Vũ điệu thiên nhiên theo chiều dài lịch sử của các dòng sông

Sự tương tác phức tạp giữa gió mùa dữ dội và nông nghiệp đã biến đổi sông Hoàng Hà, gây ra thách thức lớn hơn nhiều cho nhà nước Trung Quốc so với thách thức sông Euphrates đem đến cho các nhà nước Lưỡng Hà.

Bên dưới phía bắc nhiều mưa, Tigris và Euphrates rời thung lũng, tiến vào bãi bồi. Cứ mỗi kilômét mà hai con sông tiến gần hơn về phía Vịnh, chúng lại hạ khoảng 5 hoặc 10 cm độ cao.

Vùng đất bãi bồi bằng phẳng đến nỗi, nếu nông dân định tận dụng độ nghiêng của nó để tưới tiêu, họ sẽ phải đào những con kênh dài hơn 40 km để tạo ra đủ áp lực. Không một cộng đồng đơn lẻ nào ở thiên niên kỷ 5 TCN có thể có lực lượng lao động và quyền kiểm soát lãnh thổ đủ để thực hiện một việc như vậy. Nhưng trong trường hợp này, thiên nhiên đã cung cấp cho con người giải pháp.

Trên các vùng đồng bằng, cả hai con sông đều chảy chậm lại. Chúng trở nên không ổn định, uốn khúc và tăng chiều dài theo từng khúc cua, thường xuyên gây ngập lụt xung quanh. Do lượng phù sa lớn đổ xuống từ các ngọn núi, mỗi trận lụt lại nâng bờ và lòng sông lên cao hơn.

Theo thời gian, mặt các con sông bắt đầu cao hơn vài mét so với phần còn lại của đồng bằng, nước được chắn lại bởi các con đê tự nhiên. Quá trình này đã tạo ra địa hình bờ sông bồi cao. Theo hướng vuông góc với sông, các bờ dốc hơn nhiều so với độ nghiêng của vùng đồng bằng hướng ra Vịnh.

 Hoàng Hà là hệ thống sông dài thứ 6 thế giới với chiều dài lịch sử từ thủa sơ khai. Ảnh: CGTN.

Hoàng Hà là hệ thống sông dài thứ 6 thế giới với chiều dài lịch sử từ thủa sơ khai. Ảnh: CGTN.

Con người đã tận dụng lợi thế của địa hình này, đặc biệt là các khu định cư nằm trên phần phân nhánh của hạ lưu sông Euphrates. Những cộng đồng này đã đào các kênh tưới ngắn, bắt đầu từ đỉnh của bờ kè và chạy xuống dốc, tạo ra đủ lực để tưới tiêu. Các kênh đào cách nhau khoảng 3-400 m. Theo thời gian, phù sa từ lũ lụt lấp đầy khoảng trống giữa chúng, tạo nên những dải đất hẹp, rộng vài ki lô mét, trải dọc theo chiều dài của sông. Đặc điểm của địa hình này đã định hình nông nghiệp.

Nằm giữa các con kênh là những cánh đồng dài, chừng 30 tới 40 hecta, tạo thành cấu trúc xương cá dọc theo sông. Một số cánh đồng dài được phân thành nhiều mảnh nhỏ, mỗi mảnh khoảng 2 hecta. Với cấu trúc ruộng này, có thể xới đất bằng cách sử dụng cày lớn nhiều bò kéo, đào các luống theo chiều dài ruộng và tra hạt vào đất. Phương thức này ảnh hưởng rất đáng kể đến năng suất: trong khi nông nghiệp dựa vào nước mưa ở miền bắc chỉ có thể thu hoạch nhiều nhất hai hoặc ba hạt giống cho mỗi cây được gieo trồng, gần như chỉ vừa đủ, thì trong điều kiện lý tưởng, hệ thống ở miền nam có thể sản xuất 20 đến 30 hạt trên mỗi cây, tức là gấp mười lần.

Vấn đề là sự điều tiết của mùa nước. Khi cần nước tưới thì luồng nước thấp. Tới khi nước đạt đỉnh thì lại là lúc thu hoạch, không cần tưới nữa. Nếu các kênh bao tiêu được đào đủ nông để luồng nước thấp tràn vào hệ thống thủy lợi đúng thời điểm, thì chúng lại sẽ dễ bị tràn khi lũ về, gây nguy cơ mất trắng vụ mùa. Giải pháp là đào những con kênh đủ sâu để ngăn lũ, sau đó sử dụng các công trình tạm thời - những con đập làm bằng bùn và lau sậy - để nâng cao mực nước khi dòng chảy thấp.

Đó là một biện pháp tiêu tốn sức lao động. Các kênh đào cần được nạo vét liên tục. Đất cần được chăm sóc vì nước tưới vào ruộng bay hơi để lại muối, trong khi mực nước ngầm cao lại ngăn không cho nước rửa trôi muối. Và do đó, cảnh quan nước đã định hình một số đặc trưng trong hoạt động canh tác của các cộng đồng ở miền nam Lưỡng Hà: loại cây họ trồng, việc duy trì hệ thống tưới tiêu, kỹ thuật cày xới.

Về phần mình, những hoạt động này lại đòi hỏi phải có các thể chế và cấu trúc xã hội. Lịch phải được sắp xếp theo một tập hợp các nhiệm vụ có thời hạn, có thể đoán trước được. Sự đa dạng của các hoạt động dẫn đến chuyên môn hóa lao động, từ đó khuyến khích sản xuất hiệu quả hơn. Dân cư tập trung, tạo điều kiện chuyên môn hóa hơn nữa. Việc thu thuế và phân chia thực phẩm trở nên dễ dàng hơn. Dân số tăng lên. Làng mạc biến thành thị trấn. Thị trấn lại thành thành phố. Các chế độ quan liêu xuất hiện. Khi các thành bang đầu tiên của người Sumer xuất hiện, dòng sông đã định hình cuộc sống của họ.

Cần chỉ ra rằng những quá trình này không phải chỉ xảy ra ở Lưỡng Hà. Ở bên kia thế giới, bùn và phù sa chảy xuống từ trung lưu sông Hoàng Hà ở phía bắc Trung Quốc, lắng xuống lòng sông và nâng đáy sông cao lên. Cuối cùng, lòng sông trở nên không ổn định và các con đê tự nhiên bị phá vỡ. Một nhánh sông mới hình thành, trong khi nhánh sông cũ bị bỏ lại. Sau đó chu kỳ lại bắt đầu.

Như đã thảo luận trong chương trước, lượng phù sa đổ xuống sông Hoàng Hà là một hàm số của các điều kiện dưới ảnh hưởng của gió mùa Đông Á. Trong thời kỳ khí hậu mát mẻ và khô ráo của thiên niên kỷ 2 và 1 TCN, các đồng cỏ đã giữ phần lớn hoàng thổ tại chỗ và các trầm tích được kiểm soát. Khi gió mùa dịch chuyển theo hướng bắc hoặc nam, thảm thực vật trên hoàng thổ sẽ theo đó mà thay đổi sản lượng trầm tích và tốc độ bồi lắng. Ở đó, xã hội và dòng sông bắt đầu một vũ điệu cân bằng bấp bênh mà từ đó, một khi đã bắt đầu, cả hai đều không thể được giải thoát.

Sự tương tác phức tạp giữa gió mùa dữ dội và nông nghiệp đã biến đổi sông Hoàng Hà, gây ra thách thức lớn hơn nhiều cho nhà nước Trung Quốc so với thách thức sông Euphrates đem đến cho các nhà nước Lưỡng Hà. Nông nghiệp cực kỳ dễ bị tổn thương do các con đê tự nhiên liên tục bị vỡ, đến nỗi ngay cả những cộng đồng sơ khai nhất cũng phải can thiệp để chế ngự dòng sông.

Mặc dù không có di tích khảo cổ học nào được tìm thấy về triều đại được cho là đầu tiên của Trung Quốc - nhà Hạ ở thiên niên kỷ 2 TCN - song những huyền thoại và truyền thuyết còn tồn tại trong các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc phần nào cho thấy môi trường khắc nghiệt như thế nào đối với những cộng đồng sơ khai đó.

Tương truyền, Hạ Đại Vũ, người sáng lập huyền thoại của nhà Hạ, đã rút cạn đồng bằng Hoa Bắc, cho đào chín đường dẫn nước ra biển, và theo triết gia Mạnh Tử sau này, “nước đi qua vùng đất này chính là thứ nước ngày nay chảy trên sông Dương Tử, Hoài Thủy, Hoàng Hà, và Hán Giang”. Những câu chuyện về vua Hạ Vũ bắt nguồn từ việc chế ngự các dòng sông trong truyền thuyết, nhắc nhở mọi người rằng mối quan hệ với nước là trọng tâm của nhà nước Trung Quốc.

Các xã hội sống ở miền bắc Trung Quốc, giống như các xã hội ở miền nam Lưỡng Hà, phải đối mặt với một môi trường nước phức tạp. Hình thế của dòng sông không phải yếu tố duy nhất quyết định con đường họ đi. Nhưng nó đã định hình hành trình của họ.

Giulio Boccaletti/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/vu-dieu-thien-nhien-theo-chieu-dai-lich-su-cua-cac-dong-song-post1554090.html
Zalo