Sông nào ở Việt Nam chảy qua một thành phố duy nhất?

Con sông này bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, chảy qua một thành phố duy nhất trước khi đổ ra biển.

1. Con sông nào sau đây chảy qua một thành phố duy nhất?

Sông Lạng
Sông Nho Quế
Sông Hương
Sông Lam

Chính xác

Sông Hương có hai nguồn chính đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn, chảy quanh co và vắt ngang giữa TP Huế, kéo dài tới phá Tam Giang. Trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”.

2. Sông Hương đổ ra biển cửa sông nào?

Cửa Lạch Trường
Cửa Thuận An
Cửa Ba Lai
Cửa Nhật Lệ

Chính xác

Sông Hương chảy quanh co qua hai mặt của kinh thành Huế, sau đó hội lưu với sông Bồ tại ngã ba Sình trước khi đổ ra phá Tam Giang. Sông Hương chảy ra biển ở cửa Thuận An.

Thời kỳ phong kiến, kinh thành Huế có hệ thống đồn bốt dày đặc, thiết lập ngay từ cửa Thuận An. Vì vậy, dù gần biển, kinh thành rất khó bị tấn công bởi thủy quân của đối phương.

3. Kinh thành Huế nằm ở phía nào so với sông Hương?

Tả ngạn
Hữu ngạn

Chính xác

Kinh thành Huế được xây dựng trên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam, diện tích khoảng 520ha. Nếu xét theo hướng chảy của sông Hương đổ ra biển, kinh thành nằm ở bờ bên trái (tả ngạn) của sông.

4. Ngoài cầu Trường Tiền, cây cầu nào sau đây cũng nằm ở phía Nam kinh thành Huế và bắc qua sông Hương?

Cầu Gia Hội
Cầu Đông Ba
Cầu Phú Xuân
Cầu Đập Đá

Chính xác

Mặt chính diện của kinh thành Huế quay về hướng Nam và đối diện sông Hương. Ngoài cầu Trường Tiền, mặt này có 2 cây cầu khác bắc qua gồm cầu Phú Xuân và cầu Dã Viên.

Trong đó, Phú Xuân chính là tên gọi cũ của cố đô Huế, Dã Viên là tên một trong hai hòn đảo nhỏ trên sông Hương, nằm gần kinh thành. Hai hòn đảo Cồn Hến và Cồn Dã Viên tạo thành thế rồng chầu hổ phục trong phong thủy, giúp bảo vệ kinh thành Huế.

5. Tên nào sau đây không phải tên gọi khác của sông Hương?

Sông Yên Lục
Sông Linh Giang
Sông Thơm
Sông Truồi

Chính xác

Sông Hương có nhiều tên gọi khác như sông Hương Trà, sông Thơm, sông Linh Giang, sông Lô Dung, sông Yên Lục… Theo một số tài liệu, người xưa cho rằng nước sông có mùi hương rất đặt biệt, nên thường gọi sông với tên Hương hoặc Thơm.

Còn theo cụ Vân Bình Tôn Thất Lương (1887-1951), một thành viên hoàng tộc triều Nguyễn, tác giả của Hương Giang hành, cho rằng hai bên sông Hương có nhiều cây Thạch Xương Bồ. Đây là một loại thuốc quý và tạo nên mùi thơm cho nước sông.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/song-nao-o-viet-nam-chay-qua-mot-thanh-pho-duy-nhat-2172540.html
Zalo