Sứ mệnh lịch sử, đưa đất nước vươn mình - Bài 5
Bài 1: Ánh dương soi đường
Bài 2: Mở ra chân trời mới…
Bài 3: Thu giang sơn về một mối
Bài 4: Tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước
Bài 5: Cùng cả nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng nhất, vẻ vang nhất. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thoát khỏi ách nô lệ, đứng lên làm chủ đất nước từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tiếp đó, Đảng lãnh đạo toàn dân hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc…
Sau 28 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương có nền tảng vững chắc để cùng cả nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh
Từ những thành tựu to lớn đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp đất nước tích lũy đủ thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mới đây, tại cuộc trao đổi chuyên đề đặc biệt “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm nêu rõ, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại…
Chuẩn bị thế và lực để đồng hành cùng đất nước
Bình Dương có vai trò quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao thương quốc tế phía Bắc, Tây Bắc của vùng TP.Hồ Chí Minh, là đầu mối giao thông về đường bộ, đường sắt kết nối với vùng sông Mêkông mở rộng và các nước ASEAN. Đồng thời, Bình Dương là một trong bốn địa phương của tứ giác động lực phía Nam, giữ vai trò quan trọng hàng đầu đối với việc phát triển kinh tế của cả nước. Với vị trí nằm trong hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.Hồ Chí Minh - Vũng Tàu gắn với hành lang xuyên Á, Bình Dương cũng đồng thời nằm trên tuyến đường thương mại hàng hóa Tây nguyên - Đông Nam bộ.
Bước vào kỷ nguyên mới, Bình Dương sẽ khai thác triệt để các lợi thế để phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc… Ảnh: QUỐC CHIẾN
Kế thừa những thành tựu phát triển của tỉnh Sông Bé trước đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất cao và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám đột phá, tiên phong, đưa tỉnh vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành tỉnh đứng hàng đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như tốc độ đô thị hóa. Những thành quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực trong 40 năm cùng đất nước đổi mới và 28 năm Bình Dương xây dựng phát triển đã tạo nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2025- 2030, xây dựng Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu chung đó là: Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại.
Trong đó, tỉnh Bình Dương thuộc hai tiểu vùng kinh tế phía Bắc và trung tâm. Tiểu vùng phía Bắc gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía bắc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương là khu phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng. Tiểu vùng trung tâm gồm TP.Hồ Chí Minh, khu vực phía nam tỉnh Bình Dương và tây nam tỉnh Đồng Nai là trung tâm phát triển của toàn vùng, nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục - đào tạo, y tế và đầu mối giao thương quốc tế.
Với nền tảng lớn về hạ tầng qua 28 năm xây dựng và phát triển cùng với những mục tiêu, giải pháp cụ thể trong Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị cũng như Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ khai thác triệt để các lợi thế để phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tỉnh sẽ phấn đấu dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị đồng bộ, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc…
Đến năm 2024, GRDP của tỉnh đã đạt mốc gần trên 530 ngàn tỷ đồng (theo giá hiện hành). Quy mô kinh tế Bình Dương chính thức vươn lên vị trí thứ 3 cả nước từ năm 2019, chỉ đứng sau 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Năm 2024, GRDP của tỉnh tăng 7,48% so với năm 2023, GRDP bình quân đầu người đạt trên 181 triệu đồng/năm. Lũy kế đến ngày 31-12-2024, toàn tỉnh có gần 74.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn trên 812.000 tỷ đồng. Riêng năm 2024, tỉnh thu hút được 8.637 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh mới với tổng số vốn 53.000 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 2 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đề ra. Lũy kế đến ngày 31-12-2024, toàn tỉnh có 4.399 dự án FDI với tổng vốn 42,5 tỷ USD…