Sự kiện lịch sử trong những ngày lịch sử
Trong không khí hào hùng, phấn khởi của những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước chúng ta vừa diễn ra một sự kiện mang tính lịch sử, chưa từng có từ trước tới nay, đó là đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn trên cả nước với tổng số vốn lên đến 445.000 tỷ đồng.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, một trong 3 khâu đột phá chiến lược đó là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thực hiện chủ trương đó, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, tháo gỡ mọi nút thắt, hóa giải khó khăn, điểm nghẽn, vượt qua thách thức để hoàn thành sớm các dự án trọng điểm. Và những công trình khởi công, khánh thành đợt này trên khắp mọi miền đất nước đều là những dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc kiến tạo những không gian phát triển mới, tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, là nền tảng vững chắc để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ.
Phát biểu tại sự kiện đặc biệt quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ kỳ vọng đây sẽ là những công trình có tính “biểu tượng” góp phần định vị hình ảnh Việt Nam “Độc lập - Hòa bình - Thống nhất - Tự cường - Hạnh phúc - Ấm no - Văn minh - Thịnh vượng” trên bản đồ thế giới và cuối cùng là mang lại lợi ích cho người dân, người dân được thụ hưởng thành quả từ các công trình, dự án này.
Thủ tướng đánh giá, việc khánh thành và khởi công các công trình dịp này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế. Vì vậy, với tinh thần “đã cố gắng thì càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm thì càng quyết tâm cao hơn nữa; đã hiệu quả rồi thì càng hiệu quả hơn nữa” để phát huy hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng đề ra các yêu cầu trong triển khai tổ chức thực hiện thời gian tới.
Trong đó, với các công trình, dự án khánh thành, các bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản các dự án và chủ đầu tư khẩn trương tổ chức vận hành, khai thác để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là những gia đình đã nhường đất cho dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống tốt hơn, an cư lạc nghiệp; tận dụng tối đa lợi thế của các dự án để quy hoạch và phát triển không gian mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bao trùm, toàn diện; không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đối với các công trình, dự án khởi công, chủ đầu tư và nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị, nhân lực để triển khai thi công ngay các dự án, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, không đội vốn, sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư. Các địa phương phải tập trung công tác giải phóng mặt bằng; hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết nhanh các thủ tục về mỏ vật liệu, đổ thải để chủ động triển khai dự án đúng kế hoạch, mục tiêu.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc hoàn thành các dự án hạ tầng chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng để chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, cũng như các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025. Đây sẽ là những điểm tựa, đòn bẩy góp phần đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.