Sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
Luật Điện lực năm 2004 là cơ sở pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Sau gần 20 năm thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều nhưng qua thực tiễn cho thấy còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực năng lượng; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Trước hết là những vướng mắc, tồn tại về cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ trong quy hoạch phát triển điện lực. Luật Điện lực chưa có đủ quy định, chế tài để các dự án điện lực tuân thủ quy hoạch được duyệt; chưa có quy định phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, xử lý các chủ đầu tư các dự án nguồn điện triển khai bị chậm tiến độ, kéo dài...Mặt khác, luật cũng chưa có biện pháp chế tài đối với các địa phương chậm bố trí nguồn lực, thiếu sự phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án...
Hiện nay còn rất nhiều thôn, bản, một số đảo, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn chưa được sử dụng điện hoặc có điện nhưng không bảo đảm an toàn. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cấp điện là một thách thức rất lớn bởi những khu vực này có suất đầu tư rất cao nhưng không có hiệu quả về kinh tế. Vì thế, cần phải điều chỉnh, quy định cụ thể việc sử dụng vốn đầu tư công cho đầu tư phát triển lưới điện vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Về chính sách giá điện, việc tính đúng, tính đủ và lợi nhuận hợp lý của các đơn vị điện lực cần thiết phải kế thừa những nguyên tắc đang được quy định tại Luật Điện lực. Tuy nhiên, cần tiếp tục bổ sung chính sách phù hợp theo hướng giá điện phải phản ánh chi phí sản xuất, kinh doanh điện và được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng.
Ngoài ra, cần bổ sung chính sách giá điện đảm bảo khuyến khích khách hàng sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm. Luật Điện lực hiện hành quy định: “Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng”. Vì vậy, cần thiết bổ sung quy định chính sách về việc giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giữa các vùng miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện; áp dụng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ năng lượng cao...
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều đã có sự kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện.
Đồng thời, bỏ 4 điều (tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực; quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn chuyên ngành điện lực; thanh tra điện lực); gộp 4 điều vào các điều khác (chủ yếu về nội dung chính sách phát triển về đầu tư, tiết kiệm điện và giá điện).
Dự thảo bổ sung 68 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, đặc biệt quy định về phát triển điện gió ngoài khơi), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp; cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần...
Đổi mới các nội dung quy định tại luật nhằm nâng cao tính khả thi và tính hiệu quả trong thực thi pháp luật về điện lực, đáp ứng yêu cầu của phát triển ngành điện nói chung và thị trường điện lực cạnh tranh nói riêng, tiến tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, trong đó, trọng tâm là điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; bảo đảm phát huy quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh của các đơn vị điện lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội của các hoạt động điện lực; kết hợp hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và Nhà nước.
Luật Điện lực sửa đổi được xây dựng với mục đích hoàn thiện quy định pháp luật về điện lực, phù hợp với đường lối của Đảng, luật hóa định hướng chủ trương, chính sách của Chính phủ về đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả.
Theo quan điểm của một số chuyên gia kinh tế, Luật Điện lực (sửa đổi) cần thiết được sớm hoàn thiện và ban hành để triển khai trong thực tiễn đời sống nhằm xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Điện lực năm 2004; bảo đảm an toàn cung cấp điện, an ninh quốc gia, đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ Nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.
Lâm Khanh (biên soạn)