'Sốt ruột' chờ trung tâm chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL

Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại thành phố Cần Thơ được kỳ vọng tạo đột phá cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, việc hình thành trung tâm này quá chậm khiến không ít người phải... sốt ruột.

Sốt ruột chờ hình thành trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Sốt ruột chờ hình thành trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục trong năm 2024 khi đạt kim ngạch xuất khẩu 62,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu đạt 17,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 46,8% so với năm ngoái. Dù lập kỷ lục, nhưng ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là câu chuyện liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ...

Liên kết sản xuất, chế biến còn hạn chế

ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước khi chiếm khoảng 50% sản lượng lúa cả nước; 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản; 70% lượng trái cây. Đây là những con số ấn tượng, có đóng góp rất quan trọng cho thành quả xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp trong năm 2024 như đã nêu ở trên.

ĐBSCL cũng là nơi đi đầu trong xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Trong đó, mô hình cánh đồng mẫu lớn được phát động từ cách đây hơn 10 năm và mô hình 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đang triển khai thực hiện.

Đơn cử, với mô hình 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, vụ hè thu 2024, 7 mô hình thí điểm ở ĐBSCL đạt kết quả rất tích cực, trong đó, giúp giảm 20-30% chi phí vật tư đầu vào; tăng 10% năng suất; tăng thu nhập 20-25% so với mô hình canh tác truyền thống. Đặc biệt, mô hình thí điểm cho thấy việc áp dụng quy trình canh tác của đề án giúp giảm 5-6 tấn khí CO2 mỗi héc ta.

Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ của ngành nông nghiệp vẫn tồn tại rất nhiều thách thức, nhất là tính bền vững trong liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ giữa doanh nghiệp với người nông dân.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tại một hội nghị gần đây ở thành phố Cần Thơ đã thừa nhận, mối liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân thiếu bền vững, khiến mô hình cánh đồng mẫu lớn không phát triển được.

Thậm chí, với mô hình 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, lý thuyết thấy rất dễ thực hiện, nhưng đánh giá kỹ thì thấy khó, bởi không đồng bộ giữa quản lý, quản trị và vấn đề chính sách. “Cần phân chia rõ ràng công việc và lợi ích của các bên tham gia, bao gồm doanh nghiệp, nông dân, các nhà hoạch định chính sách và chỉ đạo từ phía quản lý nhà nước”, ông kiến nghị.

Theo chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, các địa phương tham gia đề án cần có “nhạc trưởng” để chỉ đạo chung. Trong đó, doanh nghiệp tham gia có sự phân vai rõ ràng, bao gồm vật tư nông nghiệp, giống, mua bán, chế biến, xuất khẩu… như vậy việc thực hiện sẽ nhanh hơn. “Phải có nhạc trưởng mới dẫn dắt, chứ doanh nghiệp như chúng tôi tôi, lcó làm cũng lòng vòng mãi không ra”, ông nói.

Trong khi đó, về chế biến, đa phần sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chỉ dừng lại ở xuất khẩu sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp. Trong đó, với ngành thủy sản, dù được đánh giá là ngành hàng có hàm lượng chế biến cao trong nhóm ngành nông nghiệp, nhưng tỷ lệ sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao cũng chỉ chiếm 20-30% trong tổng sản phẩm xuất khẩu hàng năm.

Còn với ngành cây ăn trái cây, đáng chú ý nhất là trái sầu riêng, dù lập kỳ tích về kim ngạch xuất khẩu (10 tháng đầu năm đạt trên 3 tỉ đô la Mỹ), nhưng sản phẩm xuất khẩu cũng chỉ dừng lại ở dạng tươi, đông lạnh hoặc sấy, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu.

Trong khi đó, với ngành hàng lúa gạo, dù đã có một số đơn vị tham gia vào phân khúc sau gạo như chế biến thành bánh, bún, phở… Thế nhưng, nếu so với tổng thể của ngành hàng này, thì sản phẩm chế biến sau gạo vẫn còn quá ít so với con số xuất khẩu gần 9 triệu tấn trong năm 2024.

Sơ đồ Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ. Ảnh chụp màn hình: Trung Chánh

Sơ đồ Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ. Ảnh chụp màn hình: Trung Chánh

Cần có KPI để hoàn thành

Từ những hạn chế đang tồn tại trong ngành nông nghiệp, việc hình thành Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ kỳ vọng sẽ hình thành được đầu mối của các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông minh cho toàn vùng.

Theo đó, trong ngắn hạn đến năm 2025, hình thành một trung tâm với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ”; thu hút đầu tư cho chế biến sâu các sản phẩm thủy sản, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trong đó, chú trọng sản phẩm giá trị gia tăng để tăng giá trị xuất khẩu.

Song song đó, sẽ phát triển công nghệ chế biến, bảo quản của các nhà máy để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp gắn với vùng chuyên canh và các trung tâm dịch vụ hậu cần để kết nối ra thị trường (bao bì, nhãn mác, đóng gói, vận chuyển, thanh toán, tài chính...); nghiên cứu ứng dụng các công nghệ bảo quản, phát triển chuỗi lạnh, đầu tư hệ thống vận chuyển, hậu cần nhanh chóng và thuận tiện; xây dựng các trung tâm một cửa kiểm dịch thực vật và kiểm tra chất lượng hài hòa và được công nhận tương đương với các nước nhập khẩu.

Đồng thời, hoàn thành các hạng mục cơ bản phục vụ xuất khẩu nông sản vùng ĐBSCL qua các cửa khẩu Cần Thơ, bao gồm hệ thống các kho lạnh, kho ngoại quan, ICD, hệ thống logistics phục vụ xuất khẩu qua đường hàng không và đường biển…

Mục tiêu kỳ vọng đặt ra, nếu hoàn thành sẽ là động lực rất lớn đưa ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung phát triển.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh ĐBSCL cho biết, hiểu một cách đơn giản, trung tâm như một khu công nghiệp tập trung được nhà nước ưu tiên đầu tư phục vụ phát triển ngành nông nghiệp. “Điều này có nghĩa, doanh nghiệp vào khu đó sẽ được ưu tiên ở mức cao nhất, tạo sức hấp dẫn rất lớn với doanh nghiệp, thay vì phải đầu tư rời rạc bên ngoài”, ông cho biết.

Ngoài ra, hạ tầng tại trung tâm này sẽ được đầu tư đồng bộ, tức không chỉ đặt nhà máy, mà sẽ tập trung tất cả các dịch vụ liên quan, giúp doanh nghiệp xuất khẩu được ngay khi hàng hóa ra khỏi trung tâm. Nó vừa là khu công nghiệp vừa là khu logistics, tổng hợp lại với nhau tạo thành cái HUB rất lớn.

Tiềm năng tạo đột phá cho ngành nông nghiệp là rất lớn, nhưng việc triển khai thực hiện khá chậm khiến không ít người phải sốt ruột. “Phải mất đến ba năm để xây dựng một cái đề án trên thủ tục hành chính, thì tôi rất lo lắng về khả năng trong 2-3 năm tới ra được một cái trung tâm”, ông Lam tỏ ra sốt ruột.

Trong khi đó, đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV cho rằng, việc thành lập trung tâm lẽ ra phải được thực hiện từ lâu, bởi điều này sẽ giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển nhanh hơn, bao gồm cả lĩnh vực nghiên sản xuất, chế biến và ứng dụng công nghệ mới…

Câu hỏi được đặt ra, đó là làm sao để đẩy nhanh hình thành trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL?

Theo vị giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL, hiện đề án đã trình Chính phủ, trong khi đây là vấn đề được Trung ương quan tâm, cho nên, sẽ sớm được phê duyệt. “Nhưng phê duyệt xong, câu chuyện đền bù, giải tỏa nguồn lực ở đâu? Chính phủ hỗ trợ hay chính quyền địa phương phát hành trái phiếu hoặc huy động nguồn lực từ dân doanh?”, ông Lam đặt câu hỏi và cho rằng, khi đền bù xong, đơn vị nào sẽ thực hiện…

Từ những vấn đề cần giải quyết như nêu trên, theo ông Lam, cơ quan chuyên môn cần phải quyết tâm, thậm chí phải đặt ra chỉ tiêu hoàn thành giống như Thủ tướng Chính phủ giao tiến độ hoàn các dự án cao tốc. “Bộ máy phải làm việc ngày đêm để cho ra được”, ông Lam nhấn mạnh.

Song song đó, cần có sự phân vai rõ ràng cho các cơ quan chuyên môn, bao gồm quảng bá, tiếp xúc mời gọi đầu tư… “Phải có sự phân công trách nhiệm, tiến độ thực hiện rõ ràng cho các đơn vị liên quan bằng KPI, tức thời gian nào bắt đầu, thời gian nào hoàn thành, ai làm nhiệm vụ gì? Chứ nói chung chung hay dừng lại ở khẩu hiệu, thì không ra được kết quả”, ông gợi ý.

Vị Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL kỳ vọng tăng trưởng của thành phố Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung sẽ khác nếu hình thành dược trung tâm nêu trên. Khi đó, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn. “Vấn đề là bộ máy điều hành để triển khai, chứ chủ trương đã có hết rồi”, ông tái nhấn mạnh.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/sot-ruot-cho-trung-tam-che-bien-tieu-thu-nong-san-dbscl/
Zalo