Cần cơ chế tính giá điện linh hoạt
Nội dung sửa đổi Luật Điện lực rất lớn, trong đó có nhiều vấn đề quan trọng, nên nếu thông qua tại một kỳ họp là 'hơi gấp'
Ngày 7-11, thảo luận tại hội trường Quốc hội (QH) về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu (ĐB) bày tỏ quan tâm đến chính sách phát triển điện hạt nhân, cơ chế giá điện, thị trường điện cạnh tranh...
Bổ sung quy định về điện hạt nhân
ĐB Hoàng Đức Chính (đoàn Hòa Bình) đánh giá việc đưa quy định liên quan phát triển điện hạt nhân vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là bước quan trọng trong định hướng phát triển năng lượng quốc gia.
Theo ông Hoàng Đức Chính, Việt Nam từng có kế hoạch phát triển điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, năm 2016, Chính phủ quyết định tạm dừng các dự án điện hạt nhân - bao gồm dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận - do lo ngại về an toàn, chi phí đầu tư, vấn đề công nghệ cũng như diễn biến tình hình năng lượng tại thời điểm đó.
ĐB Hoàng Đức Chính kiến nghị dự thảo luật cần xây dựng các điều khoản rõ ràng về đầu tư, quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát triển loại hình năng lượng này trong thời gian tới. Đồng thời, bổ sung quy định quản lý chất thải phóng xạ, các biện pháp bảo đảm an toàn cho cộng đồng và môi trường khi thực hiện dự án điện hạt nhân để tăng sự đồng thuận trong xã hội.
Theo ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), ban soạn thảo nên bổ sung, làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, trong đó có giá cho từng loại hình năng lượng và từng khu vực. Cụ thể, cần cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như giờ cao điểm - thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung năng lượng. Lưu ý có quy định chặt chẽ hơn để việc điều chỉnh giá điện bảo đảm công khai, minh bạch.
Liên quan thị trường điện cạnh tranh, ĐB Thạch Phước Bình cho rằng dự thảo luật cần đưa ra lộ trình rõ ràng cho việc chuyển đổi từ cơ chế độc quyền sang cơ chế cạnh tranh; bổ sung quy định cụ thể về các bước mở cửa thị trường, bao gồm thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh, quy định về giám sát và điều phối thị trường điện... "Cần có quy định về kiểm soát độc quyền của các tập đoàn lớn trong ngành điện nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhà đầu tư" - ông góp ý.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) băn khoăn khi dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến thông qua theo quy trình một kỳ họp. Nhấn mạnh nội dung sửa đổi Luật Điện lực lần này rất lớn, bao gồm sửa đổi toàn bộ nội dung luật với nhiều vấn đề quan trọng như đầu tư, phát triển dự án điện lực, mua bán điện, hệ thống điện quốc gia..., bà cho rằng nếu thông qua tại một kỳ họp là hơi gấp.
"Các chính sách sửa đổi đều là những nội dung mang tính dài hạn về sự phát triển lâu dài, ổn định của điện lực quốc gia. Vì vậy, cần thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa để bảo đảm chất lượng của luật" - ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.
Chặn thao túng thị trường chứng khoán
Cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) đồng tình bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thu thập, tập hợp thông tin, phát hiện hành vi thao túng thị trường; bổ sung quyền, trách nhiệm, quy trình phối hợp với cơ quan điều tra liên quan tội phạm trên thị trường chứng khoán, bao gồm hành vi thao túng.
"Cần tiếp tục rà soát, làm rõ các khái niệm, định nghĩa liên quan việc xác định hành vi thao túng thị trường. Việc sử dụng công nghệ hiện đại để thao túng thị trường chứng khoán đang diễn ra phức tạp, do đó cần nghiên cứu quy định có khả năng bao quát các hành vi thao túng được thực hiện bởi nhiều công cụ" - ĐB Phạm Thị Thanh Mai kiến nghị.
Tại dự thảo luật này, ban soạn thảo đề xuất bổ sung trong hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng, doanh nghiệp phải có báo cáo kiểm toán về vốn điều lệ đã góp trong 10 năm tính tới thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu. Đồng tình, ĐB Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) nhìn nhận việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là một nội dung rất quan trọng để xác định vốn điều lệ thực góp và tổng số vốn, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng. Nếu không xác định chính xác sẽ dẫn đến sự đánh tráo, đơn cử vụ Công ty CP Xây dựng FLC Faros thuộc Tập đoàn FLC tăng vốn điều lệ từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng, gây hệ lụy rất lớn.
Liên quan nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ĐB Nguyễn Tri Thức (đoàn TP HCM) nhận xét chủ trương liên doanh, liên kết trong y tế là rất đúng đắn, giúp ngành có cơ hội trang bị các trang thiết bị hiện đại phục vụ người bệnh. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, do một số vướng mắc của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công mà hiện nay, gần như hầu hết cơ sở y tế lớn rất khó triển khai các đề án hoặc dự án liên doanh, liên kết.
"Luật hiện hành chưa quy định dùng tài sản là quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn thiếu, kiến nghị đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết trong các đề án liên doanh, liên kết của ngành y tế" - ĐB Nguyễn Tri Thức bày tỏ.
Thị trường vàng chưa thực sự ổn định
Trong báo cáo gửi ĐBQH về một số nội dung liên quan nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 8 QH khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng nhu cầu mua vàng chủ yếu tập trung ở 2 địa phương lớn là Hà Nội và TP HCM. "Hiện vẫn còn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Thị trường chưa thực sự ổn định, bền vững, tiềm ẩn rủi ro, có yếu tố tâm lý kỳ vọng và chưa khuyến khích người dân bán vàng để đầu tư vào sản xuất - kinh doanh" - lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ phối hợp với các bộ, ngành thanh - kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh, cửa hàng, đại lý phân phối vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.