Sứ mệnh Hằng Nga-7 của Trung Quốc sẽ thăm dò bên trong Mặt Trăng khoảng năm 2026

Sứ mệnh Hằng Nga-7 của Trung Quốc dự kiến sẽ được phóng lên vào khoảng năm 2026. Bên cạnh việc tìm nguồn nước đóng băng nhằm phục vụ cho việc xây dựng căn cứ lâu dài trên Mặt Trăng, con tàu này còn mang theo máy đo địa chấn để nghiên cứu các trận động đất và thăm dò bên trong Mặt Trăng.

Tàu thăm dò Hằng Nga-7 dự kiến sẽ nhắm đến vùng lòng chảo Cực Nam - Aitken ở vùng tối của Mặt Trăng. Mục tiêu khoa học chính của sứ mệnh này là phát hiện các nguồn tài nguyên băng nước tại Cực Nam Mặt Trăng, vốn đóng vai trò then chốt trong việc lựa chọn địa điểm và xây dựng các căn cứ lâu dài trong tương lai. Đây là khẳng định của ông Ngô Phúc Nguyên (Wu Fuyuan), Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nghiên cứu viên Viện Địa chất và Địa vật lý trên Đài Truyền hình trung ương nước này (CCTV).

Ông cho biết thêm: “Một nhiệm vụ khác của Hằng Nga-7 là mang theo một máy đo địa chấn. Trong sự phân đôi của Mặt Trăng, có động đất ở vùng sáng và không có động đất ở vùng tối. Chúng tôi sẽ sử dụng máy đo địa chấn để phản ánh cấu trúc bên trong của Mặt Trăng, đặc biệt là xem liệu có sự khác biệt giữa vùng sáng và vùng tối hay không. Đây cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng.”

Mặt Trăng thể hiện sự tương phản rõ rệt giữa mặt gần (vùng sáng) và mặt xa (vùng tối) - một hiện tượng được gọi là sự phân đôi của Mặt Trăng. Trung Quốc đã thu thập được các mẫu vật từ vùng sáng Mặt Trăng qua sứ mệnh Hằng Nga-5 và vùng tối qua tàu Hằng Nga-6.

Ông Từ Nghĩa Cương (Xu Yigang), Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, nghiên cứu viên Viện Địa hóa học Quảng Châu, cho biết: “Chúng tôi hy vọng thông qua nghiên cứu các mẫu của Hằng Nga-5 và Hằng Nga-6, chúng ta có thể nghiên cứu sâu hơn và có những khám phá khoa học tốt hơn, đặc biệt là về lý thuyết hình thành và tiến hóa của Mặt Trăng, để có những đổi mới và hình thành trường phái Trung Quốc.”

Hằng Nga-7 sẽ nhắm đến cực Nam của Mặt Trăng để tìm kiếm băng nước và thử nghiệm các công nghệ tiên tiến quan trọng cho các hoạt động bền vững của con người trên Mặt Trăng. Con tàu này sẽ sử dụng một tàu vũ trụ cải tiến (innovative hopper spacecraft) được trang bị máy phân tích phân tử nước nhằm xác nhận sự hiện diện và phân bố của băng nước trong các miệng núi lửa bị che khuất vĩnh viễn.

Hôm 9/7, Trung Quốc đã công bố một loạt kết quả nghiên cứu mới nhất về mẫu vật Mặt Trăng của tàu Hằng Nga-6. Năm 2024, con tàu này đã làm nên lịch sử khi mang về Trái Đất 1.935,3 gam mẫu vật từ vùng tối của Mặt Trăng. Những mẫu vật này được thu thập tại lòng chảo cực Nam - Aitken, lưu vực lớn nhất, sâu nhất và lâu đời nhất trên Mặt Trăng, mang đến cơ hội làm rõ sự khác biệt về thành phần giữa vùng sáng và tối của Mặt Trăng.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/su-menh-hang-nga-7-cua-trung-quoc-se-tham-do-ben-trong-mat-trang-khoang-nam-2026-post1214537.vov
Zalo