Sông Sài Gòn, biểu tượng không thể thiếu của TP.HCM
Sông Sài Gòn là trục phát triển bền vững, hướng về Cần Giờ hình thành trục kinh tế biển tạo động lực bứt phá cho kinh tế.
Mới đây, tại buổi lễ khởi công cầu đi bộ trên sông Sài Gòn, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết sông Sài Gòn là một phần của ký ức lịch sử hơn 300 năm của TP và vẫn đang tiếp tục là một minh chứng cùng thời gian, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, khát vọng vươn lên không ngừng của Sài Gòn - TP.HCM.
Thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực để “hồi sinh” sông Sài Gòn nhằm đưa dòng sông này phát triển xứng tầm. Cạnh đó, TP.HCM cũng xác định chiến lược sông Sài Gòn là trục phát triển bền vững, sinh thái, hướng về Cần Giờ hình thành trục kinh tế biển tạo động lực bứt phá cho kinh tế.
Nhân dịp này, Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư (TSKH-KTS) Ngô Viết Nam Sơn để hiểu rõ hơn về tiến trình 50 năm phát triển của dòng sông.

TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn.
50 năm song hành cùng sự phát triển của Sài Gòn - TP.HCM
. Phóng viên: Khi cả nước đang hướng đến kỉ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là 50 năm sông Sài Gòn tồn tại và phát triển trong thời bình, nhìn lại tiến trình đó, ông có cảm xúc, suy nghĩ gì, thưa ông?
+ TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn: TP.HCM ngày càng phát triển mạnh mẽ, và đặc biệt chú trọng phát triển không gian ven sông Sài Gòn phục vụ nhu cầu của người dân. Đây là một xu hướng quan trọng trong tiến trình đô thị hóa.
Vào thời kỳ trước, khi bắt đầu quy hoạch Sài Gòn vào thế kỷ 19, không gian cảng sông Sài Gòn và các bến thuyền dọc theo các rạch Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cũng như các tuyến đường như Nguyễn Huệ, Hàm Nghi ngày nay, thực chất là những con kênh dẫn sâu vào nội thành. Điều này cho thấy Sài Gòn từ xưa đã là một đô thị sông nước với hệ thống kênh rạch phong phú.
Đến trước 1975, sự phát triển của Sài Gòn chủ yếu tập trung ở bờ Tây sông Sài Gòn. Còn đô thị ở phía bờ Đông sông ít được phát triển, mặc dù cũng có một số kế hoạch. Do đó, trong giai đoạn này, sông Sài Gòn chủ yếu phục vụ giao thông thủy và các công trình kiến trúc hai bên sông không được xây dựng nhiều.

Sông Sài Gòn chảy qua TP.HCM dài 80 km. Ảnh: NHƯ NGỌC
Sau khi hòa bình trở lại, từ 1975 đến trước khi đổi mới, việc phát triển sông Sài Gòn giai đoạn này chủ yếu tập trung vào việc củng cố và tiếp nối những thành quả phát triển đã đạt được trước đó.
Từ giai đoạn đổi mới 1990 trở đi, bắt đầu có những dự án lớn ven sông, tuy nhiên, hầu hết vẫn ở mức nhỏ lẻ. Dự án đáng chú ý nhất là khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), gắn với quy hoạch Nam Sài Gòn, cùng với sự phát triển của cảng Cát Lái gắn liền với khu công nghiệp...
Từ giai đoạn 2003-2021, chứng kiến sự ra đời của những dự án lớn hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận trong giai đoạn này mang tính cục bộ. Các dự án phát triển độc lập, thiếu sự kết nối, thiếu đồng bộ và thiếu quy hoạch nhất quán.
Các dự án lớn trong giai đoạn này chủ yếu khai thác không gian ven sông cho lợi ích riêng của từng dự án, chưa có tư duy phục vụ không gian công cộng cho toàn thành phố. Điều này khiến việc kết nối các không gian ven sông thành một mạng lưới công cộng, một đường giao thông liên thông gặp nhiều khó khăn.
Dù có sự quan tâm đến phát triển ven sông, nhưng những nỗ lực này vẫn thiếu sự liên kết và tầm nhìn dài hạn, dẫn đến những bế tắc trong việc tạo ra một không gian công cộng liên hoàn.

Hành lang ven sông Sài Gòn còn nhiều tiềm năng khai thác. Ảnh: NHƯ NGỌC
Sự quan tâm thực sự đến việc phát triển xứng tầm hai bờ sông Sài Gòn chỉ bắt đầu từ năm 2022, khi TP làm lại quy hoạch theo tư duy tích hợp, tuân thủ Luật Quy hoạch 2017. Đây là thời điểm quan trọng khi Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, và từ đó, vấn đề quy hoạch không gian ven sông Sài Gòn mới được đặt ra một cách nghiêm túc.
.Từng sinh sống, làm việc ở nước ngoài thời gian dài, khi trở về Việt Nam và nhìn thấy dòng sông Sài Gòn, ông có nhận xét gì về dòng sông này so với những dòng sông ở các đô thị tiên tiến trên thế giới?
+ Tôi nhận thấy rằng tiến trình phát triển của sông Sài Gòn không nhanh như chúng ta mong đợi, nhưng gần đây, với mỗi bước đi, TP đang ngày càng đi đúng hướng. Đó là một tín hiệu tích cực, và tôi kỳ vọng rằng khi quy hoạch được phê duyệt, sẽ có một cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai việc chỉnh trang khu vực ven sông một cách bài bản.
Mục tiêu là biến không gian ven sông thành "phòng khách đô thị" của TP.HCM, không chỉ phục vụ cho hơn 10 triệu dân mà còn trở thành không gian xanh, nơi sẽ xuất hiện những công trình biểu tượng, phản ánh đẳng cấp và sự phát triển bền vững của TP.
Đây là một kỳ vọng lớn, nhưng trước mắt là thử thách không nhỏ. Để thực hiện quy hoạch lại sông Sài Gòn xứng tầm với một siêu đô thị, chúng ta cần một bản quy hoạch đồng bộ.
Đặc biệt, hành lang xanh bảo vệ ven sông, với mỗi bên ít nhất 50 m, sẽ trở thành kho báu của TP, mang lại không chỉ không gian thư giãn mà còn là điểm tựa cho những dự án quy hoạch đô thị bền vững.

Tôi đã có nhiều năm sống và làm việc ở nhiều quốc gia như Bắc Mỹ, Canada, Trung Quốc, Philippines, Singapore… các đô thị tiên tiến trên thế giới luôn gắn liền với văn hóa phát triển hai bên sông. Chẳng hạn, sông Seine ở Paris là một trục cảnh quan không thể thiếu của thành phố này, hay sông Thames ở London, hay sông Hoàng Phố ở Thượng Hải – tất cả đều là những ví dụ điển hình.
Và giờ đây, sông Sài Gòn cũng đang trên con đường trở thành biểu tượng không thể thiếu của TP.HCM.
Để sông Sài Gòn phát triển xứng tầm
.Thời gian qua, từng đoạn sông Sài Gòn dần lộ rõ hình hài, những kế hoạch mới dài hơi hơn đã được phê duyệt, những ý tưởng đề xuất táo bạo cũng ra đời,… Theo ông, trong tương lai, TP.HCM nên đón nhận các ý tưởng và tập trung vào điều gì để sông Sài Gòn phát triển xứng tầm?
+ Sông Sài Gòn, xét về tổng quan, hiểu nôm na là một dải nước vươn dài từ Hồ Dầu Tiếng, xuyên qua TP.HCM, và đổ ra cửa biển Cần Giờ. Với chiều dài ấy, sông không chỉ đơn giản là một dòng chảy, mà là mạch sống của TP, đòi hỏi một định hướng phát triển rõ ràng và bền vững.
Một mặt, chúng ta cần bảo vệ nguồn nước đầu nguồn; mặt khác, con sông phải được kết nối mạnh mẽ với biển cả, tạo tiền đề cho giao thương quốc tế và phát triển kinh tế.
Với một đoạn sông dài như vậy, việc xây dựng một định hướng chung cho toàn tuyến là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa. Cần phải có một chiến lược tổng thể, bao gồm định hướng về hành lang xanh bảo vệ sông, bảo vệ chất lượng nguồn nước sạch.
Đồng thời, cần thiết kế một hệ thống giao thông thủy xuyên suốt sông, không chỉ thuận tiện mà còn đảm bảo sự kết nối liền mạch giữa các khu vực ven sông. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các hạ tầng trọng điểm như cảng, khu vực tàu thuyền, các điểm nhấn đô thị cũng cần được xem xét đồng bộ.

Giá trị xanh hai bên bờ sông cần được giữ gìn. Ảnh: NHƯ NGỌC
Thứ nhất, giá trị xanh của không gian này phải được bảo vệ và gìn giữ. Việc thiết lập hành lang xanh bảo vệ sông là điều kiện tiên quyết.
Thứ hai, việc tổ chức lại giao thông thủy trên sông cũng cần được quy hoạch một cách đồng bộ. Các công trình như tàu thuyền, cầu cống, bến tàu phải được tích hợp vào quy hoạch chung. Các cầu phải được bố trí hợp lý, tính toán đến độ tĩnh không.
Cùng với đó, không gian dọc theo tuyến từ Hồ Dầu Tiếng xuống TP.HCM sẽ là nơi phát triển nhiều cụm dự án tiềm năng.
Đoạn sông đi qua khu vực nội thành là một thách thức lớn. Một trong những giải pháp quan trọng là bổ sung giao thông bộ dọc hai bên bờ sông.
Cần xây dựng hai tuyến đường: Một là tuyến đường cảnh quan ven sông, sát bờ sông, dành cho người đi bộ và xe đạp, với tốc độ chậm và không cần quá rộng; tuyến này hiện nay còn đứt khúc và cần được liên thông để người dân có thể di chuyển xuyên suốt mà không gặp trở ngại.
Cần thiết xây dựng các tuyến đường ven sông. Ảnh: NHƯ NGỌC
Cạnh đó là đại lộ ven sông, một tuyến đường tốc độ cao nằm cách bờ sông khoảng 300-400 m, phục vụ cho giao thông tốc độ cao. Đoạn đại lộ này hiện nay chưa được hình thành, nhưng cần được lưu ý trong quy hoạch, vì đây sẽ là yếu tố cốt lõi hỗ trợ cho sự phát triển của không gian ven sông.
- TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn -
Thứ ba, việc xây dựng hồ sơ quy hoạch cho các khu vực nội thành tiềm năng là rất quan trọng, và một trong những cách tiếp cận hiệu quả là lấy ranh giới cách bờ sông khoảng 1.200 m, tương đương với khoảng 15 phút đi bộ.
Trong khu vực này, chúng ta cần xác định rõ ràng các công trình hiện hữu, đánh giá những công trình có giá trị lịch sử và văn hóa để bảo tồn, đồng thời cũng cần xác định các khu vực có quỹ đất tiềm năng có thể phát triển các dự án mới. Những khu vực đã xuống cấp hoặc lụp xụp cần được lên kế hoạch chỉnh trang.
Xin cảm ơn ông!
Sông Sài Gòn dài 256 km, bắt đầu từ Bình Phước, sau đó qua Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM. Đoạn sông chảy qua TP.HCM dài khoảng 80 km.
Tuy nhiên, quá trình phát triển hành lang bờ sông được đánh giá chưa đồng bộ, hạn chế tiềm năng khai thác. TP.HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn 2060, sông Sài Gòn được xác định là trung tâm và điểm nhấn trong quy hoạch này.