Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy giảm nghèo bền vững

Thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tỉnh Trà Vinh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Nhờ phát huy hiệu quả các nguồn lực và giúp người dân nâng cao ý thức về thoát nghèo, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh ST

Nhờ phát huy hiệu quả các nguồn lực và giúp người dân nâng cao ý thức về thoát nghèo, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh ST

Phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong giảm nghèo

Đến nay, nhìn chung tốc độ giảm nghèo của tỉnh đã được đẩy nhanh, góp phần ổn định đời sống cho người dân, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ thiếu việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo và bước đầu chuyển đổi cơ cấu, chất lượng lao động theo hướng tích cực.

Trong đó, tỉnh đã phát huy vai trò chủ thể của người dân, vị trí trung tâm của người nghèo trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh gắn vào quá trình đầu tư các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình, kế hoạch giảm nghèo của Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh.

Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Trên tinh thần đó, tỉnh Trà Vinh đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực, tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân.

Năm 2024, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Trà Vinh được bố trí nguồn vốn hơn 73 tỷ đồng.

Trong đó, tỉnh đã dành hơn 25 tỷ đồng thực hiện các hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; gần 12 tỷ đồng hỗ trợ tạo việc làm bền vững; hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật chưa có sinh kế ổn định...

Trao đổi với Báo Kiểm toán, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, cùng với các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương, những năm qua, Trà Vinh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua đó góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của bà con, loại bỏ dần tư tưởng trông chờ vào Nhà nước.

Trong đó, tỉnh xác định đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, gắn với tạo việc làm cho người dân là những nhiệm vụ trọng tâm, qua đó giúp giảm số hộ nghèo.

Đến cuối năm 2024, tỉnh Trà Vinh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9/9 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, địa phương đã tạo việc làm mới cho 27.265 lao động, đạt 118,54% kế hoạch; đưa 1.530 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 170%; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tư vấn tuyển sinh trình độ nghề các cấp cho 19.639 lao động, đạt 103,36% kế hoạch.

Về công tác giảm nghèo, trong năm toàn tỉnh giảm 923 hộ nghèo, hộ nghèo đa chiều (0,32%), vượt 0,02% chỉ tiêu nghị quyết năm 2024. Hiện còn 2.493 hộ nghèo, chiếm 0,87% so với tổng số dân cư (1.983 hộ nghèo không có khả năng lao động, chiếm 79,45% so với tổng số hộ nghèo), còn 5.312 hộ cận nghèo, chiếm 1,84% (1.747 hộ cận nghèo không có khả năng lao động, chiếm 32,89% so với tổng số hộ cận nghèo).

Tính chung trong 03 năm (2022 - 2024), với sự huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho giảm nghèo bền vững đã góp phần cho tỉnh thực hiện giảm 2,67% tỷ lệ hộ nghèo, vượt 0,67% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg.

Sau khi trừ số hộ nghèo không còn khả năng lao động, toàn tỉnh Trà Vinh còn 335 hộ nghèo có khả năng lao động và đủ năng lực thoát nghèo vào cuối năm 2025, tỉnh sẽ đạt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 02 năm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, thúc đẩy giảm nghèo bền vững

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ rất quan trọng, thực hiện đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục rà soát, xác định đúng đối tượng và nguyên nhân nghèo nhằm có hình thức hỗ trợ phù hợp.

"Trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, cần xác định rõ nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ các mô hình sinh kế, đào tạo giải ngân tốt các nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này, lấy người nghèo làm trung tâm để hỗ trợ" - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn nhấn mạnh và cho rằng, công tác giảm nghèo phải là cả quá trình, hướng đến chuyển biến bền vững, chứ không phải là theo thời kỳ.

Để đạt được kết quả trên, tỉnh đề ra giải pháp phù hợp với “sức dân” và tình hình thực tế của tỉnh.

Trong đó, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về công tác giảm nghèo để người dân thực sự là “chủ thể”, có vị trí “trung tâm” trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo.

Tỉnh Trà Vinh nỗ lực thúc đẩy giảm nghèo bền vững trong nhân dân. Ảnh ST

Tỉnh Trà Vinh nỗ lực thúc đẩy giảm nghèo bền vững trong nhân dân. Ảnh ST

Mặt khác, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, đổi mới tư duy, phương thức giảm nghèo theo hướng người nghèo là “chủ thể”, vị trí “trung tâm” tự thân vươn lên thoát nghèo bằng năng lực sản xuất của bản thân, có việc làm và thu nhập ổn định.

Cùng với đó, tỉnh tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho giảm nghèo bền vững theo hướng cụ thể hóa vai trò của Nhà nước là hướng dẫn, hỗ trợ có “điều kiện”, người nghèo là chủ thể, vị trí trung tâm thoát nghèo bằng năng lực, ý chí bản thân. Các ngành, các cấp, các địa phương tiếp tục tăng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và nguồn đối ứng của địa phương để thực hiện công tác giảm nghèo; tăng nguồn vốn thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đặc thù của tỉnh hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo….

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Quan tâm thực hiện nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, triển khai đồng bộ, thực chất phong trào “Mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu” phù hợp với thực tế và phát huy cao độ năng lực sáng tạo; nâng cao chất lượng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế tiêu biểu.

Sự quan tâm chỉ đạo của các địa phương, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của người đứng đầu, là nhân tố quyết định quan trọng nhất cho việc triển khai thành công của Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh./..

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/su-dung-hieu-qua-cac-nguon-luc-thuc-day-giam-ngheo-ben-vung-38363.html
Zalo