Sử dụng chế phẩm sinh học, hướng đến nông nghiệp xanh

Hạ độ phèn, cân bằng độ pH; cải tạo đất; tăng tuổi thọ cây trồng; tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi trong đất phát triển;... là hiệu quả mà các chế phẩm sinh học mang lại trong sản xuất nông nghiệp.

Bà Dương Thị Kim Oanh (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.TÂn An) sử dụng chế phẩm sinh học pha với nước sạch phun trực tiếp lên cây bưởi, trị bệnh xì mủ

Bà Dương Thị Kim Oanh (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.TÂn An) sử dụng chế phẩm sinh học pha với nước sạch phun trực tiếp lên cây bưởi, trị bệnh xì mủ

Giảm chi phí sản xuất

Cách đây 8 năm, chị em bà Mai Thị Kim Phượng và bà Dương Thị Kim Oanh (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, tỉnh Long An) chuyển 4.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Chưa am hiểu kỹ thuật, cộng với thiếu kinh nghiệm, bà Phượng, bà Oanh chủ yếu sử dụng phân bón, thuốc hóa học trong trồng bưởi, trong khi đó đất nhiễm phèn nặng. Điều này khiến vườn bưởi của gia đình phát triển được thời gian đầu, sau đó xuất hiện các loại bệnh gây hại, nhất là bệnh xì mủ.

Bà Phượng cho biết: “Sử dụng phân bón, thuốc hóa học, vườn bưởi phát triển nhanh, cho trái sớm. Nhưng sau một thời gian, đất bị bạc màu, sâu, bệnh phát sinh, tôi phải bón phân, thuốc nhiều hơn nhưng cây vẫn bị suy, thậm chí nhiều cây còn bị chết. Thấy vậy, tôi quyết định chuyển sang trồng bưởi theo hướng hữu cơ nhằm cải tạo độ phì nhiêu của đất, tăng tuổi thọ cho cây trồng”.

Chuyển sang trồng bưởi theo hướng hữu cơ, chị em bà Phượng, bà Oanh lại gặp khó khăn bởi giá phân bón hữu cơ ngoài thị trường cao. Chính vì thế, họ mua các loại nguyên liệu về tự ủ phân bón hữu cơ. Bà Oanh nhớ lại: “Hồi đó, tôi ủ phân bón theo kiểu truyền thống. Khi phân hoai mục, tôi xúc vào bao, đẩy ra vườn nên rất vất vả. Trong một lần tham gia tập huấn, tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách ủ phân bón bằng chế phẩm sinh học. Nhờ đó, tôi giảm được chi phí và công lao động. Một gói chế phẩm sinh học pha chung 20 lít nước sạch có thể xịt trực tiếp vào bao chứa các nguyên liệu ủ phân bón hữu cơ, sau 15 ngày là sử dụng được”.

Sau thời gian sử dụng phân bón hữu cơ, vườn bưởi của chị em bà Oanh, bà Phượng phục hồi tốt, đất được cải tạo, vi sinh vật có lợi bắt đầu xuất hiện trở lại, nhất là hạn chế được bệnh xì mủ. Quan trọng hơn, họ còn hiểu được giá trị của việc sản xuất sạch đối với sức khỏe người sản xuất và môi trường xung quanh.

Cải tạo vùng đất nhiễm phèn

Trại Nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tháp Mười (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) có gần 1ha đất nhiễm phèn nặng. Dù nỗ lực tháo chua, rửa phèn nhưng trồng lúa vẫn cho năng suất rất thấp, khoảng 2 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, Trại còn gần 10ha đất bị nhiễm phèn, năng suất lúa chỉ 5 tấn/ha/vụ.

Trưởng trại Nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tháp Mười - Trần Minh Tâm cho biết: “Khu vực xung quanh trại được xem là rốn phèn của vùng Đồng Tháp Mười. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn không cải thiện nhiều. Đến vụ Đông Xuân 2024-2025, Trại sử dụng chế phẩm sinh học để hạ độ phèn, cân bằng độ pH, phun chế phẩm sinh học 6 lần/vụ nên độ phèn giảm, đất tơi xốp, lúa phát triển tốt, ít sâu, bệnh, đặc biệt là năng suất đạt 7,5 tấn/ha/vụ. Riêng diện tích gần 1ha nhiễm phèn nặng đạt năng suất 6 tấn/ha”.

Thực trạng ngành Nông nghiệp hiện nay, nông dân lạm dụng quá nhiều phân bón, thuốc hóa học vào canh tác vì mục tiêu năng suất. Cũng từ đó, đất bị bạc màu, thoái hóa, thiên địch hầu như biến mất hoàn toàn. Do đó, nông dân cần phải thay đổi nhận thức, chuyển từ sử dụng phân bón, thuốc hóa học sang thuốc vi sinh, phân bón hữu cơ.

Nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh - Nguyễn Thanh Tùng khẳng định: “Long An đang thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 nên việc sử dụng các chế phẩm sinh học sẽ giúp xử lý được rơm rạ sau khi thu hoạch, cải tạo đất, bảo vệ môi trường,...

Đây là biện pháp giảm lượng giống, phân bón, thuốc hóa học theo kế hoạch đề án đặt ra. Trước đây, nông dân chưa quan tâm đến phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học nhưng gần đây dần thay đổi tập quán, chuyển từ sử dụng phân bón, thuốc hóa học sang hữu cơ, tiến dần đến sản xuất nông nghiệp xanh”./.

Minh Thư

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/su-dung-che-pham-sinh-hoc-huong-den-nong-nghiep-xanh-a194707.html
Zalo