Sự cương quyết của cựu chiến binh 78 tuổi và chuyên án thi hành án đầy nhân văn

Ông Nguyễn Văn Sáu – thương binh 2/4, 78 tuổi – kiên quyết không nộp 68 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách cho con đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) khi hợp đồng bị lừa đảo. Sau nhiều lần làm việc, Chấp hành viên phối hợp cùng Hội Cựu chiến binh và Đảng ủy xã đã khơi dậy trách nhiệm người đảng viên, thuyết phục ông tự nguyện chấp hành án, tránh cưỡng chế, khép lại vụ việc bằng tình người.

Một buổi vạn động thuyết phục tại UND xã có sự tham gia của chính quyền địa phương

Một buổi vạn động thuyết phục tại UND xã có sự tham gia của chính quyền địa phương

Mỗi lần có kế hoạch đến làm việc nhà ông lòng tôi lại nhiều trăn trở. Tôi không ngại việc, cũng không sợ tiếp xúc hay đến nhà ông nhiều lần, bởi vì ở vùng quê như chúng tôi, việc đến nhà làm việc, tiếp cận người phải thi hành án không có gì là khó khăn, điều làm tôi trăn trở là ông Nguyễn Văn Sáu, địa chỉ: Xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã già yếu, năm nay 78 tuổi, lại là thương binh loại 2/4, trong người mang nhiều vết tích của chiến tranh. Bất kì ai nhìn vào vùng thái dương lõm của ông cũng không khỏi xót xa, nhưng pháp luật đã quy định, người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định của Tòa án nên cá nhân tôi cũng không thể làm khác.

Lời trình bày của ông phù hợp với tình tiết trong bản án. Năm 2009, Hội cựu chiến binh xã nhận được thông báo của Công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) có địa chỉ tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội với nội dung, Công ty này đang tuyển dụng lao động đi làm việc tại Liên bang Nga với thời hạn 03 năm, trong đó ưu tiên con em thuộc diện chính sách.

Ông Nguyễn Văn Sáu là thương binh loại 2/4, là một trong những trường hợp được Hội cựu chiến binh xã xét ưu tiên cho con em đi XKLĐ. Ông Sáu đăng kí cho con gái là Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1982 (29 tuổi) được đi XKLĐ. Dự kiến ngày xuất cảnh là 30/3/2009.

Do điều kiện khó khăn, ông đã lập Hợp đồng vay vốn tại Ngân hàng chính sách vay số tiền 30 triệu đồng để lấy tiền nộp chi phí cho chị Thảo. Sau khi được duyệt chi, ông Sáu ký ủy nhiệm chi để Ngân hàng chuyển trực tiếp số tiền vào tài khoản của Công ty XKLĐ. Mọi thủ tục đã xong nhưng đến ngày 30/3/2009, chị Thảo không được xuất cảnh như dự kiến mặc dù không vi phạm bất kì điều khoản nào của hợp đồng, sau đó cũng không có bất cứ thông tin gì về việc có được xuất cảnh nữa hay không và cũng không được giải thích gì. Tóm lại, chị Thảo không được xuất cảnh như hợp đồng đã định.

Sau nhiều năm vì bức xúc nên ông không trả tiền cho Ngân hàng, đến năm 2023, Ngân hàng chính sách khởi kiện ông ra Tòa, Tòa án nhân dân huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã phán quyết và cơ quan Thi hành án dân sự đã ban hành Quyết định thi hành án số 430/QĐ-CCTHADS ngày 12/5/2023 có nội dung: "Ông Nguyễn Văn Sáu có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng chính sách xã hội tổng số tiền 68 triệu, trong đó 30 triệu tiền gốc và 38 triệu đồng tiền lãi".

Làm việc với chúng tôi, ông trình bày quan điểm rõ ràng luôn là không nộp số tiền phải thi hành án, vì thứ nhất, ông cho rằng đối với vụ việc trên không phải lỗi do ông hay do con ông, ông cho rằng lỗi do tổ chức. Cựu chiến binh xã nhận văn bản mời, xã cân nhắc, lựa chọn, nên ông tin tưởng mới đăng ký cho con đi XKLĐ chứ ông không đăng kí theo diện cá nhân tự nguyện. Thứ hai, Ngân hàng chính sách và Công ty XKLĐ cấu kết với nhau để lấy tiền của ông. Số tiền ông vay lại được chuyển cho Công ty XKLĐ. Cuối cùng ông không được cầm số tiền 30tr, con ông không được đi XKLĐ nhưng giờ ông phải trả số tiền đó là điều vô lý. Thứ ba, đối với Công ty XKLĐ, ông và những người bị hại khác đã kiện, đòi lại tiền nhưng Công ty này đã phá sản, Giám đốc bị truy cứu TNHS và bị đi tù vào năm 2010 về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" nên ông không biết đòi ai, kiện ai. Do đó, khi nào đòi được tiền của Công ty thì ông mới trả tiền cho Ngân hàng.

Một buổi làm việc của Chấp hành viên với ông Sáu (ông Sáu phía ngoài bên trái ảnh)

Một buổi làm việc của Chấp hành viên với ông Sáu (ông Sáu phía ngoài bên trái ảnh)

Những thắc mắc của ông tôi đã nghe nhiều lần, là Chấp hành viên nắm rõ nội tình sự việc tôi giải thích rất tỉ mỉ cho ông hiểu, thư mời của công ty nhưng việc tìm hiểu và cân nhắc là do tổ chức hoặc cá nhân tự đánh giá. Lẽ ra, là người thuộc diện được ưu tiên cho con đi, ông cũng cần tìm hiểu, xem xét tư cách pháp nhân của công ty, mức độ tin cậy, nguồn vốn, người đứng đầu vv... nhận định và đánh giá thì mới nên đăng ký, không thể đỗ lỗi cho tổ chức được vì Hội cựu chiến binh cũng chỉ thông báo đến các Hội viên là có thư mời như vậy thôi. Thứ hai, việc vay tiền là do ông thuộc đối tượng chính sách nên ông tự lập hồ sơ vay vốn, được duyệt vay thì ông đã ký ủy nhiệm chi để ngân hàng chi trực tiếp cho công ty, ông ký ủy nhiệm chi là ông đã nhường quyền nhận tiền cho công ty XKLĐ, công ty nhận tiền này là để chi phí các khoản cho con gái ông được xuất cảnh. Ông vẫn có thể lựa chọn nhận tiền về, sau đó mang nộp trực tiếp cho công ty cơ mà - đó là ý chí tự nguyện của ông, không thể đỗ lỗi cho Ngân hàng được. Thứ 3, số tiền ngân hàng chính sách cho ông vay không liên quan đến công ty XKLĐ, ông vẫn có thể tiếp tục đòi bồi thường từ công ty nhưng còn số tiền nợ ngân hàng là do ông vay nên ông phải thanh toán là đúng quy định pháp luật.

Lần nào nghe giải thích ông cũng có vẻ nguôi ngoai nhưng điều khiến ông bức xúc là con gái ông không được đi XKLĐ mà không phải là người có lỗi, cuối cùng tiền mất mà không được việc gì.

Kết quả các buổi làm việc của tôi và chính quyền địa phương với ông đều giống nhau, ông vẫn giữ nguyên quan điểm: "Tôi không nộp tiền, tôi đề nghị các chị làm việc với ngân hàng và yêu cầu ngân hàng xóa nợ cho tôi. Nhà nước đang phải nuôi tôi hàng tháng, tôi không có tiền để nộp".

Một buổi họp bàn cưỡng chế vụ việc ông Sáu tại UBND huyện Nông Cống

Một buổi họp bàn cưỡng chế vụ việc ông Sáu tại UBND huyện Nông Cống

Vận động, thuyết phục luôn luôn là phương án được ưu tiên trong tổ chức thi hành án, đặc biệt là đối với trường hợp như ông Sáu.

Tuy nhiên, thời hạn để vận động thuyết phục cũng không thể kéo dài mãi được, ngay từ những buổi đầu đến làm việc tôi đã có những phương án riêng cho mình, gia cảnh và tài sản đã được xác minh cụ thể. Nói chung gia đình ông là gia đình gia giáo, mẫu mực, điều kiện kinh tế thuộc diện khá giả, các con đều ăn nên làm ra. Bản thân ông là người có công với cách mạng và có uy tín trong làng, xã, ông là đảng viên, đã nhận Huy hiệu 50 năm tuổi đảng. Tài sản có thể đảm bảo khoản phải thi hành án là bộ bàn ghế gỗ lim nguyên khối được đặt ở phòng khách.

Ngày 19/9/2024, tôi ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành án số 02/QĐ-CCTHADS đối với ông, tài sản là bộ bàn ghế gỗ nguyên khối với giá tham khảo ngoài thị trường là 80 triệu đồng.

Mặc dù quyết định cưỡng chế đã được ban hành nhưng tôi vẫn đang loay hoay cố tìm một phương án khác tốt hơn, an toàn hơn. Vì ông Sáu năm nay đã 78 tuổi, trong người lại mang thương tật, dù kế hoạch cưỡng chế có hoàn hảo đến đâu cũng không thể tránh khỏi sơ suất. Không phải ngay từ đầu tôi không có các phương án khác, nhưng các phương án kia cũng không có gì là khả thi cả.

Xác minh tại Phòng nội vụ, mức lương của ông tại thời điểm đó là 3.050.000đ, nếu chọn phương án trừ vào thu nhập mỗi tháng 30% theo quy định thì sẽ mất 68 tháng tương đương gần 6 năm, trong khi ông Sáu đã tuổi cao sức yếu, hơn nữa đây cũng không phải là phương án hiệu quả, tích cực và ông cũng không đồng ý để trừ vào thu nhập.

Đặc biệt, hồ sơ bệnh án thương binh của ông khiến tôi lo lắng cho kế hoạch cưỡng chế của mình "Vết khuyết sọ góc trên trán phải lỗ khuyết đường kính 1cm, còn mảnh kim khí phần mềm. Điện não đồ mất cân xứng hai bán cầu, tồn tại sóng chậm bệnh lý Theta (động kinh), nhọn vùng trán và bán cầu phải, suy nhược thần kinh mức độ vừa". Ngoài thực tế thì ông Sáu thường xuyên phải nằm viện do bị bệnh đau đầu mà nguyên nhân bởi các mảnh đạn còn lại trong đó. Với bệnh án như vậy và việc không đồng ý cưỡng chế, nếu tôi vẫn tiến hành cưỡng chế sẽ không tránh khỏi tại buổi cưỡng chế ông Sáu chửi bới, hung hãn, ngất xỉu, thậm chí ngưng thở.

Thực ra trong lòng tôi vẫn còn một phương án khác, phương án này dễ làm mà nếu được sẽ rất nhanh, nhưng đánh giá tình hình thực tế thì hiệu quả không cao. Đó là việc xem xét về mặt đảng đối với ông Sáu. Theo quy định, ông Sáu không chấp hành quyết định thi hành án là vi phạm quy định tại Điều 2 Điều lệ đảng cộng sản Việt Nam và Quy định số 69 của Ban chấp hành trung ương đảng về việc đảng viên không chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, tôi cũng đã cân nhắc, nếu yêu cầu xử lý về mặt đảng thì có thể xảy ra hai tình huống: Một là ông Sáu vì danh dự, vì uy tín mà nộp tiền ngay, hai là ông đã già yếu, nếu ép ông như vậy thì ông sẽ xin ra khỏi đảng mà tiền cũng không thu được.

Hội có lời nhận trách nhiệm: Nút thắt trong lòng người Cựu chiến binh già được gỡ bỏ

Kế hoạch cưỡng chế được ban hành, các đề xuất và phương án dự trù tôi cũng đã đưa vào kế hoạch đầy đủ.

Buổi họp bàn cưỡng chế lần 1 ngày 16/10/2024, ngoài kế hoạch cưỡng chế ra tôi cũng trình bày trước Hội đồng họp bàn cưỡng chế thêm hai phương án nữa (trừ vào thu nhập và xem xét xử lý về mặt đảng).

Tại cuộc họp này, chính quyền địa phương nêu quan điểm "cần động viên thuyết phục thêm đối với ông Sáu để ông tự nguyện chấp hành án là tốt nhất". Trưởng ban chỉ đạo thi hành án thì có chỉ đạo "Chi cục thi hành án cần động viên, thuyết phục thêm. Nên cân nhắc đối với kế hoạch cưỡng chế và phương án xem xét xử lý về mặt đảng". Cơ quan công an thì nhận định "sau khi nhận được kế hoạch cưỡng chế, đơn vị đã thăm dò, đánh giá tình hình, nhận thấy việc bảo vệ cưỡng chế đối với vụ việc là có phần thuận lợi.

Tuy nhiên, Chi cục thi hành án dân sự cần xem xét, cân nhắc đối với việc đảm bảo và duy trì sức khỏe cho ông Sáu trong thời gian cưỡng chế (lúc khiêng bàn ghế ra khỏi nhà), tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra trong quá trình tiến hành cưỡng chế".

Họp bàn, cân nhắc. Tuy nhiên lựa chọn và trách nhiệm đối với vụ việc vẫn là tôi - Chấp hành viên phụ trách vụ việc. Tôi bắt buộc phải tổ chức thi hành theo trình tự (vì ông Sáu là người có điều kiện thi hành án) nhưng cũng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe cho ông Sáu, đồng thời phải đảm bảo tính nhân văn trong vụ việc để không bị ảnh hưởng đến an ninh chính trị và dự luận tại địa phương. Điều đó làm cho tôi càng thêm bế tắc. Không phải đến lúc này tôi mới bế tắc mà ngay từ ban đầu tôi cũng thấy bế tắc nhưng nhiệm vụ không thể không làm. Cuối cùng tôi lựa chọn phối hợp với Đảng ủy xã, Chi bộ thôn để làm việc, thăm dò tư tưởng, xem xét trách nhiệm về mặt đảng của ông Sáu.

Tại buổi làm việc ngày 06/12/2024, sự vận động, thuyết phục, khơi dậy niềm tin, trách nhiệm của người đảng viên, người Hội viên hội cựu chiến binh với mục đích để ông chấp hành án không mang lại kết quả.

Buổi họp bàn cưỡng chế lần 2 ngày 28/11/2024, tôi có đề xuất lãnh đạo đơn vị mời Hội trưởng Hội cựu chiến binh huyện và đại diện Ban tổ chức Huyện ủy Nông Cống tham gia. Trước khi tiến hành làm việc, tôi đã báo cáo nội dung vụ việc, trao đổi với bác Hội trưởng Hội cựu chiến binh và đồng chí Phó trưởng ban tổ chức Huyện ủy về tâm tư, nguyện vọng, ý chí của ông Sáu và coi như chúng tôi cũng đã thống nhất hướng làm việc.

Các thành phần tham gia buổi làm việc tiếp tục có những lời lẽ mang tính vận động, thuyết phục nhưng không lay chuyển được ý chí của ông Sáu.

Tuy nhiên, khi Hội trưởng Hội cựu chiến binh phát biểu ý kiến, nhận một phần trách nhiệm của Hội cựu chiến binh xã nhận thư mời của Công ty XKLĐ nhưng người có thẩm quyền không tìm hiểu, nhận định, đánh giá để dẫn đến sau đó có những Hội viên bị thiệt thòi như gia đình ông Sáu là Hội sai, Hội có một phần trách nhiệm, thì ông Sáu đã thay đổi thái độ, chấp nhận thi hành án.

Tôi được đứng lên kết luận cuộc họp mà vui mừng vô cùng vì vụ việc không phải tiến hành cưỡng chế, nhưng thật lòng trong trái tim tôi cái được ở vụ việc này chính là lòng người.

Đúng như đã cam kết, sáng hôm sau ngày 26/02/2025, ông Sáu đã mang đủ số tiền đến nộp cho cơ quan thi hành án. Cùng với sự cân nhắc, xem xét của Ngân hàng chính sách miễn một phần lãi suất quá hạn cho ông Sáu, cùng ngày, Ngân hàng đã đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nông Cống đình chỉ số tiền 28 triệu đồng tiền phải thi hành án của ông Sáu.

Vụ việc kết thúc, lòng tôi thấy thanh thản và nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Thấy rằng "Chuyện nghề thi hành án" thật nhiều gian nan nhưng cũng nhiều cảm xúc. Mỗi vụ việc lại cho tôi một niềm tin để vững tin vào cuộc sống, vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nhận thấy trong Thi hành án dân sự, công tác phối hợp giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương với cơ quan thi hành án thật cần thiết và hiệu quả; công tác vận động thuyết phục là mấu chốt quan trọng giúp vụ việc thành công. Nhưng tình cảm chân thành giữa người với người, giữa đồng chí, đồng đội với nhau cũng khiến cho người ta tin quý nhau hơn.

Lê Thị Phương

Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/su-cuong-quyet-cua-cuu-chien-binh-78-tuoi-va-chuyen-an-thi-hanh-an-day-nhan-van-post548662.html
Zalo