Sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm để cà phê vững bước ra thế giới

Hội thảo đã thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý và nhà nông đóng góp ý kiến xoay quanh những bài học kinh nghiệm và tác động tích cực của dự án đối với ngành cà phê Việt Nam.

Chiều 11/4, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Diễn đàn cà phê toàn cầu tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và nhận thức về sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê tại Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 150 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nhà nông

Hội thảo có sự tham dự của hơn 150 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nhà nông

Năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,32 triệu tấn, với kim ngạch 5,48 tỷ USD, tuy giảm 18,8% về lượng nhưng tăng 29,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù có tiềm năng lớn, ngành cà phê Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển bền vững, đặc biệt là trong quản lý chất thải và sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm.

Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cà phê, tháng 6 năm 2024, dự án “Xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và nhận thức về sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê tại Việt Nam” đã chính thức khởi động.

Hội thảo dành nhiều thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến, chia sẻ các mô hình, giải pháp sản xuất cà phê hiệu quả, bền vững

Hội thảo dành nhiều thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến, chia sẻ các mô hình, giải pháp sản xuất cà phê hiệu quả, bền vững

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách thu nhập đủ sống cho ít nhất 150.000 hộ nông dân cà phê tại Việt Nam vào năm 2030, hội thảo đã thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý và nhà nông đóng góp ý kiến xoay quanh những bài học kinh nghiệm và tác động tích cực của dự án đối với ngành cà phê Việt Nam; chia sẻ các mô hình, giải pháp sản xuất cà phê hiệu quả, bền vững; các phương pháp sử dụng vật tư nông nghiệp tiên tiến, thu gom và xử lý chất thải đã được áp dụng thành công… Đồng thời, khuyến nghị chính sách và tạo kết nối các bên liên quan, nhằm góp phần xây dựng môi trường chính sách thuận lợi cho phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam và trao đổi, hợp tác phát triển ngành hàng cà phê trong tương lai.

Tại hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, tuy chỉ mới triển khai nhưng dự án đã định hướng được khá rõ việc sản xuất cà phê phải có trách nhiệm, chỉ có kiểm soát được vật tư nông nghiệp đầu vào tốt thì mới giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Hội thảo khẳng định, hành động trách nhiệm là điều kiện để cà phê Việt Nam vững bước ra thế giới

Hội thảo khẳng định, hành động trách nhiệm là điều kiện để cà phê Việt Nam vững bước ra thế giới

“Hiện nay, không phải chỉ là vấn đề an toàn, vấn đề chất lượng sản phẩm mà người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm đó được làm ra bằng cách nào, có làm tổn hại đến môi trường, sinh thái không? Điều đó thay đổi thị hiếu, nhận thức về tiêu chuẩn sản phẩm. Việc chúng ta xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và nhận thức sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, chúng tôi cho rằng đây là một sáng kiến rất là kịp thời, đúng lúc. Với đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao thực hiện cùng với Diễn đàn cà phê toàn cầu, chúng tôi đã vào cuộc một cách mạnh mẽ” - ông Lê Quốc Thanh nói.

Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/su-dung-vat-tu-nong-nghiep-co-trach-nhiem-de-ca-phe-vung-buoc-ra-the-gioi-post1191378.vov
Zalo