Sông Mã - Hàm Rồng: 'Máu và hoa' (Bài 2): Những ngày khói lửa...
Trong những năm tháng vệ quốc của dân tộc, bên bờ sông Mã, nơi núi Hàm Rồng đã 'chứng kiến' hết thảy những gan dạ, anh dũng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh của người dân xứ Thanh, để cùng với Nhân dân cả nước bảo vệ toàn vẹn độc lập dân tộc.

Khu tưởng niệm giáo viên, học sinh hy sinh tại công trường đê Nam Sông Mã được khánh thành nhân Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng.
Bước vào khoảng cuối năm 1964, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở nước ta đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Không chấp nhận thất bại, kẻ xâm lược hiếu chiến lại tạo nên chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bằng cách ào ạt tăng quân viễn chinh, quân chư hầu, tiếp vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh vào miền Nam nước ta. Đồng thời mở cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc. “Đánh phá miền Bắc, đế quốc Mỹ hòng làm lung lay quyết tâm kháng chiến của ta, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc, giữ vững tinh thần ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam và khuyến khích bọn phản động ở miền Bắc”.
Để đạt mục đích, đế quốc Mỹ đã lấy sức mạnh quân sự - không quân làm lợi thế, với dã tâm “leo thang từng nấc một, vặn trái cổ tay đối phương với sức mạnh tăng dần, tăng dần cho đến khi Bắc Việt Nam đau quá phải kêu trời lên”.
Mục tiêu bắn phá miền Bắc trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” là các cây cầu, kho vũ khí, đạn dược, nhiên liệu. Và đế quốc Mỹ còn tham vọng cho rằng: “... nếu sử dụng toàn bộ lực lượng không quân ở Tây Thái Bình Dương thì chỉ trong vòng 12 ngày toàn bộ mục tiêu ấy đều sẽ bị phá hủy”.
Do vị trí địa lý và địa hình tự nhiên, các tỉnh từ Quân khu IV trở ra thành địa bàn chiến lược cho chiến lược bắn phá của kẻ địch. Đặc biệt, “nếu như Quân khu IV là quan trọng thì Thanh Hóa quan trọng nhất, bởi vì Thanh Hóa là hậu phương trực tiếp của mặt trận Bình - Trị - Thiên và Lào”.
Trên tuyến đường vận chuyển qua Thanh Hóa vào các mặt trận phía Nam thì có các trọng điểm Lèn, Hàm Rồng và Ghép. Trong đó, so với Lèn và Ghép, Hàm Rồng có vị trí đặc biệt quan trọng. Bởi ở đây tập trung cả hai tuyến đường bộ và đường sắt. Mỗi ngày, có lượng lớn phương tiện giao thông di chuyển qua lại, khối lượng hàng hóa, kho tàng và người thường xuyên tập trung đông. Ga Hàm Rồng cách ga thị xã cũng chỉ một quãng ngắn. Trong trận oanh tạc, kẻ địch chỉ cần sử dụng cùng một lực lượng không kích nhưng có thể đánh được cả hai tuyến đường bộ và đường sắt ở Hàm Rồng.
Và, “các máy bay do thám của không quân Mỹ xác định từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc. Trong đó Hàm Rồng được xem như một “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của khu vực cán xoong”... đánh phá Hàm Rồng, địch không chỉ hy vọng làm cho giao thông vận tải của ta bị bế tắc mà còn hòng làm suy yếu nền kinh tế - chính trị của một tỉnh có vai trò hậu phương rất lớn đối với nhiều chiến trường... Do đó, việc chuẩn bị đánh phá Hàm Rồng của Nhà Trắng và Lầu Năm góc được triển khai rất lớn và coi đó là mục tiêu chủ yếu của nấc thang chiến tranh phá hoại”.
Lại nói, trước đó, sau Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp nổ ra, nhằm thi hành chính sách tiêu thổ kháng chiến của Chính phủ, Nhân dân Thanh Hóa đã “đánh gục” cầu treo Hàm Rồng mà thực dân Pháp đã làm vào đầu thế kỷ XX, thay vào đó là những chuyến đò ngang nối đôi bờ sông Mã. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, việc xây cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm.
Nếu như đầu thế kỷ XX, người Pháp đã thất bại khi xây cầu trụ Hàm Rồng, để rồi phải thay thế bằng cây cầu treo thì sang đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, bằng trí tuệ, sức lực, tinh thần đoàn kết, Nhân dân ta đã thành công trong việc xây nên cây cầu mới.
Khi chiến lược “Chiến tranh cục bộ” diễn ra, Trung ương đã nhận định trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của không lực Hoa Kỳ, Hàm Rồng chắc chắn là trọng điểm. Và bằng mọi giá, quân dân ta phải bảo vệ thắng lợi cầu Hàm Rồng.
Lần giở những trang ký sự Hàm Rồng những ngày ấy của nhà văn Lê Xuân Giang và Từ Nguyên Tĩnh - những người đã từng trực tiếp chiến đấu, bảo vệ Hàm Rồng trong những ngày khói lửa lịch sử, ta cảm nhận rõ hơn: “Chiều hôm trước (ngày 2/4/1965), một chiếc máy bay Mỹ sà xuống rất thấp, bay dọc triền sông Mã, qua cầu Hàm Rồng, ra biển mà lúc ấy chưa ai biết rõ kiểu loại gì, không hề ném một quả bom nào xuống cầu Hàm Rồng. Nhưng chiến tranh đã đến với mảnh đất bình yên này, trong tiếng gầm rú tàn bạo của nó. Thế rồi, ngày hôm sau, chiến sự đã nổ ra. Đúng 8 giờ sáng, tiếng kẻng báo động bỗng rộ lên gấp gáp khác thường. Âm thanh lảnh lói của nó cứ xói mãi vào tâm can mọi người. Nó báo hiệu một điều gì đó thật thiêng liêng đang đến trong cuộc đời mỗi người ở đây... Chỉ mấy phút sau, Hàm Rồng đã nghe tiếng máy bay ì ầm phía biển dội về...”.

Mỗi một địa điểm trên đất Hàm Rồng - Nam Ngạn đều mang trong mình những dấu tích lịch sử để hậu thế nhắc nhớ, tri ân.
Ngày 3/4/1965, đế quốc Mỹ cho không quân bắn phá ồ ạt cầu Hàm Rồng và khu vực núi Cánh Tiên. Đến trưa và chiều cùng ngày, suốt nhiều giờ đồng hồ, liên tiếp nhiều tốp máy bay giặc Mỹ không ngừng ném bom đánh phá Hàm Rồng... Ta ra quân tổng lực. Tự vệ nhà máy điện đưa súng trường lên mái nhà bắn trả; các đơn vị dân quân Nam Ngạn, Yên Vực vừa bắn, vừa tiếp đạn, tải lương, cứu thương... đến các em học sinh cũng vác đạn ra trận, đã có nhiều máy bay Mỹ bị bắn rơi.
Sang ngày 4/4/1965, không quân Hoa Kỳ lại kéo tới Hàm Rồng như muốn “lấy lại thể diện”. Lực lượng của ta chủ yếu vẫn là bộ đội phòng không, dân quân, tự vệ thị xã và các làng lân cận. Cuộc chiến kéo dài từ sáng tới chiều muộn, để rồi một lần nữa Hàm Rồng lại hát vang bài ca chiến thắng.
Nhưng Hàm Rồng không chỉ khói lửa trong hai ngày 3 - 4/4/1965. Ngay trong cuối tháng 4/1965, đế quốc Mỹ một lần nữa lại tập trung lực lượng với dã tâm “giải quyết” dứt điểm cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã. Tuy nhiên, truyền thống đánh giặc của Nhân dân Việt Nam, của người dân xứ Thanh tiếp tục được phát huy, rực sáng. Là cả làng ra trận, cả nhà đánh Mỹ. Làng Nam Ngạn bên sông Mã hừng hực khí thế ra quân, từ người già đến em nhỏ. Như gia đình cụ Ngô Thọ Lạn có bốn người con “Sắp, Xếp, Đặt, Sáu” đều là những pháo thủ kiên cường, rồi thì cụ bà tiếp lương, cụ ông tiếp đạn...
Trong những ngày Hàm Rồng oằn mình chống Mỹ, ngay cả chốn thiền môn tĩnh lặng cũng mở cửa để... đánh giặc. Chùa Nam Ngạn (tức chùa Mật Đa) trở thành địa điểm cứu chữa thương bệnh binh, cũng đồng thời là cơ sở dã chiến của quân dân ta.
Ngoài 80 tuổi, sức khỏe dù đã yếu song trong những nhớ quên tuổi già, cụ bà Lương Thị Ngông, phố Long Quang, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) vẫn chưa thể quên những ngày hào hùng bên dòng sông Mã. Bấy giờ, bà là một trong những dân quân tham gia bảo vệ cầu Hàm Rồng. “Ngày ấy, nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng, đánh đuổi giặc Mỹ như mệnh lệnh từ tận trái tim, thôi thúc mỗi người dân bên bờ sông Mã phải cố gắng. Và chúng tôi đã sống, chiến đấu, bảo vệ cầu bằng tất cả những gì có thể. Đến giờ nhớ lại, đó thực sự là những tháng ngày rực rỡ máu và hoa”.
Phải rồi, sông Mã - núi Hàm Rồng linh thiêng và những thế hệ người dân quê Thanh anh dũng. Tất cả cùng nhau “hội tụ” và tỏa sáng, tạo nên những hùng ca lắng đọng giữa lòng núi sông.