Sông Mã - Hàm Rồng: 'Máu và hoa' (Bài 3): Mảnh đất 'Nở hoa'

Chúng tôi trở lại mảnh đất Hàm Rồng vào những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 lịch sử. Nơi quảng trường Hàm Rồng lộng gió, những người công nhân đang miệt mài tô điểm cho không gian thêm đẹp với những luống hoa đủ màu sắc. Những tấm bảng biển giới thiệu về Hàm Rồng rực lửa một thời được đặt ở vị trí trang trọng nhằm tạo thuận lợi cho Nhân dân, du khách tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Hàm Rồng trong chiến tranh và trong thời bình. Từ trong bom đạn của chiến tranh, Hàm Rồng hôm nay rực rỡ đổi mới, phát huy tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, lịch sử văn hóa để trở nên phát triển bền vững.

Các em học sinh tham quan, trải nghiệm tại di tích Đồi C4, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng.

Các em học sinh tham quan, trải nghiệm tại di tích Đồi C4, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng.

Nơi Hàm Rồng lộng gió

Bước chân chậm rãi, chúng tôi lên thăm Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa được xây dựng trên đồi Cánh Tiên thuộc phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), từ trên cao phóng tầm mắt ra xa, mải miết ngắm nhìn quang cảnh Hàm Rồng nói riêng, TP Thanh Hóa nói chung hôm nay với biết bao sự đổi thay.

Có dịp trao đổi với bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng, chúng tôi được biết những năm qua, Hàm Rồng đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị lịch sử văn hóa trên địa bàn phường, trong đó thực hiện nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá về phát huy các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng và nâng cao ý thức cộng đồng trong phát triển du lịch trên địa bàn. Đảng ủy đã chỉ đạo UBND phường Hàm Rồng tuyên truyền quảng bá các di tích lịch sử, các hoạt động trong lễ hội Đền Đức Thánh Cả, “Tết xưa làng cổ”, các điểm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ chương trình “Tết xưa làng cổ” được tổ chức hằng năm vào mỗi dịp tết đến, xuân về là tiền đề và cơ sở để phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, các khu, điểm du lịch trên địa bàn, du khách trong và ngoài tỉnh đã biết đến làng cổ Đông Sơn nhiều hơn. Đồng thời, góp phần phát triển du lịch của địa phương trên cơ sở gắn với phát triển các điểm du lịch như: Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, di tích trận địa Đồi C4 anh hùng, động Tiên Sơn, chùa Đông Sơn, đền Đức Thánh Cả, đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, miếu Đệ Nhị, khu du lịch Eco-Village, cầu Hàm Rồng, nhà cổ ông Lương Trọng Duệ có tuổi đời hơn 300 năm..., thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương tham gia. Hàng năm ước tính hơn 100.000 lượt người đến với phường Hàm Rồng.

Thời gian qua, phường Hàm Rồng thực hiện chỉnh trang, sưu tầm, trưng bày lại phòng truyền thống Hàm Rồng nhằm lưu giữ, trưng bày và giới thiệu, phát huy giá trị các tư liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu về quá trình thành lập, xây dựng và trưởng thành, những thành tựu đã đạt được, những truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa qua các thời kỳ lịch sử với hơn 500 tư liệu, hình ảnh, sách báo và hiện vật; hằng năm tổ chức và đón các đoàn cựu chiến binh trong và ngoài phường; các em học sinh; các tổ chức, cá nhân về tham quan và học tập.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, được sự quan tâm lãnh đạo và tạo điều kiện của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn xã hội hóa và nguồn đầu tư của các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn, nhiều công trình trên địa bàn phường Hàm Rồng được đầu tư xây dựng và cải tạo nâng cấp, trùng tu như: công trình tu bổ trùng tu đền thờ Đức Thánh Cả Lê Uy, công trình tôn tạo mở rộng khuôn viên miếu Đệ Nhị, khu khảo cổ học, công trình cải tạo trận địa Đồi C4 anh hùng, động Long Quang, đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, cắm mốc khu di tích nhà máy điện Hàm Rồng. Các công trình đang được thi công cải tạo, sửa chữa, nâng cấp như: Tượng đài Thanh niên xung phong, hệ thống ánh sáng cầu Hàm Rồng, hệ thống đèn chiếu sáng trên đồi Quyết Thắng, hệ thống điện chiếu sáng Đại lộ Nam Sông Mã, cắm biển chỉ dẫn vào các khu di tích...

Hiện nay, chùa Đông Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng đang tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo để phục vụ Nhân dân và du khách đến tham quan du lịch. Dịch vụ du lịch du thuyền “Ngược xuôi sông Mã” đang được nhiều đoàn tham quan trải nghiệm và đánh giá cao. Hệ thống đường giao thông được đầu tư kết nối phục vụ Nhân dân và du khách thuận tiện đi lại trong Khu Di tích lịch sử Hàm Rồng. "Có thể khẳng định, các di tích đã trở thành địa chỉ của du khách đến tham quan du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, điều này có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là nâng cao ý thức cộng đồng trong phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn phường Hàm Rồng”, Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng Lê Thị Thanh chia sẻ.

60 năm ấy biết bao ân tình

Những ngày đầu tháng 4 lịch sử, Hàm Rồng càng trở nên linh thiêng hơn bởi nhiều đoàn du khách, Nhân dân về với mảnh đất văn hóa, lịch sử. Cây cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững, hiên ngang qua bao mưa bom bão đạn để chứng kiến sự đổi thay của quê hương. Nơi Đồi C4, các em học sinh với khuôn mặt ngây thơ mặc trên mình những bộ trang phục của chú bộ đội, cô dân công, bác sĩ, y tá... tái hiện lại Hàm Rồng thuở xưa với những trận chiến đấu khốc liệt, hào hùng chống lại kẻ thù xâm lược.

Quảng trường Hàm Rồng rực rỡ sắc hoa.

Quảng trường Hàm Rồng rực rỡ sắc hoa.

Công sở phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) những ngày này nhộn nhịp, rộn ràng hơn bởi các đoàn du khách ghé thăm phòng truyền thống Hàm Rồng và quảng trường Hàm Rồng và các điểm du lịch trên địa bàn nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2025). Nhiều hoạt động được tổ chức trên mảnh đất Hàm Rồng nhằm ôn lại truyền thống 60 năm “Hàm Rồng vang mãi những chiến công”, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người có công với đất nước...

Thông qua các chương trình như văn nghệ chào mừng Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng; gặp mặt tri ân cựu chiến binh, cựu dân quân và các lực lượng thường trực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tổ chức lễ hội Đền Đức Thánh Cả; tổ chức cho học sinh, Nhân dân, du khách tham quan phòng truyền thống, các điểm di tích trên địa bàn phường Hàm Rồng... góp phần tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống dân tộc, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang. Qua đó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, động viên mọi tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, thi đua học tập, lao động sản xuất, góp phần xây dựng phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung ngày một đổi mới, phát triển.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/song-ma-ham-rong-mau-va-hoa-bai-3-manh-dat-no-hoa-36442.htm
Zalo