Startup bán tương ớt vào Mỹ khiến 'bộ đôi cá mập' điều chỉnh đề nghị đầu tư liên tục

Nhà sáng lập Chilica kiên định với định giá của mình nên đã từ chối lời đề nghị rót vốn của hai Shark, chấp nhận ra về tay trắng.

Chilica – thương hiệu tương ớt lên men đến Shark Tank Việt Nam mùa 7 với 3 dòng sản phẩm gồm ớt bằm, ớt bằm có tỏi và tương ớt.

Theo giới thiệu của Nguyễn Thanh Hiền – Nhà sáng lập và Giám đốc của Chilica, startup này ra đời với mong muốn nâng cao giá trị nông sản và giải quyết đầu ra cho nông dân.

Với hiểu biết và kinh nghiệm 30 năm ứng dụng vi sinh vật trong nuôi trồng thủy sản, anh đã ứng dụng để sản xuất tương ớt lên men bằng giấm gạo mà không qua gia nhiệt.

Theo nhà sáng lập Chilica, hầu hết các sản phẩm tương ớt trên thế giới đều phải gia nhiệt, tức là làm chín sản phẩm và kiểm soát vi khuẩn, điều đó làm mất đi giá trị nguyên bản của ớt tươi. Trong khi đó, sản phẩm của Chilica giữ nguyên màu sắc, hương vị và các giá trị dinh dưỡng của ớt tươi mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của thế giới.

Ra mắt thị trường tháng 6/2020, đến nay Chilica đã xuất khẩu đi 9 quốc gia, đã bán trên Amazon, Walmart. Doanh thu năm 2023 là 25 tỷ, lợi nhuận ròng là 6 tỷ đồng.

Từ nhà máy rộng 1.000 m2 không đáp ứng được nhu cầu gia công cho các đối tác, cuối năm 2023, Chilica đã mở rộng gấp 10 lần với nhà máy có diện tích 10.000m2, có khả năng xử lý 30 tấn ớt tươi thành 40 tấn thành phẩm trong một ngày. Theo đại diện doanh nghiệp, nhà máy đã đạt chứng nhận quốc tế như BRC, HACCP, đồng thời thương hiệu của Chilica cũng đã được bảo hộ trên 35 quốc gia.

Chia sẻ về mục tiêu kinh doanh năm 2024, nhà sáng lập Chilica cho biết mục tiêu doanh thu dự kiến của startup là 25 tỷ, tương đương với doanh thu năm 2023. Lý giải về nguyên do mục tiêu doanh thu hai năm không đổi, ông Hiền cho biết sản phẩm cần 12 tháng lên men. Do đó, doanh thu năm 2024 đến từ các sản phẩm đã lên men năm 2023 ở nhà máy nhỏ, khi đó chưa tăng công suất.Ngoài ra, nhà máy cũng là lý do khiến Chilica có mức định giá post-money (định giá doanh nghiệp sau khi rót vốn) là 10 triệu USD.

“Nhà máy nhỏ diện tích 1.000m2 chạy hết công suất được 25 tỷ doanh thu. Từ diện tích 1.000 m2 lên 10.000 m2, đã đầu tư hết thì việc tăng doanh số lên gấp 10 lần của nhà máy lớn và nhà máy nhỏ giống nhau”, ông Hiền phân tích.

Theo ông Hiền, hiện công ty chỉ có hai đối thủ ở Mỹ, trong đó có thương hiệu Sriracha nổi tiếng. Ông cũng tự tin rằng sản phẩm làm ra bao nhiêu cũng bán được hết bởi dựa theo thông tin ở các hội chợ, các đơn đặt hàng thì nhu cầu đang rất lớn.

Trước phần trình bày của doanh nghiệp, các Shark đã có nhiều ý kiến khác nhau.

Ấn tượng với sản phẩm và năng lực của startup nhưng nhận thấy lợi thế của bản thân không giúp được cho startup nhiều hơn việc đầu tư tài chính nên Shark Phi Vân là người đầu tiên rời khỏi thương vụ. Shark Minh Beta cũng từ chối đầu tư bởi mức định giá doanh nghiệp của startup cao hơn kết quả kinh doanh hiện tại. Tiếp đó, Shark Thái cũng từ chối đầu tư.

Khác với 3 Shark, Shark Bình và Shark Hưng lại có hứng thú với thương vụ này. Shark Bình đề nghị đầu tư 500.000 USD cho 16% cổ phần.

Còn Shark Hưng thì đưa ra hai phương án: thứ nhất là đầu tư 150.000 USD cho 5% cổ phần, phần còn lại đầu tư theo hình thức khác tùy vào nhu cầu của startup; phương án thứ hai là đầu tư 500.000 USD cho 15% cổ phần.

Tuy nhiên, nhà sáng lập Chilica kiên định với định giá của mình và khẳng định sẽ không chấp nhận một thỏa thuận mà không đảm bảo lợi ích hợp lý. Shark Hưng sau đó đã điều chỉnh đề nghị xuống 12,5% cổ phần cho 500.000 USD hoặc 5% cổ phần cho 250.000 USD, trong khi Shark Bình nâng mức đầu tư lên 1 triệu USD cho 25% cổ phần.

Khi không đạt được thỏa thuận chung, thương vụ khép lại mà không có sự hợp tác nào được ký kết.

An An

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/startup-ban-tuong-ot-vao-my-khien-bo-doi-ca-map-dieu-chinh-de-nghi-dau-tu-lien-tuc-post521761.html
Zalo