Sứ giả của niềm vui

Tôi đã nghĩ người lái xe giống như một vị sứ giả của niềm vui và bậc thầy pháp thuật với quyền năng chuyển hóa tâm trạng người khác, từ cáu kỉnh sang vui vẻ và mở lòng.

Lời thách đố của Aristotle

Ai cũng có thể tức giận. Điều đó không khó. Nhưng để giận đúng người, đúng lúc, đúng mục đích, đúng cách và đúng mức thì chẳng dễ chút nào.

- Aristotle, Đạo đức học của Nicomaque

Đó là một buổi chiều tháng 8 nóng ẩm khó chịu ở New York, kiểu thời tiết khiến ai cũng dễ mệt mỏi và ủ rũ. Trên đường về khách sạn, vừa bước lên chiếc xe buýt tại Đại lộ Madison, tôi hơi khựng lại trước nụ cười nhiệt thành cùng lời chào thân thiện của người tài xế da màu trung niên: “Xin chào, hôm nay bạn thế nào?”

Đó có vẻ là cử chỉ dành cho tất cả hành khách trên chuyến xe đi qua khu phố trung tâm với mật độ giao thông dày đặc. Chắc hẳn ai nấy cũng đều ngạc nhiên giống tôi, nhưng đa số sẽ không đáp lại vì vẫn đang chìm trong tâm trạng nhàm chán cuối ngày.

 Ảnh minh họa. Nguồn: The Telegraph.

Ảnh minh họa. Nguồn: The Telegraph.

Nhưng một sự chuyển biến kỳ diệu đã xảy ra khi chiếc xe len lỏi qua những đoạn đường ùn tắc. Người tài xế thao thao bất tuyệt đủ thứ: cửa hàng này đang hạ giá kịch sàn, bảo tàng kia đang tổ chức một buổi triển lãm thú vị hay rạp phim cuối phố vừa công chiếu một tác phẩm mới... Sự thích thú và say mê của ông quả có sức lan tỏa ghê gớm. Vẻ ủ rũ trên khuôn mặt hành khách dường như biến mất khi họ xuống xe. Ai nấy đều đáp lại lời chào của người lái xe “Tạm biệt, chúc một ngày tốt lành!” bằng một nụ cười thân thiện.

Ký ức về buổi chiều hôm ấy vẫn in sâu trong tâm trí tôi sau 20 năm. Lúc đó, tôi vừa hoàn thành chương trình tiến sỹ tâm lý học. Nhưng ngành học của tôi ngày ấy hầu như không thể lý giải tại sao lại có sự chuyển biến như vậy do mù mờ về cơ chế của xúc cảm. Hãy thử hình dung, tâm trạng dễ chịu của những hành khách trên chuyến xe đó biết đâu sẽ lan tỏa khắp thành phố. Tôi đã nghĩ người lái xe giống như một vị sứ giả của niềm vui và bậc thầy pháp thuật với quyền năng chuyển hóa tâm trạng người khác từ cáu kỉnh sang vui vẻ và mở lòng.

Trái lại, báo chí thì thường đăng những tin tức kiểu thế này:

Trong cơn quá khích, một học sinh 9 tuổi đã đổ đầy sơn lên bàn ghế, máy tính, máy in và phá hỏng cả một chiếc ôtô tại bãi đỗ xe của một trường học địa phương. Nguyên nhân: cậu bị chúng bạn gọi là “em bé” và muốn chứng minh mình không phải thế.
Tám thanh niên bị thương sau một vụ ẩu đả bên ngoài câu lạc bộ rap ở Manhattan. Một trong số đó đã xả đạn của khẩu Colt .38 tự động vào đám đông. Nhà chức trách đã cảnh báo tình trạng gia tăng những vụ xả súng xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ như vậy trong thời gian gần đây.
Theo một báo cáo, có đến 57% thủ phạm của các vụ án giết hại trẻ em dưới 12 tuổi là cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ kế của nạn nhân. Nhưng trong một nửa số vụ, kẻ thủ ác khẳng định “chỉ muốn dạy dỗ con cái”. Thậm chí có trường hợp trẻ bị đánh chết chỉ vì những “lỗi” nhỏ nhặt như đứng chắn ti vi, khóc nhè hay làm bẩn tã...
Một thanh niên Đức hầu tòa vì hành vi đốt nhà khiến năm phụ nữ và em gái Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng khi còn đang ngủ. Là thành viên của một tổ chức “tân phát xít” (neo-Nazi), hung thủ khai đã uống rượu say do mất việc và đổ lỗi cho người nhập cư khiến hắn gặp vận đen. Bị cáo van xin trước tòa: “Tôi thực sự ân hận vì tội lỗi mà mình đã gây ra”.

Những tin tức không vui rộ lên như vậy mỗi ngày là minh chứng cho thấy nền văn minh và xã hội của chúng ta đang có dấu hiệu bất ổn, thậm chí suy đồi. Nhưng chúng cũng phản ánh một thực tại đáng lo lắng rằng rất nhiều người đang có xu hướng mất khả năng kiểm soát xúc cảm. Không ai tránh khỏi có lúc bùng phát cơn giận và khi điều đó qua đi thì chỉ còn lại nỗi hối tiếc.

Xã hội đang đối diện với tình trạng bất lực trên phương diện kiểm soát xúc cảm khi xu hướng thờ ơ, tuyệt vọng và liều lĩnh lên ngôi. Những đứa trẻ phải chịu đựng cô đơn thầm kín khi ở nhà một mình với bảo mẫu và tivi, chưa kể còn dễ trở thành nạn nhân của tệ lạm dụng, bạo hành.

Có thể lượng hóa điều này bằng số ca trầm cảm đang gia tăng trên khắp thế giới đi kèm lời cảnh báo về một làn sóng bạo lực mới: thanh thiếu niên mang súng tới trường, án mạng từ những va chạm nhỏ trên đường cao tốc, người thất nghiệp bất mãn sát hại dã man đồng nghiệp cũ... Bạo hành tâm lý, lái xe xả súng, trầm cảm sau thương chấn đang là những cụm từ phổ biến; câu khẩu hiệu vui vẻ “Chúc một ngày tốt lành” nơi cửa miệng giờ chỉ còn là “Vui lên nào” mang hàm ý đầy mỉa mai.

Daiel Goleman/Alpha Books-NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/su-gia-cua-niem-vui-post1527767.html
Zalo