Sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa Mỹ và châu Âu với các vấn đề chiến lược
Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 61 đang diễn ra tại Đức đã phơi bày rõ nét sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa Mỹ và châu Âu đối với các vấn đề chiến lược, từ xung đột Ukraine đến tương lai của NATO và trật tự an ninh toàn cầu. Những tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, cùng phản ứng gay gắt từ các lãnh đạo châu Âu, cho thấy một thực tế: Quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang đứng trước nguy cơ rạn nứt sâu sắc hơn bao giờ hết.
Không chỉ dừng lại ở chính sách đối với Ukraine hay việc Mỹ yêu cầu châu Âu gia tăng chi tiêu quốc phòng, sự khác biệt này còn phản ánh một sự khác biệt tư tưởng sâu sắc giữa hai bờ Đại Tây Dương về vai trò của các liên minh, chiến lược địa chính trị, và cách thức đối phó với những thách thức toàn cầu. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance khẳng định: “Mối đe dọa mà tôi lo ngại nhất đối với châu Âu là mối đe dọa từ bên trong. Sự thoái lui của châu Âu khỏi một số giá trị cơ bản nhất của mình, những giá trị được chia sẻ với Mỹ”.
Quan điểm này không chỉ thể hiện sự bất đồng về chiến lược quốc phòng, mà còn cho thấy sự xa cách ngày càng lớn trong tư duy chính trị giữa Washington và Brussels. Đối với Mỹ, việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine không còn là ưu tiên hàng đầu, trong khi châu Âu coi đây là vấn đề sống còn đối với an ninh khu vực. Tuy nhiên, phát biểu này nhanh chóng gặp phải sự phản ứng từ các nhà lãnh đạo châu Âu.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đáp trả rằng, quan điểm của Mỹ không phản ánh đúng tình hình thực tế của châu Âu và nhấn mạnh rằng: “Sự đoàn kết của châu Âu chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này”. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, châu Âu sẽ tiếp tục bảo vệ những giá trị chung nhưng cũng phải cân nhắc lợi ích chiến lược riêng của mình trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi.

Quang cảnh Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61.
Nhìn lại quá khứ, cuộc chiến Iraq năm 2003 đã tạo ra một rạn nứt lớn khi Mỹ thúc đẩy chiến dịch quân sự mà không có sự đồng thuận từ các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp. Ban đầu, những căng thẳng này gây chia rẽ nội bộ NATO, nhưng về sau, thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao, những bất đồng phần nào được giải quyết bằng cách tăng cường đối thoại và điều chỉnh cam kết quân sự trong khu vực. Cách tiếp cận này giúp duy trì sự gắn kết của liên minh dù vẫn tồn tại nhiều khác biệt. So với tình hình hiện nay, sự rạn nứt giữa Mỹ và châu Âu có vẻ nghiêm trọng hơn do sự thay đổi trong chiến lược toàn cầu của Washington và việc châu Âu phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc tự chủ an ninh khi Mỹ thúc đẩy chiến dịch quân sự mà không có sự đồng thuận của các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp.
Bên cạnh đó, dưới thời Tổng thống Donald Trump, căng thẳng cũng gia tăng khi Mỹ đe dọa rút khỏi NATO và áp đặt chính sách thuế quan đối với Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng là hiện tại, sự chia rẽ này không chỉ xuất phát từ các cá nhân lãnh đạo mà còn từ những chuyển dịch cấu trúc trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tổng thống Frank-Walter Steinmeier nhận định: “Điều chắc chắn là chính quyền mới của Mỹ có thế giới quan khác với chúng ta. Thế giới quan này không tôn trọng các quy tắc đã được thiết lập, các mối quan hệ đối tác đã được thiết lập và lòng tin. Chúng ta không thể thay đổi điều đó. Chúng ta phải chấp nhận điều đó và chúng ta phải giải quyết nó”.
Việc Mỹ không còn cam kết mạnh mẽ với Ukraine có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng. Nếu viện trợ quân sự và tài chính từ Washington giảm sút, Kiev sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì khả năng phòng thủ. Điều này có thể buộc châu Âu phải tăng cường hỗ trợ, nhưng liệu EU có đủ năng lực và quyết tâm để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại? Ngoài ra, quan điểm của Tổng thống Donald Trump về việc loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO khỏi bàn đàm phán hòa bình có thể làm suy yếu lập trường của Kiev.
Bà Ursula von der Leyen cảnh báo: “Chúng ta biết rằng, một châu Âu mạnh hơn sẽ tốt hơn cho tất cả chúng ta. Một châu Âu mạnh hơn sẽ hợp tác với Mỹ để ngăn chặn các mối đe dọa chung mà chúng ta có với tư cách là đối tác. Và đây là lý do tại sao chúng tôi tin rằng chiến tranh thương mại và thuế quan trừng phạt là vô nghĩa”. Trong bối cảnh này, châu Âu đang phải đối mặt với câu hỏi lớn về việc có thể xây dựng một nền quốc phòng độc lập hay không. Đức và Pháp, hai cường quốc hàng đầu trong EU, đã có những bước tiến trong việc hướng tới một liên minh quốc phòng chặt chẽ hơn, song các nỗ lực này vẫn chưa đạt đến mức kỳ vọng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng khẳng định rằng châu Âu cần phát triển “quyền tự chủ chiến lược” để không còn phụ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - lại tỏ ra dè dặt hơn trong việc thúc đẩy một NATO “phi Mỹ”, khiến quá trình thống nhất một chính sách quốc phòng chung trong EU trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Sự chia rẽ tại MSC lần thứ 61 phản ánh một thực tế rộng lớn hơn: Trật tự thế giới đang trải qua những biến động sâu sắc. Nếu trước đây, các diễn đàn như Munich đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sự đồng thuận của phương Tây, thì nay mô hình này đang dần bộc lộ những giới hạn. Thế giới không còn chỉ xoay quanh Mỹ và châu Âu, mà đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhiều trung tâm quyền lực mới, điển hình là Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nền kinh tế này đang từng bước mở rộng tầm ảnh hưởng, góp phần định hình lại trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu.
Trong khi đó, Nga không ngừng củng cố vị thế bằng cách tăng cường hợp tác với các khu vực như châu Á, Trung Đông và châu Phi, làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực truyền thống. Cùng lúc đó, các tổ chức đa phương như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng, tạo ra một thách thức trực tiếp đối với sự thống trị của phương Tây trong các vấn đề quốc tế. Khi trật tự đơn cực và đa cực truyền thống bị thách thức, Mỹ và châu Âu cần phải tìm cách thích ứng. Nếu không thể đạt được sự đồng thuận, phương Tây có thể đối mặt với nguy cơ suy yếu trong cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu.
Dù tình hình diễn biến theo hướng nào, một điều không thể phủ nhận là Hội nghị An ninh Munich năm nay đã làm lộ rõ những rạn nứt giữa Mỹ và châu Âu, không chỉ trong vấn đề Ukraine mà còn về chiến lược an ninh dài hạn. Trong thời gian tới, có thể xuất hiện một số kịch bản: Hai bên có thể nỗ lực khôi phục quan hệ thông qua các cơ chế đối thoại mới; châu Âu có thể chủ động hơn trong việc xây dựng một hệ thống phòng thủ độc lập; hoặc nguy cơ phân hóa sâu sắc hơn có thể dẫn đến việc tái cấu trúc hoàn toàn các liên minh an ninh hiện tại. Dù viễn cảnh nào trở thành hiện thực, những năm tới sẽ là giai đoạn thử thách quan trọng đối với cả hai bên trong việc định hình trật tự thế giới mới. Mỹ ngày càng đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu và giảm bớt cam kết toàn cầu, điều này có thể buộc châu Âu phải tự điều chỉnh hệ thống an ninh của mình.
Câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu châu Âu có thể vượt qua những khác biệt nội bộ để xây dựng một chính sách đối ngoại và quốc phòng độc lập, hay sẽ tiếp tục phụ thuộc vào một nước Mỹ ngày càng hướng nội? Trong bối cảnh thế giới bước vào một giai đoạn đầy biến động, các liên minh truyền thống có thể không còn duy trì được sự gắn kết như trước đây.