STEM trong trường học: Làn gió mới
Năm học 2022 - 2023, cả nước có 7 tỉnh/thành tham gia thí điểm giáo dục STEM.
STEM là thụat ngữ chỉ các ngành học Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Quá trình triển khai STEM được ngành Giáo dục các địa phương, nhà trường rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng trong những năm tiếp theo.
Linh hoạt
Năm học 2022 - 2023, ngành GD-ĐT TP Lào Cai (Lào Cai) triển khai hoạt động giáo dục STEM, STEAM trong các trường mầm non và phổ thông. Bà Trần Thị Thùy Dung - Trưởng phòng GD&ĐT TP Lào Cai cho biết: Phòng chỉ đạo Trường Tiểu học Lê Văn Tám và Tiểu học Lê Ngọc Hân xây dựng kế hoạch thí điểm, xác định rõ hoạt động trong chương trình chính khóa theo kế hoạch giáo dục nhà trường, đáp ứng yêu cầu cần đạt của môn học thuộc chủ đề giáo dục STEM nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Theo cô Bùi Thị Kim Chi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai), giáo dục STEM - phương thức dạy học dựa trên cách tiếp cận liên môn với 3 hình thức tổ chức là STEM bài học, hoạt động trải nghiệm STEM và nghiên cứu khoa học. Trong đó, hình thức tổ chức bài học STEM là nội dung mới và khó.
Phòng GD&ĐT TP Lào Cai đồng thời yêu cầu 2 đơn vị thí điểm với hình thức hoạt động trải nghiệm ngoài chương trình chính khóa và giờ lên lớp. Linh hoạt tổ chức qua câu lạc bộ hoặc trải nghiệm thực tế theo sở thích, năng khiếu, lựa chọn của học sinh trên tinh thần tự nguyện.
“Chúng tôi tổ chức hội thảo, chuyên đề với sự tham gia của cán bộ cốt cán Bộ, sở, phòng GD&ĐT và các trường trong thành phố, tỉnh. Hai trường thí điểm rất tích cực tổ chức sinh hoạt chuyên môn để triển khai theo tổ, khối. Kết thúc năm học, 100% giáo viên của 2 trường đã thiết kế và tổ chức dạy bài học STEM. Việc triển khai thí điểm nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh và đạt hiệu quả tốt. Từ kết quả đó, năm học này, ngành Giáo dục TP Lào Cai triển khai đại trà giáo dục STEM trong các trường tiểu học, tiểu học - THCS còn lại”, bà Trần Thị Thùy Dung trao đổi.
Theo cô Bùi Thị Kim Chi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Lào Cai), sau 1 năm thí điểm, nhà trường đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm và giải pháp để triển khai hiệu quả hơn. Cụ thể, trường tập trung giúp giáo viên hiểu rõ bản chất thiết kế bài học STEM. Sau khi được tham gia lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT, trường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về lý thuyết thiết kế bài học theo tài liệu thí điểm triển khai; tập trung nghiên cứu tài liệu tập huấn, Chương trình GDPT 2018 để hiểu mục tiêu triển khai bài học STEM.
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học STEM trong trường mầm non, cô Lê Thị Liên Hoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (TP Lào Cai) kể: “Trường lựa chọn hoạt động STEM theo quy trình 5E (gắn kết, khám phá, giải thích, áp dụng và đánh giá), tích hợp theo chủ đề hoặc học theo dự án.
Trong đó các yếu tố: Khoa học, công nghệ, chế tạo, nghệ thuật, toán được ứng dụng và thực hành xuyên suốt theo chủ đề, vấn đề cần giải quyết. Các lĩnh vực và nội dung được tích hợp chặt chẽ để trẻ có thể tự xây dựng kiến thức, kỹ năng tổng thể. Qua việc lồng ghép giáo dục STEM, STEAM vào chương trình học tập, trẻ ở các độ tuổi tham gia hoạt động giáo dục tích cực hơn, biết hướng đến giải quyết vấn đề nào đó, chế tạo mô hình, sản phẩm theo thiết kế để giải quyết vấn đề.
Bắt nhịp đổi mới
Là 1 trong 7 địa phương tham gia thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học, đến nay, 100% huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk đã triển khai. Theo đánh giá, các trường tiểu học tham gia thí điểm đã đạt hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình GDPT 2018.
Bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học tùy thuộc vào điều kiện thực tế địa phương. Tại Đắk Lắk, từ năm 2022, có 10 trường/5 huyện tham gia với 228 lớp và 5.918 học sinh. Sau gần 2 năm, đến nay 100% huyện, thị xã, thành phố triển khai đại trà. Sở GD&ĐT tập huấn cho 2 lớp với 100% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học.
“Đắk Lắk - tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn. Thực hiện được mô hình trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục với sự hỗ trợ, đồng hành của phụ huynh đã nỗ lực vượt khó, áp dụng STEM hiệu quả. Trường chưa thí điểm thì học hỏi trường đã thí điểm rồi áp dụng dần. Điều này cũng khẳng định tính ưu việt của giáo dục STEM trong đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục”, bà Lê Thị Kim Oanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sự sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế mỗi trường ở tỉnh Đắk Lắk cũng được phát huy. Trường Tiểu học Quang Trung (thị xã Buôn Hồ) nổi bật trong triển khai dạy học STEM với các sản phẩm cụ thể. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Toàn, từ bột gạo nhuộm màu thực phẩm, học sinh đã tạo ra nhiều sản phẩm tò he khác nhau mô phỏng từng loài vật, kích thước phù hợp…, trở thành tư liệu minh họa cho bài học về loài vật. Với cây tư duy đa năng, có thể sử dụng cho tất cả môn, bài học đầy thiết thực.
Tương tự, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar) triển khai giáo dục STEM gắn với tạo ra sản phẩm cụ thể. Từ vật liệu dễ tìm kiếm hoặc nguyên liệu tái chế, giáo viên hướng dẫn học sinh chế tạo sản phẩm hoàn chỉnh. Nổi bật như sản phẩm đàn nước từ ly uống nước. Ngoài ra, một số sản phẩm khác khá thông dụng như chậu hoa từ quả dừa, bộ gõ… cũng là kết quả của giáo dục STEM.
Theo ông Nguyễn Văn Chiêu - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học và Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Đắk Lắk), trong quá trình triển khai, các trường đã sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế. Liên quan hoạt động trải nghiệm STEM ngoài không gian nhà trường, có đơn vị chọn thăm cơ sở chế biến hạt mắc ca và cà phê; trường lại tổ chức loại hình câu lạc bộ.
Mặt khác, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cây công nghiệp lâu năm lớn, được xem như thủ phủ cà phê. Vì vậy, các hoạt động giáo dục cũng gắn với thực tế sản xuất địa phương, gia đình giúp học sinh khắc sâu kiến thức.
Mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm
Tham gia thí điểm giáo dục STEM, TP Cần Thơ chọn 10 trường tiểu học thuộc 5 quận/huyện trên địa bàn thực hiện. Theo cán bộ quản lý và giáo viên, thời gian đầu triển khai nguồn tài liệu tham khảo và tài liệu tập huấn ít. Một số giáo viên chưa thực sự nắm rõ về giáo dục STEM, ngại học hỏi, chia sẻ với đồng nghiệp nên còn lúng túng, chưa cân đối thời gian trên lớp để đảm bảo chuẩn kiến thức. Bên cạnh đó chưa có quy định cụ thể về trang thiết bị tối thiểu nên các trường chủ yếu tận dụng thiết bị phục vụ Chương trình GDPT 2018 và vật dụng tái chế để giảng dạy…
Sau 1 năm triển khai, TP Cần Thơ có 323 giáo viên giảng dạy 119 chủ đề STEM và hơn 11 nghìn học sinh học tập trong môi trường giáo dục STEM. Các trường học chủ động phương án tổ chức thực hiện theo định hướng phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục...
Cùng đó, các đơn vị còn đa dạng hình thức tổ chức giáo dục như hoạt động trải nghiệm thông qua câu lạc bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật; thực hiện tốt không gian trải nghiệm, góc STEM trong từng lớp học, khuôn viên nhà trường. Hoạt động nhận được sự ủng hộ từ chính quyền, cha mẹ học sinh và cộng đồng trong công tác xã hội hóa, duy trì và tổ chức câu lạc bộ STEM - Robotics…
Theo ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, sau một năm triển khai, các trường đã khắc phục khó khăn, chủ động và mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức chuyên đề và thao giảng với trường bạn. Ðây là cách để tạo môi trường học tập chung, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, nhà trường quan tâm kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục STEM. Ðiều này đảm bảo hoạt động và chương trình học được triển khai hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra. Quan trọng nhất là đánh giá đúng mức, không quá tải cho học sinh, giáo viên; sử dụng kết quả đánh giá để cải thiện quá trình giảng dạy.
Triển khai giáo dục STEM tại tỉnh Đồng Tháp dù còn nhiều thách thức nhưng kết quả đạt được khá khả quan. Chia sẻ của ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, các thầy, cô giáo đã cố gắng, vượt khó, tích cực triển khai ở cấp tiểu học. Giáo viên nghiên cứu, thảo luận, thực hành và trao đổi thường xuyên để vận dụng vào thực tiễn; đồng thời điều chỉnh phù hợp với thực tế. Qua đó có thêm giải pháp phù hợp tại đơn vị; góp phần triển khai đạt hiệu quả, chất lượng.
Sau thời gian thí điểm giáo dục STEM với nhiều thành tích nổi bật, tỉnh Đồng Tháp nhân rộng toàn cấp tiểu học trong năm học 2023 - 2024. Tỉnh đã quan tâm bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên Công nghệ và Tin học theo hướng chuẩn hóa.
Theo bà Ngô Thúy Anh - Trưởng phòng GD mầm non và tiểu học (Sở GD&ĐT Đồng Tháp), để nhân rộng mô hình, ngành Giáo dục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ hoạt động giáo dục STEM; mặt khác triển khai hệ thống không gian trải nghiệm khoa học, công nghệ giúp học sinh hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo. Tỉnh cũng quan tâm, tăng cường kết nối để phát huy nguồn lực con người, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhằm hỗ trợ các hoạt động giáo dục STEM.
Qua 1 năm thí điểm, tỷ lệ học sinh đạt chất lượng giáo dục của trường là 99,66%, cao hơn năm học trước 1%. Một số em nhút nhát, rụt rè trở nên tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập và giao tiếp. Các em làm ra được nhiều sản phẩm gần gũi với đời sống (dụng cụ gấp áo, khẩu trang, thước gấp, thiệp chúc mừng...). - Cô Phạm Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Quý 1 (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp)