Triều Tiên tuyên bố Tổng thống Trump có động thái 'mở rộng chiến tranh'

Ngày 20/4, Triều Tiên đã lên án việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc nới lỏng các quy định xuất khẩu vũ khí và gọi đây là động thái nhằm 'mở rộng chiến tranh'.

Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN

Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã đưa ra những chỉ trích trên khi đề cập đến sắc lệnh hành pháp ngày 9/4 của Tổng thống Trump. Theo đó, chính quyền của ông Trump yêu cầu cần xem xét lại các quy định quản lý xuất khẩu thiết bị quân sự của Washington, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc bán các sản phẩm quốc phòng ra nước ngoài.

KCNA tuyên bố rằng việc bán vũ khí đóng vai trò là công cụ chủ chốt trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm thiết lập "quyền bá chủ", đồng thời cáo buộc Washington cung cấp thiết bị chiến tranh cho các nước đồng minh trong các cuộc chiến tại Ukraine và Dải Gaza.

Bản tin nhấn mạnh rằng doanh số bán vũ khí của Mỹ đã tăng vọt trong những năm gần đây, với hầu hết các thiết bị quân sự xuất khẩu đều chảy vào tay những "bên hiếu chiến" ở châu Âu và Trung Đông.

KCNA cáo buộc Mỹ "khuyến khích mở rộng chiến tranh" trong khi lại "giả vờ" làm trung gian cho các cuộc đàm phán, thương lượng, đồng thời cho rằng hậu quả của các động thái này sẽ thực sự rõ ràng khi các vũ khí gây sát thương của Mỹ được chuyển giao cho các lực lượng chiến tranh ủy nhiệm.

Trước đó, phát biểu tại lễ ký kết diễn ra tại Phòng Bầu dục vào ngày 9/4, Trợ lý Nhà Trắng Will Scharf nêu rõ, với sắc lệnh này của Tổng thống Trump, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan liên quan sẽ được yêu cầu tiến hành cải tổ toàn diện hệ thống xuất khẩu vũ khí nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng thiết bị quân sự cho các đồng minh một cách hiệu quả hơn và đáng tin cậy hơn, đồng thời hỗ trợ tạo việc làm và tăng doanh thu cho ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ.

Hiện tại, theo Đạo luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí của Mỹ, Quốc hội nước này có quyền xem xét các thương vụ bán vũ khí ra nước ngoài, tùy thuộc vào quy mô giao dịch và mức độ quan hệ đồng minh giữa Mỹ với quốc gia mua vũ khí.

Theo một số chuyên gia, động thái trên có khả năng dẫn tới những thay đổi sâu rộng cho thị trường vũ khí toàn cầu giúp Mỹ đơn giản hóa các quy tắc xuất khẩu vũ khí, bao gồm cả những loại vũ khí công nghệ cao như tên lửa tầm xa. Quyết định này đang tạo ra sự lạc quan lớn trong giới sản xuất vũ khí Mỹ và mở ra những cơ hội tiềm năng cho các quốc gia đối tác, đặc biệt là Ukraine.

Theo trang tin quốc phòng en.defence-ua.com (Ukraine) ngày 13/4, hệ thống xuất khẩu vũ khí hiện hành của Mỹ vốn nổi tiếng về những hạn chế chồng chéo. Việc đơn giản hóa quy trình này được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu và tăng đáng kể khối lượng bán vũ khí của Mỹ ra nước ngoài.

Theo sắc lệnh của Tổng thống Trump, trong vòng 60 ngày, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ phải thiết lập một "danh sách các đối tác ưu tiên" và một danh sách các loại vũ khí, thiết bị quân sự ưu tiên. Dù phạm vi của danh sách này vẫn chưa được tiết lộ, nhưng một số loại vũ khí quan trọng đã được đề cập.

Đáng chú ý, các hạn chế do Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) áp đặt đối với các quốc gia được chỉ định có thể sẽ được điều chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp các hệ thống vũ khí tầm xa. MTCR, dù không phải là một hiệp ước ràng buộc mà chỉ là một thỏa thuận không chính thức, quy định kiểm soát việc xuất khẩu tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn nặng tới 500 kg và tầm bắn từ 300 km trở lên, cùng với các thiết bị và hệ thống chính liên quan.

Việc Mỹ xem xét lại các hạn chế của MTCR được đánh giá là một động thái quan trọng. Đối với Mỹ, điều này có nghĩa là tiềm năng xuất khẩu không chỉ các tên lửa hành trình Tomahawk mà còn cả các hệ thống như PrSM (Precision Strike Missile-Tên lửa tấn công chính xác) cho hệ thống pháo phản lực HIMARS và các loại vũ khí tầm xa khác.

Bên cạnh việc nới lỏng các hạn chế về loại vũ khí, Mỹ còn tập trung vào việc đơn giản hóa và đẩy nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu vũ khí. Hiện tại, phần lớn hoạt động xuất khẩu vũ khí của Mỹ được thực hiện thông qua cơ chế Bán vũ khí cho nước ngoài (FMS), trong đó quốc gia mua đặt hàng thông qua Chính phủ Mỹ, sau đó Chính phủ Mỹ mới đặt hàng từ các công ty sản xuất. Quy trình này đòi hỏi nhiều phê duyệt từ các cơ quan chính phủ khác nhau và thường diễn ra tuần tự, gây tốn thời gian.

Để khắc phục tình trạng này, một cơ chế ra quyết định song song sẽ được áp dụng, cho phép tất cả các cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục hành chính đồng thời và độc lập. Ngoài ra, trong vòng 90 ngày tới, một kế hoạch tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong hoạt động bán vũ khí cũng sẽ được xây dựng.

Một thay đổi đáng chú ý khác là việc xem xét và thu hẹp danh sách các loại vũ khí chỉ có thể mua thông qua cơ chế FMS. Hiện tại, danh sách này bao gồm gần như mọi thứ, ngoại trừ vũ khí hạng nhẹ và đạn dược. Ngay cả các thiết bị tác chiến điện tử, pháo sáng và cảm biến cũng nằm trong danh sách này, bên cạnh các hệ thống vũ khí chủ lực như máy bay chiến đấu và tên lửa.

Khi danh sách các mặt hàng chỉ được mua qua FMS được rút gọn, các công ty quốc phòng Mỹ sẽ có thể tích cực hơn trong việc sử dụng cơ chế Bán hàng thương mại trực tiếp (DCS). DCS cho phép các nhà sản xuất ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng nước ngoài. Sự thay đổi này dự kiến sẽ được thực hiện trong vòng 120 ngày.

Nhìn chung, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hoan nghênh quyết định tự do hóa xuất khẩu vũ khí, bởi cả người mua và nhà sản xuất đều phải chịu đựng những rào cản hành chính quan liêu. Hơn nữa, việc tăng cường sử dụng cơ chế DCS được coi là có lợi hơn nhiều, vì theo FMS, các công ty phải bán vũ khí theo các điều khoản do Chính phủ Mỹ quy định.

Bình Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trieu-tien-tuyen-bo-tong-thong-trump-co-dong-thai-mo-rong-chien-tranh-20250420064558689.htm
Zalo