Starlink của Elon Musk 'đe dọa' giành thị phần nhà mạng Việt Nam?
Starlink hiện diện tại Việt Nam – liệu đây sẽ là cú huých cho hạ tầng số toàn diện hay là phép thử đối với mô hình phát triển viễn thông truyền thống, vốn gắn liền với những nghĩa vụ vượt ngoài tính toán thương mại?
Sự xuất hiện của Starlink – hệ thống Internet vệ tinh toàn cầu do tập đoàn SpaceX của tỷ phú Elon Musk vận hành – đã tạo ra một cơn sóng mới trong lĩnh vực viễn thông Việt Nam. Bên cạnh kỳ vọng về việc rút ngắn khoảng cách kết nối tại vùng sâu vùng xa, Starlink cũng đang thách thức trực tiếp mô hình hạ tầng viễn thông truyền thống. Câu hỏi không chỉ là: "Có nên cấp phép cho Starlink?" mà sâu xa hơn: "Ai sẽ làm chủ hạ tầng số quốc gia trong tương lai?"
Internet vệ tinh – lời giải công nghệ hay đối thủ cạnh tranh?
Về mặt công nghệ, Starlink sử dụng hàng nghìn vệ tinh ở quỹ đạo thấp (LEO) để truyền tín hiệu trực tiếp tới thiết bị đầu cuối, không cần triển khai cáp quang hay trạm phát sóng dày đặc như mô hình truyền thống. Tốc độ kết nối cao, độ trễ thấp, vùng phủ rộng – Starlink đặc biệt phù hợp với địa hình khó như miền núi, hải đảo, khu vực biên giới.

Starlink đã triển khai hơn 7.000 vệ tinh ở quỹ đạo thấp và đặt mục tiêu mở rộng lên đến 42.000 vệ tinh trong tương lai, nhằm cung cấp dịch vụ Internet băng rộng toàn cầu. Ảnh PGS Hà Duyên Trung cung cấp
Theo PGS.TS Hà Duyên Trung – Trưởng khoa Kỹ thuật Truyền thông, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội: “Hệ thống như Starlink đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc duy trì kết nối Internet tại các khu vực chiến sự hoặc sau thảm họa tự nhiên, nơi hạ tầng mạng viễn thông truyền thống bị tê liệt”. Điều này tạo ra cạnh tranh với các nhà mạng đang triển khai dịch vụ cố định băng rộng và di động 4G, 5G ở vùng khó tiếp cận.
Không dừng lại ở vùng sâu vùng xa, Starlink còn hướng đến nhóm người dùng cao cấp ở thành thị – những người đòi hỏi tốc độ ổn định và sẵn sàng trả giá cao hơn cho dịch vụ tốt hơn. Điều này có thể khiến một số thị phần ở đô thị cũng bị xâm lấn, nhất là trong bối cảnh các nhà mạng nội địa còn đang trong quá trình nâng cấp lên 5G.
Cuộc chơi bất đối xứng và rủi ro tiềm ẩn
Mô hình “tinh gọn, chọn lọc” của Starlink tạo ra một cuộc chơi cạnh tranh không cân sức. Dễ hiểu khi một phần dư luận tỏ ra e ngại rằng nếu không có cơ chế quản lý hợp lý, các nhà mạng trong nước có thể bị lấn át ngay trên sân nhà, mất động lực đầu tư vào hạ tầng thiết yếu, đặc biệt trong giai đoạn 5G và chuyển đổi số đang đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.
Starlink không có nghĩa vụ đảm bảo chủ quyền số, không chịu trách nhiệm ứng cứu khẩn cấp, không duy trì kết nối tại các điểm rủi ro thiên tai. Trong khi đó, nhà mạng Việt Nam luôn là lực lượng đầu tiên được huy động trong mọi tình huống cấp bách quốc gia. Đây là sự bất đối xứng rất lớn mà chính sách quản lý nhà nước phải tính đến.
Về phía Starlink, họ cũng phải đối mặt với nhiều rào cản tại Việt Nam. Trong đó có ba điểm chính:
• Pháp lý và chủ quyền dữ liệu: Việt Nam yêu cầu các dịch vụ viễn thông xuyên biên giới phải định tuyến dữ liệu về các trạm mặt đất trong nước và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng. Điều này buộc Starlink phải hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam nếu muốn hoạt động lâu dài.
• Tích hợp kỹ thuật: Starlink phải đảm bảo không gây nhiễu cho hệ thống viễn thông hiện hữu, đồng thời phải kết nối được với hệ thống điện lưới, điều phối phổ tần và kiểm soát an toàn bức xạ – những tiêu chuẩn kỹ thuật không dễ đáp ứng trong thời gian ngắn.
• Giá thành dịch vụ: Với mức giá 100–150 USD/tháng và thiết bị đầu cuối khoảng 500 USD, Starlink hiện nằm ngoài khả năng chi trả của phần lớn người dùng phổ thông Việt Nam. Nếu không có chính sách trợ giá hoặc mô hình chia sẻ, việc phổ cập sẽ rất hạn chế.

Thiết bị đầu cuối gồm đĩa thu tín hiệu vô tuyến điện tử và modem. Ảnh PGS Hà Duyên Trung cung cấp
Đâu là lời giải chiến lược?
Từ đầu những năm 2000, nhà nước ta đã xác định hạ tầng thông tin – truyền thông không chỉ là một ngành kinh tế mà còn là một trụ cột an ninh – quốc phòng, phục vụ quản lý nhà nước, giáo dục, y tế và ứng cứu khẩn cấp. Các nhà mạng lớn, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước như Viettel, không đơn thuần là nhà cung cấp dịch vụ mà đóng vai trò như “cánh tay nối dài” của Chính phủ trong việc đảm bảo chủ quyền số và công bằng kết nối.
Theo một số chuyên gia phân tích: “Viettel đã đầu tư hàng tỷ USD để kéo cáp quang, dựng trạm BTS ở các vùng núi đá phía Bắc, biên giới Tây Nguyên, huyện đảo Trường Sa – những nơi không biết bao giờ hoàn vốn, nhưng không thể không làm vì mục tiêu bảo đảm chủ quyền và công bằng thông tin. Đây là những vùng mà nếu chỉ dựa vào logic thị trường, không một doanh nghiệp nước ngoài nào mặn mà đầu tư”.
Theo thống kê, ba nhà mạng lớn – Viettel, VNPT và MobiFone – hiện chiếm hơn 95% thị phần thuê bao di động tại Việt Nam và phần lớn hạ tầng mạng cố định băng rộng. Bên cạnh đó, tiềm năng của các nhà mạng nội địa không hề nhỏ. Đó là một vị thế không dễ bị thay thế trong ngắn hạn, đặc biệt khi các nhà mạng này vẫn kiểm soát toàn bộ hệ thống mạng lõi, cáp quang quốc gia và trung tâm dữ liệu lớn.
Với mạng lưới rộng khắp, nguồn nhân lực kỹ thuật cao và năng lực đầu tư lớn – điển hình như Viettel hiện đã vươn ra nhiều thị trường quốc tế và làm chủ nhiều công nghệ lõi – các doanh nghiệp này hoàn toàn có thể trở thành đối tác trong chuỗi giá trị Internet vệ tinh, thay vì chỉ đóng vai trò bị cạnh tranh.
Trước sự hiện diện của Starlink, phản ứng từ các nhà mạng nội địa được cho là thận trọng nhưng không thụ động. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ vệ tinh riêng hoặc lên kế hoạch hợp tác với đối tác nước ngoài để phát triển mạng lưới kết nối không phụ thuộc hoàn toàn vào hạ tầng mặt đất. “Starlink có thể là áp lực, nhưng cũng là cơ hội để nhà mạng Việt tái cấu trúc, chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ sang nhà điều phối nền tảng số toàn diện hơn”, PGS.TS Hà Duyên Trung nhận định.


Internet vệ tinh có thể hỗ trợ triển khai các dịch vụ y tế từ xa, kinh tế biển và an ninh – quốc phòng cho Việt Nam
Sự xuất hiện của Starlink không chỉ là thách thức công nghệ, mà là phép thử chiến lược cho toàn bộ hệ sinh thái viễn thông Việt Nam. Nguy cơ “lấn át” là có thật, nhưng không diễn ra ồ ạt – mà âm thầm, bắt đầu từ những phân khúc có giá trị cao: vùng sâu vùng xa, khu công nghiệp, người dùng cao cấp thành thị.
Chiến lược của Starlink là đơn giản hóa hạ tầng, phủ nhanh, nhắm đúng phân khúc có khả năng chi trả. Họ không cạnh tranh toàn diện, mà len vào những “khe hở” của hệ thống hiện hữu.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần một chiến lược “kiểm soát mềm” – vừa mở cửa đón công nghệ mới, vừa bảo vệ lợi ích dài hạn, đảm bảo chủ quyền số và duy trì năng lực hạ tầng nội địa.
Các nhà mạng Việt có ưu thế lớn về hạ tầng, nhân lực, dữ liệu và uy tín hệ thống. Nhưng để giữ vị thế, họ không thể chỉ làm viễn thông truyền thống. Họ cần bước vào chuỗi giá trị mới: vệ tinh nhỏ, trung tâm dữ liệu, AI, điện toán biên – thậm chí hợp tác với Starlink để cung cấp dịch vụ tích hợp.
PGS.TS Hà Duyên Trung đề xuất: “Việt Nam cần xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho Internet vệ tinh, yêu cầu định tuyến trong nước, chia sẻ dữ liệu với cơ quan quản lý và chuyển giao một phần công nghệ. Đồng thời nên hướng tới mô hình hợp tác công–tư, nơi Starlink đóng vai trò hạ tầng, còn nhà mạng Việt trực tiếp vận hành dịch vụ”.
Kịch bản tối ưu không phải là chọn bên, mà là “phân vai”: Starlink cung cấp kết nối vệ tinh, nhà mạng nội địa cung cấp dịch vụ cuối cùng, Nhà nước giữ vai trò trung gian kiến tạo – hài hòa lợi ích kinh tế, chủ quyền số và công bằng kết nối.
Internet vệ tinh là xu hướng tất yếu, nhưng tương lai hạ tầng số Việt Nam vẫn phải do chính Việt Nam viết kịch bản – không chỉ bằng công nghệ, mà bằng chiến lược.
Mời quý độc giả xem video: Elon Musk tung ảnh ôm hôn “vợ robot”: Giật mình trí tuệ nhân tạo. Video do Báo Tri thức & Cuộc sống thực hiện.