Sống khỏe nhờ chăm sóc sức khỏe chủ động

'Phòng bệnh hơn chữa bệnh' - câu nói của người xưa đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, mang ý nghĩa sâu sắc nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng trong việc chủ động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân, người thân trước khi bệnh tật 'gõ cửa'.

Yoga - bộ môn thể thao được nhiều chị em phụ nữ yêu thích nhờ những tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe.

Yoga - bộ môn thể thao được nhiều chị em phụ nữ yêu thích nhờ những tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe.

Các yếu tố về lối sống không lành mạnh như: chế độ ăn uống tùy tiện, hút thuốc lá, uống rượu bia; ô nhiễm môi trường hay những áp lực trong công việc, cuộc sống thường ngày... là những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Thay vì để khi có bệnh mới vái tứ phương, mọi người nên bắt đầu chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân sớm nhất.

Anh Lê Hải Hùng, một lao động tự do hiện đang sinh sống tại phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) kể lại: Tình cờ phát hiện bị tiểu đường sau đợt khám bệnh do ngã xe máy, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về chăm sóc sức khỏe bản thân. Giờ đây, ngoài việc xây dựng cho mình một chế độ ăn uống khoa học, hạn chế đồ uống có cồn, duy trì thói quen thể dục - thể thao đều đặn, tôi định kỳ thực hiện các cuộc kiểm tra sức khỏe.

Chị Nguyễn Thị Trang (TP Thanh Hóa) sau nhiều năm kiên trì luyện tập Yoga, đến nay không còn tình trạng đau nhức, tinh thần luôn sảng khoái. “Mình đến với Yoga tình cờ từ lời giới thiệu của bạn bè. Yoga không chỉ giúp giảm cân, tạo vóc dáng thon gọn mà còn tăng cường sức khỏe tim mạch, giúp xương khớp dẻo dai", chị Trang chia sẻ.

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận khoảng 1.700 - 1.800 bệnh nhân điều trị nội trú và gần 1.000 bệnh nhân khám bệnh, tập trung ở các khoa: Thần kinh đột quỵ, tim mạch, tiêu hóa... Trong số đó có từ 200 – 250 ca cấp cứu mỗi ngày.

Theo bác sĩ CKI Quách Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Thận lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa: Số bệnh nhân suy thận đến bệnh viện ngày càng nhiều. Giai đoạn đầu, các dấu hiệu lâm sàng không rõ ràng nên thường bị bỏ qua. Đến giai đoạn cuối, chức năng thận hầu như bị suy giảm hoàn toàn, điều trị rất phức tạp và tốn kém. Nguyên nhân chính gây ra bệnh thận mạn bao gồm: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý về cầu thận, thói quen ăn uống sinh hoạt không lành mạnh như: lạm dụng rượu, bia, hút thuốc lá, lười vận động, sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc...

Trung tâm đang tiếp nhận điều trị lọc máu cho gần 460 bệnh nhân, trong đó số lượng bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm tỷ lệ gần 30%. Hiện, chất lượng điều trị được nâng cao, chính sách xã hội dành cho bệnh nhân phải lọc máu được chú trọng, Bảo hiểm y tế chi trả hầu hết các chi phí về lọc máu, xét nghiệm, song việc điều trị kéo dài khiến bệnh nhân mệt mỏi, đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Để chủ động phòng bệnh và làm chậm tiến triển của bệnh lý suy thận mạn, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm, thực hiện chế độ sinh hoạt điều độ và có lối sống lành mạnh... Đối với những bệnh nhân ở giai đoạn chưa phải lọc máu thì thực hiện việc khám và theo dõi định kỳ, kiểm soát tốt các yếu tố nền (đường huyết, huyết áp, chế độ ăn phù hợp...).

Có sức khỏe là có tất cả, vì vậy mọi người cần chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân để phòng ngừa nguy cơ bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm gánh nặng y tế cho xã hội.

Bài và ảnh: Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/song-khoe-nho-cham-soc-suc-khoe-chu-dong-37072.htm
Zalo