Sự giao thoa giữa khoa học và bí ẩn: Cuộc săn tìm người ngoài hành tinh với AI

Trong những năm gần đây, việc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh đã chuyển từ một lĩnh vực bị coi là ngoại vi sang một ngành nghiên cứu nghiêm túc, được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và sự chú ý từ các tổ chức uy tín như Đại học Harvard (Mỹ) và Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo Bloomberg, dự án Galileo, một sáng kiến tiên phong tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian, đang dẫn đầu nỗ lực này bằng cách sử dụng AI để phân tích dữ liệu bầu trời theo thời gian thực, tìm kiếm các hiện tượng dị thường không xác định (UAP), hay còn gọi là UFO.

Với sự tham gia của các nhà khoa học trẻ tài năng như Laura Dominé và sự giám sát của các cơ quan chính phủ, cuộc săn tìm người ngoài hành tinh không còn là câu chuyện viển vông mà đã trở thành một thách thức khoa học đầy tham vọng.

Một hệ thống camera hồng ngoại liên tục quét các vật thể khác thường trên bầu trời - Ảnh: Bloomberg

Một hệ thống camera hồng ngoại liên tục quét các vật thể khác thường trên bầu trời - Ảnh: Bloomberg

Laura Dominé, một tiến sĩ vật lý từ Đại học Stanford (Mỹ), từng dành thời gian nghiên cứu neutrino, những hạt cơ bản gần như không có khối lượng, xuyên qua vật chất mà không để lại dấu vết. Công trình của cô tại Stanford tập trung vào việc sử dụng học máy để phát hiện các phản ứng hiếm hoi của neutrino trong các máy dò khổng lồ dưới lòng đất. Sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ vào năm 2023, thay vì theo đuổi các con đường truyền thống như nghiên cứu vật lý thiên văn hay làm việc trong ngành công nghệ, Dominé chọn một hướng đi khác thường là gia nhập Dự án Galileo tại Harvard.

Dự án Galileo, do nhà vật lý thiên văn Avi Loeb sáng lập, nhằm áp dụng sự nghiêm ngặt của khoa học chính thống để nghiên cứu UAP. Tại một đài quan sát ở ngoại ô thành phố Boston (bang Massachusetts), nhóm của Dominé sử dụng một loạt thiết bị hiện đại từ camera hồng ngoại, cảm biến âm thanh, đến máy phân tích phổ tần số vô tuyến để ghi lại dữ liệu bầu trời liên tục. Mục tiêu là phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống ngoài hành tinh thông minh, không chỉ ở các thiên hà xa xôi mà ngay trong không phận Trái đất. “Đây là cách duy nhất để giải quyết vấn đề này”, Dominé nhấn mạnh, đề cập đến vai trò không thể thiếu của AI trong việc xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ.

Dự án Galileo được đặt tại một địa điểm khiêm tốn trong rừng, cách thành phố Boston 30 phút lái xe. Đài quan sát của dự án trông giống như một bộ sưu tập thiết bị khoa học kỳ lạ gồm một mái vòm chứa tám camera hồng ngoại, cảm biến âm thanh, máy đếm hạt tích điện, và trạm thời tiết với từ kế. Các thiết bị này hoạt động liên tục, quét bầu trời để tìm kiếm những hiện tượng không thể giải thích bằng các nguyên nhân thông thường như máy bay, chim, hay khí cầu.

AI đóng vai trò trung tâm trong việc phân tích dữ liệu. Các thuật toán học máy, tương tự như những gì được sử dụng trong xe tự lái, được huấn luyện để nhận diện các vật thể quen thuộc trên bầu trời từ máy bay thương mại đến đàn chim di cư. Bằng cách loại bỏ những thứ bình thường, hệ thống có thể tập trung vào các điểm bất thường. Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ UAP không có đặc điểm cố định. “Chúng tôi không biết mình đang tìm kiếm điều gì”, Richard Cloete, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Galileo, giải thích. Để giải quyết vấn đề này, nhóm của Cloete xây dựng một cơ sở dữ liệu khổng lồ chứa hình ảnh thực và hình ảnh tổng hợp (tạo bởi phần mềm Blender) của mọi vật thể bay đã biết, từ máy bay không người lái đến côn trùng.

Sự thay đổi văn hóa và sự chú ý từ Lầu Năm Góc

Sự phát triển của Dự án Galileo diễn ra trong bối cảnh thay đổi lớn về nhận thức công chúng và chính sách liên quan đến UAP. Vào năm 2017, một bài báo trên tờ New York Times tiết lộ rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã bí mật nghiên cứu UAP trong nhiều năm, kèm theo các video từ máy bay chiến đấu của hải quân cho thấy các vật thể bay với khả năng vượt xa công nghệ hiện tại. Những tiết lộ này đã thúc đẩy quốc hội yêu cầu Lầu Năm Góc công khai báo cáo hàng năm về UAP và thành lập Văn phòng Giải quyết dị thường toàn miền (AARO).

AARO, hiện do Jon Kosloski lãnh đạo, đã xem xét hơn 1.800 báo cáo về UAP, chủ yếu từ quân đội. Phần lớn các trường hợp được giải thích là do các hiện tượng tự nhiên hoặc công nghệ thông thường như khinh khí cầu hay máy bay không người lái. Tuy nhiên, khoảng 50 - 60 trường hợp vẫn là “bí ẩn thực sự”, khiến các nhà khoa học và kỹ sư của chính phủ bối rối. Ông Kosloski nhấn mạnh rằng UAP không nhất thiết là tàu vũ trụ ngoài hành tinh, mà có thể là dấu hiệu của công nghệ tiên tiến từ một quốc gia đối thủ.

Để nâng cao khả năng phát hiện, AARO hợp tác với Viện nghiên cứu Georgia Tech để phát triển hệ thống cảm biến Gremlin, bao gồm radar, kính viễn vọng, và ăng-ten vô tuyến. Tương tự như Dự án Galileo, Gremlin sử dụng AI để phân tích dữ liệu, nhưng các chi tiết về dự án vẫn được giữ bí mật. Dù vậy, Kosloski thừa nhận rằng hệ thống của họ cũng gặp phải những thách thức tương tự, như việc nhầm lẫn côn trùng với các vật thể đáng ngờ.

Những thách thức và triển vọng

Mặc dù có sự hỗ trợ từ AI, việc nghiên cứu UAP vẫn đầy khó khăn. Các thuật toán mà Dự án Galileo sử dụng đôi khi bị nhầm lẫn bởi mây, bụi, hay ánh sáng mặt trời. Côn trùng, với chuyển động nhanh và thất thường, là “cơn ác mộng” đối với phần mềm. Để cải thiện độ chính xác, nhóm của Dominé và Cloete đang đồng bộ hóa các cảm biến để chúng hoạt động như một hệ thống thống nhất, tự động chuyển hướng camera zoom khi phát hiện điều bất thường.

Một bài báo do Dominé đồng tác giả, công bố vào tháng 1.2025, cho thấy phần mềm của Galileo chỉ nhận diện được 36% các máy bay trong dữ liệu hồng ngoại, một kết quả khiêm tốn so với tiêu chuẩn nghiên cứu neutrino của cô. Tuy nhiên, cô lạc quan rằng hệ thống sẽ cải thiện đáng kể trong một đến hai năm tới. Dự án cũng đang mở rộng với ba đài quan sát mới tại Indiana, Nevada, và Pennsylvania.

Dự án Galileo không chỉ thu hút các nhà khoa học chuyên nghiệp mà còn cả những tình nguyện viên trẻ như Ankit Biswas, một học sinh trung học từ Bắc Carolina. Biswas hỗ trợ xử lý dữ liệu vị trí từ máy bay, làm việc vào ban đêm và cuối tuần để đóng góp cho dự án. Sự tham gia của những người như Biswas cho thấy sức hút ngày càng tăng của nghiên cứu UAP trong giới trẻ.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc tiếp tục theo dõi chặt chẽ các nỗ lực của Harvard. Dù AARO có nguồn lực lớn hơn, họ đối mặt với hạn chế từ các cảm biến quân sự, vốn được thiết kế để theo dõi tên lửa và máy bay chứ không phải quan sát khoa học. Sự hợp tác giữa các tổ chức học thuật và chính phủ có thể là chìa khóa để giải mã bí ẩn UAP.

Tuy nhiên, con đường phía trước không hề dễ dàng. Dominé, dù đam mê với dự án, đang đối mặt với những thách thức cá nhân. Là một nhà nghiên cứu quốc tế, cô lo ngại về các chính sách nhập cư và cắt giảm ngân sách nghiên cứu dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump. Cô dự định tìm kiếm cơ hội tại các quốc gia khác, trong khi Cloete tiếp tục ở lại Harvard đến năm 2027.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/su-giao-thoa-giua-khoa-hoc-va-bi-an-cuoc-san-tim-nguoi-ngoai-hanh-tinh-voi-ai-232775.html
Zalo