Starbucks không chỉ bán cafe, họ kinh doanh môi trường uống cafe

Các diễn giả tại buổi ra mắt sách 'Mô hình kinh doanh chiến thắng' đồng quan điểm rằng sản phẩm tốt là chưa đủ, mô hình kinh doanh độc đáo là chìa khóa để doanh nghiệp phát triển.

Những trăn trở này của giới doanh nhân đã phần nào được giải đáp tại buổi giao lưu ra mắt sách Mô hình kinh doanh chiến thắng của tác giả Lâm Bình Bảo tổ chức sáng 18/5 tại Đường sách TP.HCM, với sự tham gia của ông Lâm Minh Chánh (Chủ tịch Học viện Kinh doanh & Tài chính BizUni) và TS Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch Thái Hà Books).

 Từ trái qua các diễn giả: Lâm Minh Chánh, Lâm Bình Bảo, Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: THB.

Từ trái qua các diễn giả: Lâm Minh Chánh, Lâm Bình Bảo, Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: THB.

Vượt bẫy cạnh tranh: Tư duy lại mô hình kinh doanh thời đại mới

Lý giải tại sao doanh nghiệp cần tập trung vào mô hình kinh doanh thay vì chỉ cạnh tranh bằng sản phẩm hay giá cả, tác giả Lâm Bình Bảo chia sẻ: “Kinh doanh bằng sản phẩm là loại kinh doanh thế giới đã làm từ lâu. Từ những năm 1980 - 1990, cứ có sản phẩm tốt là có khả năng thành công. Nhưng hiện tại, thế giới đã thay đổi khi có quá nhiều sản phẩm với chất lượng tốt tương tự nhau. Sản phẩm bây giờ không còn nhiều sự khác biệt nữa vì rất dễ bị bắt chước. Một cây đũa, ví như một sản phẩm đơn lẻ, rất dễ bị bẻ gãy. Nhưng một bó đũa, thể hiện qua một mô hình kinh doanh được thiết kế tốt, mới là thứ tạo nên sức mạnh thực sự”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lâm Minh Chánh cũng chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp vẫn còn loay hoay với ba con đường truyền thống trên thương trường là: kiến tạo tính độc đáo cho sản phẩm, đặt ra mức giá cạnh tranh hoặc cố tìm tòi những thị trường ngách. Nhưng thực tế cho thấy, có những doanh nghiệp đi chệch cả ba hướng trên vẫn thành công nhờ sở hữu mô hình kinh doanh ưu việt.

Ông Chánh cho rằng một điểm yếu mà nhiều doanh nghiệp Việt có thể mắc phải là “thiếu sự lãng mạn, thiếu trí tưởng tượng” trong việc kiến tạo mô hình kinh doanh. Lấy ví dụ, ông nhận định rằng Starbucks không chỉ bán cà phê mà thực chất là “kinh doanh môi trường để khách hàng uống cà phê”. Điều đó thể hiện rõ qua ứng dụng tích điểm của Starbucks - theo ông cũng là mô hình kinh doanh thông minh, giúp tăng doanh số hiệu quả.

 Sách Mô hình kinh doanh chiến thắng. Ảnh: THB.

Sách Mô hình kinh doanh chiến thắng. Ảnh: THB.

Từ nhận diện điểm yếu đến xây dựng lợi thế bền vững

Đối với những điểm yếu mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải, tác giả Lâm Bình Bảo đã đúc kết ngắn gọn qua “4 chữ L”: Linh hoạt (linh hoạt thái quá gây ra thiếu nhất quán, mang tính đối phó ngắn hạn), Liều lĩnh (dễ trở thành liều mạng), Lì lợm (có thể biến tướng thành cố chấp nếu giữ cái tôi quá cao, không chịu thừa nhận thất bại), và Lộn xộn - điểm yếu lớn nhất nảy sinh từ việc thiếu tư duy hệ thống lẫn tầm nhìn dài hạn. Ông cho rằng có thể lịch sử chiến tranh kéo dài đã ảnh hưởng đến tư duy ngắn hạn của người Việt; tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đòi hỏi doanh nghiệp phải học hỏi tư duy hệ thống để phát triển bền vững như các nước tiên tiến.

Theo ông Lâm Bình Bảo, một trong những chìa khóa để thay đổi là nhận diện đúng động lực. Ông chia sẻ: “Chúng ta thường không muốn thay đổi là vì còn hờ hững. Sự hờ hững đó có thể đến từ việc đã thỏa mãn, đã hài lòng, nhưng sâu xa hơn là từ sự vô minh, không biết rằng có những cơ hội tốt hơn, cũng không lường trước được hậu quả nào sẽ xảy ra nếu không thay đổi. Khi đủ đau hoặc đủ tầm nhìn, doanh nghiệp mới chủ động đi tìm giải pháp”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng cạnh tranh bằng sản phẩm hay giá cả rất dễ bị sao chép nên doanh nghiệp cần tập trung vào việc cung cấp giải pháp thực sự cho khách hàng - vốn là một bài học rút ra từ câu chuyện “bán tủ lạnh cho người Eskimo” khi cái được bán ở đây không phải là chiếc tủ lạnh, mà là giải pháp lưu trữ thức ăn.

Buổi giao lưu đã làm nổi bật thông điệp cốt lõi: chìa khóa để doanh nghiệp không chỉ tồn tại mà còn “chiến thắng” nằm ở việc xây dựng một mô hình kinh doanh độc đáo. Cuốn sách Mô hình kinh doanh chiến thắng kỳ vọng giúp doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng ở tầng sâu hơn, và từ đó kiến tạo những lợi thế bền vững, tự tin chinh phục nhiều đại dương tiềm năng.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/starbucks-khong-chi-ban-cafe-ho-kinh-doanh-moi-truong-uong-cafe-post1554265.html
Zalo