Sự thật cuộc sống đa thê của gia đình cổ đại

Rất nhiều nội dung phim cổ trang mô tả các tiểu thiếp thường được sủng ái hơn, còn chính thất thì tuổi già sắc tàn, thường xuyên bị các tiểu thiếp mưu mô ức hiếp. Nhưng thực tế có đúng như vậy?

Một blogger Trung Quốc chuyên chia sẻ các điển cố lịch sử có tên “Nhìn lịch sử từ góc độ khác” cho biết, nói thời cổ đại là chế độ “một chồng nhiều vợ” (đa thê) thì không hoàn toàn chính xác. Nghiêm khắc mà nói, Trung Quốc cổ đại thực hiện chế độ “một vợ chính và nhiều thiếp”. Tức là, trong suốt cuộc đời, người đàn ông chỉ có một người vợ chính thức, những người phụ nữ khác dù xinh đẹp hay tài giỏi đến đâu cũng chỉ có thể là thiếp. Giữa vợ và thiếp có ranh giới rõ ràng về thân phận và địa vị.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vậy địa vị giữa vợ và thiếp thời xưa chênh lệch đến mức nào?

Vào thời nhà Đường, luật pháp có quy định rõ ràng về mối quan hệ giữa vợ và thiếp: thiếp có thể bị mua bán hoặc trao đổi như tài sản. Nếu đối đãi thiếp như vợ là phạm pháp. Điều đó cho thấy, người thời Đường rất coi trọng sự khác biệt về địa vị giữa vợ và thiếp.

Không chỉ riêng triều Đường, các triều đại khác của Trung Quốc cũng xem thiếp là đối tượng có thể tùy ý khinh rẻ. Trước thời Minh – Thanh, ngay cả khi thiếp đã sinh con cho nhà chồng, họ vẫn có thể bị mua bán tùy ý.

Trong nhiều trường hợp, tiểu thư nhà giàu được gả vào nhà chồng làm vợ chính, còn tỳ nữ đi theo tiểu thư thì có thể trở thành thiếp. Trước mặt vợ chính, thiếp không thể ngẩng đầu lên được. Nếu muốn sống yên ổn, thiếp chỉ có thể cố gắng lấy lòng chủ nhân.

Chính vì vậy, chế độ đẳng cấp nghiêm ngặt của thời xưa đã quyết định cách thức chung sống giữa vợ và thiếp. Thiếp không dám ngang hàng hay thách thức với vợ chính, do đó giữa họ thường không có xung đột quá lớn. Tuy nhiên, giữa các tiểu thiếp thì thực sự có sự ganh đua, vì họ không còn bị giới hạn bởi thứ bậc như với vợ chính nữa. Trong cùng một cấp bậc, các thiếp sẽ dùng mọi cách để tranh thủ sự sủng ái của chồng, ai được yêu chiều hơn thì địa vị sẽ cao hơn.

Tuy rằng các tiểu thiếp có thể ghen tuông nhưng rất hiếm khi có chuyện tranh đấu đến mức “ngươi sống ta chết” như trong phim truyền hình. Bởi lẽ, các thiếp đều hiểu rõ dù tranh giành thế nào đi nữa, vợ chính vẫn là nữ chủ nhân. Nếu hành xử quá mức thì ai cũng sẽ gặp rắc rối. Thường thì các thiếp sẽ sống cam chịu trong sân của mình, ít khi qua lại hoặc giao tiếp với nhau.

Quyền lực tuyệt đối của vợ cả trong chế độ đa thê ở Việt Nam xưa

Theo Việt Nam văn hóa sử cương và văn minh Việt Nam, chế độ đa thê tồn tại hợp pháp ở Việt Nam xưa. Nó đáp ứng trước hết lý tưởng về hạnh phúc là có nhiều con, mục đích là để tiếp nối dòng dõi. Khi người vợ vô sinh, thì người chồng lấy vợ hai để có con. Thường chính người vợ vô sinh giục chồng lấy vợ lẽ.

Thứ hai là chế độ đa thê đáp ứng một ý thực dụng về kinh tế, trước hết tại nông thôn. Vợ lẽ là những trợ thủ chắc chắn và thuận tiện của người chồng. Một số điền chủ có bao nhiêu nông trại cần khai khẩn thì có bấy nhiêu vợ lẽ.

Thứ ba, chế độ đa thê thỏa mãn tính thích sĩ diện khoe khoang khi quan lại, kỳ mục tự hào có nhiều vợ góp phần làm tăng uy thế của mình, còn bà vợ cả đã già của họ thì cũng tự hào vì mình là người đứng đầu tất cả các bà vợ khác.

Dù thế nào đi nữa, chỉ người vợ cả là đáng kể trong gia đình. Vợ cả bình đẳng với chồng (thê), còn vợ lẽ, xét theo từ nguyên, là kẻ được người ta thêm thắt vào cho gia đình (thiếp giá).

Đối với vợ chính, vợ lẽ phải phục tùng nhất thiết. Ở nhiều gia đình, người vợ lẽ chỉ là đầy tớ không công và bị xếp vào hàng con cái. Do đấy, mọi con cái, thậm chí con của chính họ, đều gọi họ là chị hay dì. Các vợ lẽ gọi vợ chính thất là bà cả. Họ gọi nhau bằng số thứ tự chị hai, chị ba.

Vợ chính thất được coi là mẹ của mọi con cái. Chúng gọi mẹ là mẹ già, hay đích mẫu (mẹ thật). Con cái của vợ lẽ sinh ra phải xem vợ chính là mẹ đích của mình mà phải để đại tang, còn chính mẹ mình lại xem là mẹ thứ, không được để đại tang nếu mẹ mình chết trước mẹ đích.

Khi cúng lễ, vợ cả đứng ngang hàng với chồng trước bàn thờ, chồng bên trái (chỗ danh dự), vợ bên phải, hoặc vợ quỳ vái ngay sau chồng và ở cùng chỗ với chồng. Trong tang lễ, giỗ chạp, các lễ của gia đình vợ đứng ngang hàng với chồng. Vợ cả ngồi cùng mâm với chồng, vợ lẽ không được ngồi vào đấy.

T. Linh (Theo Aboluowang)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/su-that-cuoc-song-da-the-cua-cua-gia-dinh-co-dai-d206108.html
Zalo