Microsoft dừng hoạt động Skype, đặt cược tương lai vào Teams
Ngày 5.5, ứng dụng gọi điện trực tuyến Skype vốn là biểu tượng kết nối toàn cầu trong thời kỳ đầu của internet, đã chính thức ngừng hoạt động.
Theo Washington Post, Microsoft - công ty sở hữu Skype, đưa ra quyết định này nhằm dồn nguồn lực cho nền tảng Teams, ứng dụng gọi điện và cộng tác đang được doanh nghiệp và người dùng phổ thông sử dụng rộng rãi hơn.
Được công bố từ tháng 3, việc đóng cửa Skype đánh dấu chấm hết cho một trong những phần mềm liên lạc có sức ảnh hưởng nhất thế giới trong hơn hai thập niên qua. Đối với hàng trăm triệu người dùng, Skype không chỉ là một công cụ gọi điện miễn phí, mà còn là biểu tượng của sự kết nối xuyên biên giới, mang lại cảm giác gần gũi cho những người ở xa nhau.

Skype chính thức dừng hoạt động hôm 5.5, khép lại một kỷ nguyên kết nối toàn cầu - Ảnh: AFP
Từ biểu tượng internet đến bước lùi trong thời đại số
Skype ra đời năm 2003 tại Tallinn (Estonia) do hai doanh nhân Niklas Zennstrom và Janus Friis sáng lập. Dựa trên công nghệ VoIP (gọi điện qua internet), Skype cho phép người dùng trò chuyện bằng âm thanh và video mà không cần sử dụng các dịch vụ viễn thông truyền thống. Không lâu sau, người dùng có thể gọi điện đến số điện thoại cố định và di động với chi phí thấp.
Từ năm 2005, Skype nhanh chóng được biết đến rộng rãi sau khi được eBay mua lại với giá 2,6 tỉ USD. Năm 2011, Microsoft thâu tóm Skype với mức giá 8,5 tỉ USD. Đây là thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử công ty tại thời điểm đó.
Vào thời kỳ đỉnh cao, Skype có hơn 300 triệu người dùng trên toàn cầu. Đối với nhiều người, đặc biệt là thế hệ thiên niên kỷ, nhạc chuông đặc trưng và giao diện thân thiện của Skype trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày từ trò chuyện với người thân ở nước ngoài, đến phỏng vấn xin việc từ xa hay thậm chí là hẹn hò qua mạng.
Tuy nhiên, bước sang thập niên 2020, Skype bắt đầu mất vị thế. Trong khi thị trường liên lạc trực tuyến phát triển mạnh mẽ với sự cạnh tranh từ Zoom, Google Meet, WhatsApp, FaceTime và nhiều dịch vụ khác, Skype dường như không bắt kịp xu hướng công nghệ và hành vi người dùng thay đổi nhanh chóng, đặc biệt trong thời xảy ra đại dịch COVID-19.
Theo nhà báo công nghệ Will Guyatt, Skype từng là công cụ “mở rộng tầm nhìn” trong thời kỳ sơ khai của tnternet. Nhưng sau khi về tay Microsoft, phần mềm này dần bị bỏ quên khi công ty chuyển hướng đầu tư sang nền tảng Teams.
“Ban đầu, Microsoft vẫn thêm tính năng cho Skype, nhưng sau đó lại ưu tiên Teams, khiến Skype không còn bắt kịp xu thế”, ông Guyatt nhận định. Việc yêu cầu người dùng đăng nhập bằng tài khoản Microsoft, giao diện không tối ưu cho gọi nhóm, và thiếu tính năng mới khiến Skype trở nên khó sử dụng trong mắt người dùng hiện đại.
Năm 2023, số người dùng Skype giảm xuống còn khoảng 36 triệu người mỗi ngày. Đây là một con số quá nhỏ nếu so với thời kỳ đỉnh cao. Đáng chú ý, trong khi Zoom và các đối thủ bùng nổ trong đại dịch, Skype lại cho thấy sự chậm chạp trong cải tiến. Nhiều người dùng phản ánh tình trạng giật, trễ, và khó truy cập khi tham gia các cuộc gọi đông người.
"Microsoft đã loay hoay cải thiện chất lượng video nhưng không cung cấp nhiều tính năng mới và đó là lý do cuối cùng họ thua cuộc. Mọi người đã có những tính năng tốt hơn trên các nền tảng khác", Guyatt cho biết.
Những hoài niệm khó quên
Ngay sau khi tin tức về việc Skype ngừng hoạt động được lan truyền, nhiều người dùng đã bày tỏ sự tiếc nuối và chia sẻ kỷ niệm gắn bó với phần mềm này trên mạng xã hội.
Trên diễn đàn Reddit, một người dùng viết: “Tạm biệt, Skype. Một mối quan hệ lâu dài và hiệu quả từ những cuộc gọi tìm kiếm tình yêu, đến phỏng vấn công việc đầu tiên”. Trong khi đó, một người dùng khác trên X (Twitter) nói: “Skype từng lắp bắp, từng ngắt kết nối… nhưng bạn đã phục vụ chúng tôi rất tốt trong những thời khắc quan trọng”.
Không ít người cũng bày tỏ nỗi lo về việc phải hướng dẫn cha mẹ vốn quen với Skype, sử dụng một nền tảng mới như Microsoft Teams hay Zoom. Dù Microsoft cho biết họ sẽ cung cấp tùy chọn sử dụng số dư tài khoản Skype để gọi điện trong Teams, nhưng một số người dùng vẫn thất vọng vì không được hoàn tiền.
Microsoft hiện đang tích cực khuyến khích người dùng Skype chuyển sang Teams, nền tảng đã trở thành trụ cột trong hệ sinh thái của công ty, đặc biệt sau giai đoạn đại dịch. Teams không chỉ phục vụ nhu cầu gọi điện và nhắn tin, mà còn tích hợp nhiều tính năng cộng tác dành cho doanh nghiệp như chia sẻ tài liệu, tổ chức hội họp và làm việc nhóm.
Đáng chú ý, Skype for Business - phiên bản chuyên biệt dành cho doanh nghiệp, sẽ vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, phiên bản Skype phổ thông mà người dùng quen thuộc trong hơn hai thập niên qua sẽ không còn nữa.