc sức khỏe hiện đại này, đang được các nước phát triển như châu Âu và Hoa Kỳ đề xuất thành một khái niệm sức khỏe mới về thanh lọc và giải độc máu, được giới thượng lưu Nhật Bản ưa chuộng.

Giá của một liệu pháp "thần kỳ" như vậy chỉ mất khoảng 200 triệu. Tại Việt Nam, đã có những bên trung gian cung cấp cho người dân các dịch vụ lọc máu ở nước ngoài như Singapore hay Nhật Bản, nếu các bác sĩ Việt Nam nhạy bén thì hoàn toàn có thể đón lõng kiếm lời.

Tôi buồn cười về cái liệu pháp “ma cà rồng” này.

Một người bạn khác cũng kể với tôi rằng, anh trai định cư bên Đức đã lập kế hoạch đưa cả đại gia đình sang Nhật Bản để lọc máu, nhưng đang chờ dịp khuyến mãi để giảm chi phí xuống 120 triệu.

Thực ra, công nghệ lọc máu hiện đại nhất hiện nay là “trao đổi huyết tương kép – DFPP”, có bản chất như chạy thận nhân tạo".

"Lọc máu" được quảng cáo như phương pháp làm đẹp, phòng đột quỵ, ung thư - Ảnh minh họa

"Lọc máu" được quảng cáo như phương pháp làm đẹp, phòng đột quỵ, ung thư - Ảnh minh họa

Công nghệ trao đổi huyết tương

Để hiểu rõ hơn, bác sĩ Phúc đã điểm lại một chút lịch sử của phương pháp này. Năm 1854, nhà hóa học người Scotland Thomas Graham lần đầu tiên đề xuất khái niệm “lọc máu”. Năm 1913, John Abel và các cộng sự đã tiến hành thí nghiệm đầu tiên trên động vật sống và tạo ra máy thẩm tách hình ống. Năm 1924, Georg Haas của Đức lần đầu tiên áp dụng công nghệ lọc máu cho con người. Năm 1943, Willem Johan Kolff của Hà Lan đã thiết kế thận nhân tạo dạng trống quay và điều trị thành công cho bệnh nhân suy thận cấp.

Với sự tiến bộ của công nghệ, máy lọc sợi rỗng đầu tiên xuất hiện vào những năm 1960, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả lọc máu. Về phương pháp lọc máu, ngoài chạy thận nhân tạo truyền thống, truyền máu, trao đổi huyết tương và các phương pháp khác cũng lần lượt xuất hiện.

Bước sang thế kỷ 21, các thiết bị lọc máu ngày càng nhỏ gọn và thông minh hơn, giúp việc điều trị trở nên dễ dàng và chính xác hơn.

Trao đổi huyết tương là một công nghệ lọc máu đặc biệt có nguồn gốc từ những năm 1960 và ban đầu được phát triển để điều trị bệnh nhược cơ. Trong những ngày đầu, trao đổi huyết tương chủ yếu được sử dụng để điều trị một số bệnh miễn dịch. Nó có thể nhanh chóng loại bỏ các tự kháng thể và phức hợp miễn dịch trong cơ thể, từ đó làm giảm tổn thương bệnh lý.

Với sự phát triển của công nghệ, lĩnh vực ứng dụng trao đổi huyết tương đã dần mở rộng sang điều trị rối loạn chuyển hóa lipid, suy gan và các bệnh khác. Công nghệ trao đổi huyết tương truyền thống là tách huyết tương ra khỏi máu và loại bỏ hoàn toàn, đồng thời bổ sung lượng tương đương huyết tương tươi đông lạnh và dung dịch albumin.

Nhược điểm của phương pháp này là đắt tiền hơn lọc máu truyền thống. Huyết tương thải ra không chỉ chứa chất gây bệnh, mà còn chứa nhiều thành phần có lợi như yếu tố đông máu cần được bổ sung, trong khi nguồn máu hiện rất khan hiếm.

Trên cơ sở đó người ta đã phát minh ra công nghệ “trao đổi huyết tương kép – DFPP”, tức là huyết tương tách khỏi máu, sau đó loại bỏ các protein đại phân tử gây bệnh trong huyết tương, để lại các thành phần có lợi rồi truyền lại vào cơ thể.

Nguyên lý của trao đổi huyết tương kép - DEPP

Về nguyên lý hoạt động, DFPP là phương pháp xử lý lọc huyết tương hai lần để loại bỏ có chọn lọc các tác nhân gây bệnh phân tử lớn. Được hình thành bằng cách chồng chất hữu cơ của hai công nghệ lọc máu cơ bản tương tự nhau: công nghệ tách huyết tương (cắt khối lượng phân tử lớn 3.000.000, tách huyết tương và các thành phần hữu hình là hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu) và công nghệ tách thành phần huyết tương (cắt khối lượng phân tử 500.000, tách protein phân tử lớn).

Tức là, huyết tương ban đầu được tách ra bằng máy tách huyết tương có màng lọc lỗ lớn, sau đó được đưa qua máy tách thành phần huyết tương với màng lọc có kích thước lỗ nhỏ hơn, để loại bỏ các yếu tố gây bệnh có khối lượng phân tử tương đối lớn hơn albumin trong huyết tương của bệnh nhân, chẳng hạn như kháng thể tự miễn, globulin miễn dịch, phức hợp miễn dịch và các chất gây bệnh phân tử lớn khác, huyết tương sau khi lọc chứa một lượng lớn các thành phần albumin được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân.

Điều này có thể loại bỏ các kháng thể tự miễn, giảm các chất trung gian gây viêm trong huyết thanh, điều chỉnh chức năng miễn dịch và phục hồi chức năng miễn dịch tế bào, chức năng thực bào của tế bào lưới nội mô. Về mặt lâm sàng, nó chủ yếu được sử dụng để loại bỏ các chất gây bệnh đại phân tử như immunoglobulin và lipoprotein.

Thúy Nga/ VietnamDaily

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/su-that-ve-phuong-phap-loc-mau-lam-dep-phong-dot-quy-2083350.html
Zalo