Stig Wennerstrom - siêu điệp viên của Chiến tranh lạnh
Đại tá Stig Wennerstrom có lẽ là điệp viên nổi tiếng nhất của tình báo quân sự Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Một cựu chiến binh của Tổng cục tình báo quân đội Liên Xô (GRU) đã nói rằng: 'xét về quy mô hoạt động, giá trị thông tin và tầm nhìn thế giới quan, những người như vậy không thể giới hạn trong khái niệm 'điệp viên' thông thường. Ngày nay, người ta gọi họ là 'siêu điệp viên'.
Từ thiếu tá phi công đến nhà tình báo
Sau Thế chiến thứ hai, chỉ huy phi đội không quân Thụy Điển Stig Wennerstrom đeo quân hàm thiếu tá và được coi là một phi công giàu kinh nghiệm. Ông thực sự đã trải qua một chặng đường dài trong ngành hàng không. Ông đã kịp phục vụ tại Bộ Tham mưu Không quân. Sau đó, ông trở lại làm phi công và chỉ huy phi đội, thường xuyên thực hiện các chuyến bay.
Khi được điều lại về Bộ Tham mưu, ông bắt đầu nghiên cứu về tổ chức lực lượng vũ trang. Ông luôn cố gắng làm việc một cách trung thực và tận tâm. Nhưng dù phục vụ ở đâu, Stig vẫn luôn mơ ước trở thành chỉ huy phi đội không quân Thụy Điển.

Đại tá Stig Wennerstrom.
Tuy nhiên, một lần, cuộc điện thoại của Tư lệnh Lực lượng Không quân Thụy Điển đã chấm dứt giấc mơ của ông. Vị tướng này không được tế nhị lắm:
- Anh không phù hợp với chức vụ chỉ huy phi đội không quân danh giá.
Ngừng lại một lát, vị tư lệnh nói tiếp:
- Tuy nhiên, anh thực sự có tài năng tình báo. Với khả năng ngoại ngữ của mình, anh sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho Không quân nếu phục vụ ở nước ngoài. Chẳng hạn như tùy viên Không quân tại Moscow.
Stig cảm thấy rất thất vọng. Một nỗi buồn sâu sắc xâm chiếm tâm hồn ông. Tuy nhiên, chính điều đó đã tạo ra bối cảnh cho cuộc gặp gỡ sau đó của Wennerstrom với Đại tá Ivan Rybachenkov, tùy viên Không quân Liên Xô tại Thụy Điển.
Ivan Rybachenkov quan tâm đến một vấn đề quan trọng. Rõ ràng là chẳng bao lâu nữa, Hoa Kỳ sẽ lãnh đạo khối NATO mới được thành lập. Rybachenkov lo ngại rằng Thụy Điển có thể ký kết một thỏa thuận bí mật với tổ chức này. Wennerstrom đã thuyết phục tùy viên Liên Xô rằng Thụy Điển sẽ không làm điều đó.
Đột nhiên, viên Đại tá bắt đầu nói về vấn đề khác. Qua báo chí, ông biết rằng đang có kế hoạch cải tạo và mở rộng đường băng tại căn cứ không quân ở thành phố Uppland.
- Không có gì đáng ngờ ở đó cả, - Stig trấn an Rybachenkov, - Đường băng này dành cho máy bay Thụy Điển.
Tùy viên không quân châm điếu thuốc lá yêu thích của mình:
- Thôi được - ông nói - ta hãy làm theo cách khác. Đối với anh, cái đường băng chết tiệt này đáng giá bao nhiêu? Hai nghìn?
"Lẽ ra tôi phải bình tĩnh và không trả lời gì cả - sau này Wennerstrom viết trong hồi ký của mình như vậy. Nhưng sự nghiệp hàng không của tôi đã tan thành mây khói, và tôi đang bị trầm cảm, vì vậy tâm trạng tồi tệ đã thúc đẩy phản ứng của tôi. Tôi giận dữ vì ông ta đã chọn tôi làm nạn nhân của một vụ hối lộ. Và tôi đã buột miệng nói mà không suy nghĩ:
- Ồ, tại sao không phải là năm nghìn?
Câu trả lời đến ngay lập tức:
- Tôi phải xin ý kiến Trung tâm".
Từ đó Wennerstrom bắt đầu hợp tác với tình báo quân sự Liên Xô.

Đại tá Ivan Rybachenkov.
Wennerstrom bắt đầu hợp tác với tình báo quân sự Liên Xô vào thời điểm cuộc đối đầu giữa hai hệ thống thế giới đã trở nên rõ ràng. Là một người có khả năng phân tích tuyệt vời và được phép sử dụng các tài liệu của NATO, ông dễ dàng nhận ra những hậu quả tai hại mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ có thể gây ra. Ông không muốn một cuộc chiến tranh thế giới mới.
"Chính Wennerstrom, - Thiếu tướng GRU Vitaly Nikolsky nói - không bao giờ yêu cầu chúng tôi tăng thêm tiền phụ cấp. Tất cả những điều đồn thổi về việc ông ta keo kiệt, tham lam, bị mua chuộc và làm việc vì tiền đều là bịa đặt... Ông không bao giờ tham gia vào bất kỳ sự hợp tác mưu lợi nào với tình báo nước ngoài. Trong thế giới quan của ông, không có ý nghĩ nào khác ngoài nhận thức về mối nguy hiểm mà hành động của quân đội Hoa Kỳ và NATO có thể gây ra cho số phận của thế giới".
Ám ảnh về vai trò đặc biệt
Tại phiên tòa, Stig Wennerstrom không nhận tội và tuyên bố rằng lịch sử sẽ phán xét. Sau khi ra tù, ông viết hồi ký, qua đó có thể thấy rõ Stig Wennerstrom luôn là chính mình.
"Vào những ngày đó, người Mỹ ý thức rõ về ưu thế quân sự của mình. Tôi lo sợ về một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba… Tôi bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng mình đang đóng một vai trò đặc biệt, và ý nghĩ này ngày càng lớn dần trong tôi theo từng năm…".
Thật vậy, Stig Wennerstrom đã đóng một vai trò đặc biệt. Nếu không, vì sao ông lại nhận một bản án chưa từng có trên chính đất nước mình - tù chung thân? Trong khi mức án tối đa ở Thụy Điển chỉ là 10 năm tù. Hơn nữa, ngày nay người ta biết rằng, ông hầu như không làm gì chống lại đất nước mình. Tất cả hoạt động tình báo của ông đều nhắm vào khối NATO và Hoa Kỳ.
Vậy, trong gần 15 năm làm việc cho GRU, Wennerstrom đã kịp làm gì? Câu trả lời duy nhất là - rất nhiều. Nhưng để trả lời một cách cụ thể hơn, chúng ta hãy quay lại Thụy Điển sau chiến tranh, khi Stig đang sắp xếp hành lý chuẩn bị lên đường đến Moscow…

Thiếu tướng Vitaly Nikolsky.
Một buổi tối, tại biệt thự của Đại sứ quán Thụy Điển ở Moscow, nơi Wennerstrom đang cư trú, có người gọi ông và đưa một lá thư. Trong đó có một mảnh giấy nhỏ ghi thời gian các cuộc gặp gỡ chính thức và dự phòng.
Đúng hẹn, bên tượng đài Pushkin ở Moscow, Đại tá Nikolay Nikitushev, cựu tùy viên quân sự Liên Xô tại Thụy Điển, đến gặp ông. Đại tá mời Stig lên xe, và họ cùng đi tới công viên Silver Bor. Chiếc xe dừng lại trước cổng một ngôi nhà.
Bên trong ngôi nhà, không khí thật lãng mạn: củi cháy tanh tách trong lò sưởi, ấm samovar đặt trên bàn, và những chiếc bánh mới ra lò nằm trên đĩa. Một chú mèo đang ngồi trên sàn nhà.
Nikitushev bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những ký ức về Stockholm, sau đó họ chuyển sang NATO và các kế hoạch của tổ chức này. Vị Đại tá lại hỏi liệu có một thỏa thuận bí mật nào giữa Thụy Điển và NATO không và nhận được câu trả lời “không” của Stig.
- Anh biết đấy - Nikitushev nói - sếp của tôi muốn nghe trực tiếp anh nói về sự trung lập của Thụy Điển.
Wennerstrom đồng ý.
Ngoài Nikitushev còn có hai người nữa tham dự cuộc gặp này. Một người tự giới thiệu là Pavel Konstantinovich. Ông là Tổng cục trưởng. Người kia đi cùng vị tướng.
Bàn đã được dọn sẵn. Họ ăn uống và viên tướng mời Stig vào phòng làm việc riêng. Một lần nữa cuộc trò chuyện lại chuyển sang chủ đề trung lập của Thụy Điển. Sau đó, vị tướng bắt đầu nói với vẻ lo ngại rằng, Đại sứ quán Hoa Kỳ và các đại sứ quán của các nước NATO khác đang tiến hành hoạt động do thám phối hợp.
- Chúng tôi muốn hiểu vai trò của cuộc chiến trên không chống lại đất nước chúng tôi là gì - Tổng cục trưởng nói.
- Miễn là điều đó không ảnh hưởng đến lợi ích của Thụy Điển thì tôi sẵn sàng giúp đỡ.
GRU không chỉ yêu cầu cung cấp thông tin mà còn tham gia đào tạo nghiệp vụ cho điệp viên. Các nhân viên tình báo Quân đội còn lo liệu để Wennerstrom có được một chiếc xe công vụ và đường dây điện thoại riêng. Stig được giao nhiệm vụ thu thập thông tin về cái gọi là bản đồ mục tiêu mà NATO dùng ném bom hạt nhân các thành phố, cơ sở công nghiệp và quân sự của Liên Xô.
“Những ký ức nóng hổi về các vụ ném bom trong Thế chiến thứ hai - sau này Wennerstrom viết trong hồi ký của mình - khiến tôi lo lắng khi chứng kiến việc tình báo Mỹ ngày càng tập trung vào những mục tiêu ném bom mới. Điều khiến tôi đặc biệt lo ngại là những mục tiêu này chủ yếu là các cơ sở công nghiệp và khu dân cư, còn kho vũ khí ngày càng tích trữ những quả bom nguyên tử có sức mạnh khủng khiếp…
Bản đồ mục tiêu của NATO là một tài liệu đáng sợ, cho thấy một quốc gia lớn có thể bị hủy diệt trong trường hợp chiến tranh”.

Thiếu tướng Viktor Kuvinov.
Máy ngắm ném bom nguyên tử
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Moscow, Đại tá Wennerstrom đến Mỹ. Tháng 1/1952, ông rời thủ đô Liên Xô.
Ở Washington, tùy viên không quân Liên Xô, Thiếu tướng Viktor Kuvinov, trở thành người lãnh đạo của ông. Trong cuộc gặp, Stig đã chuyển cuộn phim chứa thông tin giá trị cho Kuvinov khi họ bắt tay. Điều này thường diễn ra ở những nơi khác nhau, thậm chí tại chỗ đông người, trong các bữa tiệc hay các buổi chiêu đãi ngoại giao. Chẳng có gì lạ khi hai tùy viên bắt tay chào hỏi nhau.
Ở Mỹ, theo chỉ thị của Trung tâm, Stig phải giải quyết những vấn đề khác nhau, đôi khi hoàn toàn không liên quan gì đến nhau.
Ví dụ, vào ngày nhậm chức Tổng thống mới, Tổng thống Eisenhower đã phát biểu về các “dân tộc bị áp bức” ở Đông Âu, rằng người Mỹ không thể làm ngơ trước tình cảnh đó.
Wennerstrom cũng có mặt tại buổi lễ, nghe được những lời của Tổng thống Eisenhower và, thú thật, ông không ngờ rằng chẳng bao lâu, ông nhận được nhiệm vụ của Trung tâm yêu cầu làm rõ: tuyên bố này chỉ mang tính hùng biện hay sẽ kéo theo các hành động chính trị, thậm chí là quân sự nào đó.
Một nhiệm vụ hoàn toàn khác là thu thập thông tin về một loại máy ngắm mới, hiện đại, tuyệt mật, dùng để ném bom nguyên tử. Điều khiến Stig băn khoăn là người Mỹ lại gọi thiết bị đó là “của Thụy Điển”.
Để làm rõ vấn đề này, Wennerstrom đã đến thăm căn cứ không quân ở Las Vegas - trung tâm huấn luyện bay của Không quân Hoa Kỳ. Ông đã gặp viên chỉ huy căn cứ, và thậm chí được tiếp cận thiết bị đó.
Không chỉ hiểu được cơ chế hoạt động của máy ngắm, Stig còn khai thác được một tài liệu mang tiêu đề: "Nguyên lý thiết kế máy ngắm dùng cho việc ném bom nguyên tử". Đây chính là thứ mà Trung tâm đang rất quan tâm.

Đại tá Nikolay Nikitushev.
Sau 5 năm làm việc ở Mỹ, Stig Wennerstrom được đề nghị hoặc trở về Thụy Điển, hoặc chuyển sang London để đảm nhận một vị trí tương đương. Stig suy nghĩ trong 2 tuần. Ông đắn đo, do dự, và cuối cùng quyết định trở về Stockholm.
Sau đó, Stig Wennerstrom phục vụ trong Bộ Quốc phòng Thụy Điển, ông đảm nhiệm vai trò liên lạc giữa Không quân và Bộ Quốc phòng, đồng thời phụ trách công tác phối hợp với các tùy viên quân sự nước ngoài.
Năm 1961, Wennerstrom nghỉ hưu và trở thành cố vấn của Bộ Ngoại giao Thụy Điển. Suốt thời gian đó, ông vẫn tiếp tục hợp tác với tình báo quân sự Liên Xô.
Vào tháng 6/1963, trên cây cầu Norrstrom ở Stockholm, Stig bị bắt. Ông bị kết án chung thân, nhưng đến năm 1972 được trả tự do và sống tại Stockholm. Ông qua đời vào mùa xuân năm 2006, hưởng thọ 99 tuổi, tại một viện dưỡng lão ở Stockholm.