Sự cần thiết của thỏa thuận hòa hoãn biên giới Trung Quốc - Ấn Độ

Theo thỏa thuận rút quân, hai bên sẽ tuần tra phối hợp và thiết lập các vùng đệm tạm thời nhằm ngăn chặn xung đột tái diễn. Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ mang lại một khoảng dừng cần thiết, thay vì giải quyết các nguyên nhân gốc rễ.

Đường Ranh giới thực tế (LAC) ở Đông Ladakh. Ảnh: AFP/TTXVN

Đường Ranh giới thực tế (LAC) ở Đông Ladakh. Ảnh: AFP/TTXVN

Các đại diện đặc biệt của Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề biên giới đã tổ chức cuộc họp lần thứ 23 tại Bắc Kinh hôm 18/12 và đạt được đồng thuận sáu điểm.

Theo thỏa thuận, hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới, thúc đẩy phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ song phương, tiếp tục tìm kiếm một gói giải pháp cho vấn đề biên giới công bằng, hợp lý và có thể chấp nhận được đối với cả hai bên theo các nguyên tắc chỉ đạo chính trị giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước đạt được năm 2005.

Trước đó, hồi tháng 10/2024, sau gần bốn năm đàm phán ngoại giao căng thẳng, Ấn Độ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận rút quân tại các điểm nóng dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Thỏa thuận này tập trung vào hai khu vực tranh chấp lâu đời là Depsang và Demchok thuộc phía Đông, đánh dấu một bước tiến hiếm hoi trong mối quan hệ đầy sóng gió giữa hai cường quốc châu Á.

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ tuần tra phối hợp và thiết lập các vùng đệm tạm thời nhằm ngăn chặn xung đột tái diễn. Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ mang lại một khoảng dừng cần thiết, thay vì giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của sự cạnh tranh kéo dài giữa hai nước.

LAC, ranh giới trên thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc, là nguyên nhân gây tranh cãi từ cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962. Thỏa thuận mới nhất được đưa ra sau cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, xung đột tại thung lũng Galwan năm 2020, khiến cả hai bên đều chịu thương vong, lần đầu tiên trong 45 năm.

Sự kiện này đã làm thay đổi sâu sắc mối quan hệ song phương. Dù căng thẳng vừa được hạ nhiệt, các nguyên nhân cấu trúc của xung đột vẫn chưa được giải quyết, đặt câu hỏi về khả năng thỏa thuận này là một bước ngoặt hay chỉ là khoảng lặng trước một cuộc khủng hoảng mới.

Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Shri Ajit Doval (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp ngày 18/12 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: PTI

Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Shri Ajit Doval (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp ngày 18/12 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: PTI

Động lực đằng sau thỏa thuận

Trung Quốc, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại và phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn ở eo biển Đài Loan cùng căng thẳng với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), có thể đang tìm cách giảm bớt xung đột với Ấn Độ để tập trung nguồn lực.

Trong khi đó, Ấn Độ muốn ổn định tạm thời khu vực biên giới phía Bắc nhằm dành nguồn lực giải quyết các ưu tiên chiến lược lớn hơn, chẳng hạn như đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương và củng cố liên minh với các đối tác trong nhóm Bộ Tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản và Australia. Thỏa thuận này cũng có thể mang yếu tố chính trị nội bộ khi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi muốn thể hiện khả năng quản lý các thách thức an ninh trước các đảng phái đối lập trong nước.

Mặc dù căng thẳng chính trị leo thang, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc đạt 135 tỷ USD vào năm 2023, khiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế này không tạo ra lòng tin chiến lược. Ấn Độ đang giảm dần sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thông qua sáng kiến “Ấn Độ tự lực” (Aatmanirbhar Bharat). Trong khi đó, sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc tại Nam Á lại bị Ấn Độ coi là mối đe dọa chiến lược.

Nguy cơ xung đột tiếp diễn

Dù thỏa thuận rút quân đánh dấu bước tiến, những nguyên nhân cơ bản của căng thẳng tại LAC vẫn chưa được giải quyết.

Cả hai nước vẫn duy trì hàng chục nghìn binh sĩ tại các khu vực tiền tuyến, cùng các hệ thống giám sát tiên tiến, thiết bị bay không người lái và tên lửa hiện đại. Cuộc chạy đua hạ tầng biên giới cũng không có dấu hiệu giảm nhiệt, khiến các biện pháp phòng thủ dễ bị hiểu lầm là sự chuẩn bị tấn công.

Ngoài ra, các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) thiết yếu đã bị lãng quên sau khủng hoảng năm 2020. Việc khôi phục những cơ chế này đòi hỏi mức độ tin tưởng và thiện chí chính trị hiện vẫn còn thiếu.

Việc xây dựng hòa bình bền vững giữa Ấn Độ và Trung Quốc đòi hỏi nỗ lực đa phương diện. Đối thoại chính trị cấp cao và tái khởi động các CBM như giám sát chung, hạn chế vũ khí hoặc quản lý công nghệ quân sự là điều cần thiết. Đồng thời, hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và công nghệ có thể tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau, giảm nguy cơ xung đột.

Thỏa thuận rút quân giữa hai nước mang lại tia hy vọng nhưng chưa đủ để giải quyết các vấn đề cơ bản như tranh chấp lãnh thổ, cạnh tranh chiến lược và thiếu tin tưởng.

Nếu không có các nỗ lực bền bỉ nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ này, sự cạnh tranh Trung-Ấn sẽ tiếp tục phủ bóng lên ổn định khu vực.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo eurasiareview)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/su-can-thiet-cua-thoa-thuan-hoa-hoan-bien-gioi-trung-quoc-an-do-20241224092835812.htm
Zalo