Sòng phẳng với chủ thẻ
Thông tin chủ thẻ tín dụng xài 8,5 triệu đồng rồi gần 11 năm sau được ngân hàng (NH) thông báo nợ hơn 8,8 tỉ đồng.
Và gần nhất là việc một số NH thu phí SMS Banking, phí quản lý tài khoản… dù số dư tài khoản của khách hàng về 0 đồng từ lâu, cho thấy cần thay đổi chính sách dịch vụ để sòng phẳng hơn.
Trong khoảng chục năm nay, các NH thương mại vẫn chủ yếu tập trung đẩy mạnh vốn tín dụng, lãi thuần có tỉ trọng chính đến từ cho vay các phân khúc, trong khi mảng dịch vụ, nhất là đối với khách hàng cá nhân, dường như chỉ phát triển theo chiều rộng, chưa chú trọng vào chiều sâu. Tỉ trọng thu từ dịch vụ trong tổng doanh thu của nhiều NH còn khiêm tốn so với thu từ vốn tín dụng.
Với nguồn thu dịch vụ, các NH cũng đang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ ATM. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tình trạng cán bộ, nhân viên NH chạy đua chỉ tiêu phát hành thẻ mà không chú trọng chất lượng dịch vụ, không chăm sóc, tư vấn kỹ lưỡng cho khách hàng. Không ít thẻ phát hành nhưng không sử dụng hoặc chỉ phát hành xong, kích hoạt, tính chỉ tiêu và… để đó.
Tới khi có sự vụ chủ thẻ tín dụng "bỗng dưng" bị báo nợ hơn 8,8 tỉ đồng sau gần 11 năm, nhiều người mới tá hỏa đi kiểm tra lại các thẻ thanh toán, thẻ tín dụng đã phát hành và… tốn phí. Nếu cán bộ, nhân viên NH chỉ phát hành thẻ đúng cho các đối tượng cần và sử dụng thường xuyên thì sẽ không có tình trạng một người có 5 - 7 thẻ, thậm chí gần chục thẻ các loại mà không biết thẻ nào hoạt động, thẻ nào không?
Ngay với câu chuyện nhiều chủ thẻ ATM của Eximbank bị báo nợ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng phí SMS Banking, phí quản lý tài khoản… sau thời gian dài không sử dụng, số dư tài khoản về 0 đồng, cũng chưa hợp lý. Chính sách thu phí và quy định các mức phí, thậm chí có đề cập trong hợp đồng sử dụng dịch vụ ban đầu giữa NH và chủ thẻ là không sai. Nhưng một thời gian dài, sau 12 tháng chủ thẻ không sử dụng, không phát sinh giao dịch, số dư bằng 0 nhưng NH cũng không thông báo cho khách qua các kênh SMS Banking, email, app… mà chủ thẻ chỉ biết khi đi đóng tài khoản là không sòng phẳng.
Với chủ thẻ là công nhân, người lao động ở nhiều doanh nghiệp, vài năm sẽ đổi thẻ ATM nhận lương ở một NH khác nhau, tùy theo chính sách hợp tác, liên kết giữa NH và doanh nghiệp. Sau đó, nếu NH không thông báo hằng năm hoặc có chính sách "đóng băng" tài khoản, khóa tạm thời để không ghi nợ thêm phí, mà vẫn đều đặn ghi nợ phí hằng năm cho tài khoản đã ngừng sử dụng… là không ổn.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển hiện tại, không khó để các NH sàng lọc, theo dõi những tài khoản nào phát sinh giao dịch, tài khoản nào đang "ngủ đông". Vì vậy, bản thân các NH cũng cần có chính sách kiểm soát, quản lý lượng tài khoản "rác"-tài khoản mở nhưng không sử dụng hoặc 6 - 12 tháng không phát sinh giao dịch. Điều này cũng tránh việc khi mời mở thẻ, mở tài khoản thì cán bộ, nhân viên nhiệt tình nhưng khi tài khoản ngưng sử dụng một thời gian thì vắng bóng liên lạc và "âm thầm" ghi nợ để thu phí.
Theo Thái Phương ghi (NLĐO)
Xem link nguồn