Nỗi lo của người dân bên trang trại bò nghìn tỉ

Tính đến ngày 16/9, mặc dù lượng nước thải (sau khi đã được xử lý của dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa) đã đạt ngưỡng, đến ngày xả thải nhưng chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH 2 thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (Cty sữa Yên Mỹ) vẫn chưa thể thực hiện công tác xả thải, vì chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân địa phương. Do vậy, một khối lượng lớn chất thải từ trang trại chăn nuôi bò đang bị tồn đọng, có thể lên men, bốc mùi hôi thối khiến hàng trăm hộ dân xung quanh trang trại phải hứng chịu.

Hứng chịu mùi hôi thôi, ruồi muỗi

Có mặt tại khu vực trang trại bò công nghệ cao ở xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống (Thanh Hóa), PV ghi nhận phản ánh của người dân về tình trạng mùi hôi thối do trang trại của công ty nói trên gây ra mấy tháng qua. Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, trang trại chăn nuôi bò xuất hiện mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bà con trên địa bàn. Theo quan sát của PV, trang trại bò sữa nằm trên một quả đồi, cạnh đập thủy lợi Yên Mỹ; phía dưới chân đồi là khu dân cư thôn Ổn Lâm và Lâm Hòa của xã Yên Mỹ (huyện Nông Cống). Người dân cho biết, trước đây khi chưa có trang trại bò sữa, môi trường ở đây rất trong lành, bởi xung quanh là cây cối và hồ nước ngọt vào dạng lớn nhất tỉnh.

 Trang trại bò sữa nằm trên một quả đồi, phía dưới chân đồi là khu dân cư thôn Ổn Lâm và Lâm Hòa.

Trang trại bò sữa nằm trên một quả đồi, phía dưới chân đồi là khu dân cư thôn Ổn Lâm và Lâm Hòa.

Anh Lê Ngọc Trường, trú tại thôn Ổn Lâm cho biết: "Tôi cảm nhận rất rõ, khi thời tiết thay đổi, hoặc mỗi khi nhà máy ép phân là mùi hôi thối xông lên, nồng lắm. Đặc biệt, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều ruồi muỗi, có hôm ăn cơm mà ruồi đậu đen mâm cơm, trong khi trước đây không hề có hiện tượng này. Nhà có 2 trẻ nhỏ nên tôi rất lo lắng cho sức khỏe của chúng. Trước khi có nhà máy, ở chỗ tôi không khí rất trong lành. Bà con sinh sống tận trong núi mà bây giờ vẫn bị ô nhiễm nên rất buồn. Người dân quanh đây đã làm đơn kiến nghị về những vấn đề này gửi UBND xã, mong cơ quan chức năng và công ty sớm có biện pháp khắc phục."

Nhiều người dân thôn Ổn Lâm còn cho rằng, không chỉ có mùi ủ chua của thức ăn, của phân bò; thứ bất cập còn tồn tại ở đây là khi trời mưa to, một lượng nước lớn từ trên đồi (nơi xây dựng dự án trại bò) tràn xuống khu vực dân cư, xuống ruộng lúa của người dân, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của họ. Trước đây, nước trên đồi thường ngấm xuống đất hoặc chảy xuống hồ Yên Mỹ, nhưng nay có nhà máy nên nước dồn lại và tràn xuống thôn Ổn Lâm.

 Anh Lê Ngọc Trường, trú tại thôn Ổn Lâm, xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống chia sẻ với phóng viên.

Anh Lê Ngọc Trường, trú tại thôn Ổn Lâm, xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống chia sẻ với phóng viên.

Cũng theo thông tin của bà con, trước đây, khi chưa có trang trại bò sữa, mỗi khi có mưa, nước trên khu vực đồi cao phần nhiều chảy xuống hồ Yên Mỹ, nhưng từ khi hình thành trạng trại bò sữa, nước khu vực này không được đổ xuống hồ Yên Mỹ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa (vì hồ Yên Mỹ là nơi cung cấp nước sạch cho Khu Kinh tế Nghi Sơn). Vì vậy, hầu như toàn bộ lượng nước này tràn xuống khu dân cư và có hiện tượng nổi váng.

Bà Hoàng Thị Sâm, Trưởng thôn Ổn Lâm nhận định: "Bất cập là công trình trên cao mà dân ở dưới thấp, mùi hôi thối phát tán ra không gian thì đương nhiên ảnh hưởng đến người dân. Theo tôi, công ty nên làm tường bao để che bớt lại, mùi hôi thối đỡ bay ra ngoài, lan tỏa xuống làng. Còn về vấn đề mưa lớn, nước trên trang trại đã từng tràn vào nhà dân, ngập úng lúa, hoa màu thì công ty cũng đã có bồi thường thỏa đáng. Song bà con vẫn lo lắng tình trạng này tiếp tục xảy ra, nên mong muốn phía nhà máy sớm làm mương, rãnh thoát nước, để không tràn vào nhà dân và cây trồng.

Còn ở thôn Lâm Hòa, theo ông Nguyễn Bá Đông, Trưởng thôn Lâm Hòa, vài tháng trở lại đây, đặc biệt là từ đầu giờ chiều đến đêm thì mùi hôi thối từ thức ăn ủ chua lên men, cộng thêm mùi phân bò từ trang trại chăn nuôi của Công ty phát tán ra khu dân cư rất khó chịu. Một thực trạng đang diễn ra hiện nay, gia đình nào có hiếu hỉ, đám xá là phải lắp màn để che đậy thức ăn vì có nhiều ruồi, trong khi trước đây không bao giờ phải làm như vậy.

 Ông Nguyễn Bá Đông, Trưởng thôn Lâm Hòa, xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống.

Ông Nguyễn Bá Đông, Trưởng thôn Lâm Hòa, xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống.

Trưởng thôn Lâm Hòa cho biết thêm: "Riêng thôn Lâm Hòa có khoảng 1/3 số hộ dân bị ảnh hưởng, những ngôi nhà này nằm bao bọc xung quanh nhà máy. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri hoặc giao ban Đảng ủy, tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến việc trang trại bò sữa gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến người dân địa phương tới lãnh đạo xã. Được biết, xã cũng báo cáo lên HĐND huyện Nông Cống và cán bộ xã, huyện cũng đã nắm được thực trạng này."

Quá tải nhưng chưa thể xả thải

Được biết, sau khi tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh của người dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống đã kiểm tra vấn đề môi trường đối với Công ty TNHH 2 thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ. Huyện cũng đã yêu cầu công ty có giải pháp khắc phục như: Trồng cây xanh quanh trang trại, bổ sung chế phẩm vi sinh vào thức ăn ủ chua, phun vào nền chuồng để ngăn mùi…

 Lượng nước thải sau khi đã được xử lý đã đạt ngưỡng nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thể tiến hành xả thải.

Lượng nước thải sau khi đã được xử lý đã đạt ngưỡng nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thể tiến hành xả thải.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống cho biết: "Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đang là đơn vị trực tiếp giám sát trong giai đoạn vận hành thử nghiệm xử lý nước thải của Công ty sữa Yên Mỹ. Hiện mẫu nước, mẫu không khí vẫn trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, thời điểm này, nước thải qua hệ thống đạt tiêu chuẩn đã đạt ngưỡng nhưng vẫn nằm trong hồ sự cố. Việc nước thải để lâu, tích tụ có thể lên men, gây mùi. Điều lo ngại nhất là khi trời mưa lớn, vẫn chưa thể xả thải, sợ rằng sẽ tràn ra bên ngoài."

Về nguyên nhân công ty chưa thể xả thải là do người dân xã Yên Lạc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa không đồng ý cho trang trại bò sữa Yên Mỹ xả thải ra khu vực điểm hạ lưu đập Khe Tre (khu vực này nằm trong phạm vi của xã Yên Lạc, huyện Như Thanh). Vì thế, để có thể xả nước thải qua xử lý ra môi trường, công ty đã đề xuất và được tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho phép điều chỉnh vị trí xả thải từ vị trí cũ, nối dài khoảng 2 km, bằng hệ thống đường ống kín. Hiện công ty đang tập trung thi công, lắp đặt đường ống xả nước thải như chỉ đạo của UBND tỉnh.

Được biết, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND huyện Như Thanh, trên cơ sở vị trí xả thải điều chỉnh được UBND tỉnh chấp thuận, tổ chức họp dân, thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng dân cư khu vực về điểm xả thải mới đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân. Việc thi công tuyến đường ống kín có tổng chiều dài khoảng 3,1km trong đó 1,9 km nằm trên đất quản lý của Công ty sữa Yên Mỹ đã xong; còn 1,2 km tuyến nằm trên đất thôn Phú Đa, xã Yên Mỹ thì chưa hoàn thành.

Tính đến ngày 16/9, người dân xã Yên Lạc vẫn chưa đồng thuận cho Công ty xã thải. Vì vậy, Công ty sữa Yên Mỹ đã có văn bản gửi UBND huyện Như Thanh, trong đó có nội dung đề nghị các cấp chính quyền địa phương huyện Như Thanh và huyện Nông Cống tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân hỗ trợ việc xả nước thải sau khi đã xử lý đạt quy chuẩn của dự án; để giúp Công ty tiến hành xả thải sau xử lý được an toàn và thuận lợi, không xảy ra các điểm nóng về an ninh trật

Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình, huyện Nông Cống là dự án lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nằm trong vùng quy hoạch của Khu kinh tế Nghi Sơn; là dự án đột phá về quy mô, công nghệ và mô hình tổ chức sản xuất. Với quy mô 20 nghìn con bò sữa và nhà máy chế biến sữa tập trung công suất 300 tấn/ngày, tổng mức đầu tư trên 3.800 tỷ đồng.

Đinh Huê

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/noi-lo-cua-nguoi-dan-ben-trang-trai-bo-nghin-ti-164791.html
Zalo