Lý do chưa đề xuất tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm án hình sự cho TAND khu vực

TAND Tối cao cho biết việc tiếp tục quy định cho TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm với một số vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình là bước quá độ...

Sáng 19-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND.

Dự thảo luật dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống tòa án theo hướng kết thúc hoạt động của TAND cấp cao và TAND cấp huyện; thành lập TAND khu vực; chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong TAND khu vực.

Mô hình tổ chức hệ thống Tòa án dự kiến gồm: TAND Tối cao; TAND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; TAND khu vực.

Trên cơ sở mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 3 cấp, TAND Tối cao được bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của tòa cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.

 Các đại biểu tham dự Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH

Các đại biểu tham dự Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH

Bước quá độ

Tại phiên thảo luận tổ ngày 8-5, có ý kiến đề nghị giao Tòa phúc thẩm TAND Tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh. Tòa này cũng cần có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính phức tạp, liên quan đến quyền lợi của công dân và doanh nghiệp.

Ý kiến khác đề nghị giao TAND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ phúc thẩm toàn bộ các vụ án, vụ việc và TAND khu vực thực hiện nhiệm vụ sơ thẩm toàn bộ các vụ án, vụ việc.

Tại báo cáo giải trình ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ, TAND Tối cao cho biết dự thảo luật phân định thẩm quyền cho các Tòa án nhằm bảo đảm phù hợp với mô hình Tòa án 3 cấp.

“Việc giao cho Tòa phúc thẩm TAND Tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh sẽ tạo ra nhiều cấp giám đốc thẩm, sẽ quay lại mô hình tương tự như TAND cấp cao” - TAND Tối cao cho rằng như vậy sẽ không giải quyết được những vướng mắc, bất cập hiện nay.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, việc thành lập các Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao; nhiệm vụ, thẩm quyền của TAND cấp tỉnh, TAND khu vực đã được thể hiện trong Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, có ý kiến đề nghị làm rõ lý do không quy định TAND khu vực xét xử vụ án hình sự có mức hình phạt trên 20 năm tù.

Về nội dung này, TAND Tối cao lý giải việc tiếp tục quy định cho TAND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ xét xử sơ thẩm với một số vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình là “bước quá độ khi năng lực xét xử của một số ít thẩm phán tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu”.

Thời gian tới, khi năng lực thẩm phán tại các Tòa án này được nâng lên đồng đều với các Tòa án khác trong cả nước, TAND Tối cao sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất tăng thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm với toàn bộ các vụ án hình sự cho TAND khu vực.

Mở rộng nguồn Thẩm phán TAND Tối cao “là cần thiết”

Dự thảo luật đề xuất tăng số lượng Thẩm phán TAND Tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27. Thảo luận tại tổ, bên cạnh ý kiến đồng ý, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn việc tăng số lượng Thẩm phán TAND Tối cao.

TAND Tối cao hay để bảo đảm đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND Tối cao tiếp nhận từ TAND cấp cao (khi TAND cấp cao kết thúc hoạt động), việc tăng số lượng Thẩm phán TAND Tối cao lên thành từ 23 đến 27 người “là cần thiết”.

Báo cáo giải trình dẫn số liệu thống kê cho thấy TAND Tối cao và các TAND cấp cao đang phải giải quyết khoảng 11.200 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm/năm; xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 1.000 vụ/năm.

TAND Tối cao cho biết sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để kéo giảm, kiểm soát số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và số vụ việc phải giám đốc thẩm, tái thẩm tại TAND Tối cao. Các giải pháp này gồm nâng cao chất lượng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; nâng cao chất lượng, năng lực, trình độ của đội ngũ Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ…

TAND Tối cao khẳng định việc lựa chọn, bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao bảo đảm các tiêu chuẩn cao và chặt chẽ.

“Việc bổ sung điều kiện bổ nhiệm tuy có mở rộng nguồn nhưng vẫn bảo đảm nhân sự được bổ nhiệm phải là Thẩm phán TAND và có các điều kiện, tiêu chuẩn khác tương đương hoặc cao hơn so với tiêu chuẩn, điều kiện của luật hiện hành” - báo cáo nêu.

Theo đó, người được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao trong trường hợp đặc biệt này đều đã giữ chức Vụ trưởng từ đủ 5 năm trở lên, là Thẩm phán TAND, là những chuyên gia giỏi về chuyên môn và pháp luật trong công tác xét xử, có nhiều kinh nghiệm trong công tác xét xử, giám đốc việc xét xử của các Tòa án, phát triển án lệ, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Ngoài ra, TAND Tối cao khẳng định công tác cán bộ là công tác của Đảng, người dự kiến được bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao sẽ được cấp có thẩm quyền xét duyệt và lựa chọn kỹ.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo luật “chánh án TAND cấp tỉnh trả lời chất vấn trước HNĐN tỉnh”.

Hồi đáp, TAND Tối cao cho rằng hiện nay chánh án TAND cấp tỉnh vẫn đang thực hiện nhiệm vụ trả lời chất vấn, theo quy định Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Theo TAND Tối cao, vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung quy định của Hiến pháp. “Khi góp ý với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, TAND Tối cao đã có ý kiến đề nghị giữ nhiệm vụ này của Chánh án TAND cấp tỉnh” - báo cáo giải trình nêu.

Trên cơ sở kết quả sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, TAND Tối cao sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định này trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để phù hợp với Hiến pháp và không nhắc lại trong luật này để tránh trùng lặp.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-chua-de-xuat-tang-tham-quyen-xet-xu-so-tham-an-hinh-su-cho-tand-khu-vuc-post850467.html
Zalo