Sự cố Dòng chảy phương Bắc: Nga 'tố' ba nước châu Âu cố trì hoãn nỗ lực điều tra, Đại sứ Đức nói về quyết định sai lầm
Ngày 25/5, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu đại sứ các nước Đức, Thụy Điển và Đan Mạch để phản đối điều mà Moscow gọi là hoàn toàn không có kết quả trong cuộc điều tra về các vụ nổ làm hư hại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc.
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, cả 3 quốc gia trên "cố trì hoãn" các nỗ lực điều tra và "tìm cách che giấu thủ phạm" đứng sau các vụ nổ trên.
Moscow bày tỏ "không hài lòng" về việc các bên từ chối không để Nga tham gia vào hoạt động điều tra này.
Vào tháng 9/2022, đã xảy ra một vài vụ nổ nhằm vào hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc trên Biển Baltic. Sau đó, các chuyên gia đã phát hiện 4 vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2.
Trong số này, hai vị trí nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai vị trí nằm trong EEZ của Đan Mạch. Các nước phương Tây và Nga đã đổ lỗi lẫn nhau về các vụ nổ.
Tuy nhiên, các cuộc điều tra do chính quyền Thụy Điển, Đan Mạch và Đức thực hiện đến nay vẫn chưa quy trách nhiệm cho bất kỳ quốc gia hay chủ thể nào dù cho rằng đây là hành động "có chủ đích".
* Cùng ngày, Đại sứ Đức tại Ba Lan Thomas Bagger tuyên bố, các chính phủ liên bang của Đức, bao gồm cả chính phủ dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, phải chịu trách nhiệm về các quyết định liên quan đến dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Ba Lan, nhà ngoại giao Đức nói: “Liên minh châu Âu (EU) sẽ luôn có xung đột. EU cung cấp một phương pháp cân bằng một cách hòa bình lợi ích của các thành viên, một loại tranh chấp được thể chế hóa và được điều chỉnh bằng các quy tắc đã được thiết lập…
Tuy nhiên, không phải mọi quyết định được đưa ra theo cách này đều đúng đắn. Việc xây dựng dòng chảy phương Bắc 1 và 2 là những quyết định sai lầm”.