Song hành hai trục tăng trưởng đô thị, nông thôn
Bên cạnh việc phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm trong Luật Thủ đô năm 2024, không gian nông thôn của Hà Nội cũng được tính toán đầu tư nguồn lực tương xứng.
Qua đó, giúp bảo đảm hài hòa quá trình đô thị hóa, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và bền vững.
Đầu tư nguồn lực tương xứng cho nông nghiệp, nông thôn

Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Ảnh: Đỗ Tâm
Đất nông nghiệp hiện vẫn chiếm tới 70% tổng diện tích đất tự nhiên của Hà Nội; dân số nông thôn chiếm đến 1/2 tổng dân số. Chính vì vậy, dù đô thị hóa, công nghiệp hóa của Hà Nội đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, nhưng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới như thế nào để vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, vừa gìn giữ, bảo tồn và phát huy được các nét văn hóa truyền thống, hiện đại là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Theo đó, để khu vực nông thôn được đầu tư nguồn lực tương xứng, bảo đảm hài hòa với quá trình đô thị hóa, Luật Thủ đô năm 2024 có nhiều điểm mới. Đặc biệt phải kể tới là, lần đầu tiên vấn đề nông nghiệp, nông thôn được Quốc hội đề cập thành một điều riêng (Điều 32).
Các điểm nhấn đáng lưu ý, đó là luật phân quyền mạnh mẽ cho thành phố quy định các biện pháp đặc thù về sử dụng đất nông nghiệp. Trong vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Hà Nội được bố trí đất nông nghiệp sử dụng vào việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giáo dục trải nghiệm, du lịch sinh thái (khoản 1 Điều 32).
Liên quan đến việc Hà Nội trong giai đoạn 2021-2030 sẽ phát triển 7 làng nghề kết hợp với du lịch; hạn chế phát triển hoặc chuyển hướng nghề mới, di dời vào cụm công nghiệp 6 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xử lý ô nhiễm môi trường 20 làng nghề; nâng cấp cơ sở hạ tầng 20 làng nghề…, Luật Thủ đô năm 2024 nêu các biện pháp hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, cơ sở sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề ở nông thôn (điểm c khoản 2 Điều 28).
Theo hướng đi này, thành phố Hà Nội có trách nhiệm xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường của các làng nghề; khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn bằng các công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tổ chức di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư ở nông thôn. Đích đến là bảo đảm khả năng thi hành của định hướng phát triển làng nghề của Thủ đô Hà Nội một cách bền vững và bảo đảm sức khỏe, hạn chế ô nhiễm trong các khu dân cư ở nông thôn.
Để luật sớm đi vào đời sống
Để Luật Thủ đô năm 2024 sớm đi vào đời sống, Hà Nội đã ban hành danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chỉ tiêu cụ thể được đặt ra, đến hết năm 2025, 100% làng nghề đã được công nhận được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; phấn đấu 100% làng nghề được công nhận đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường. Định hướng đến năm 2030, bảo đảm 100% làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.
Đối với 48 làng nghề ô nhiễm cần xử lý nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã bố trí quỹ đất để hình thành các khu vực sản xuất tập trung, di dời cơ sở hoặc công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực làng nghề.
Song song với việc phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đánh giá, Luật Thủ đô năm 2024 mang đến cho Hà Nội cơ chế, chính sách đặc thù, đó là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Đây hiển nhiên là cơ chế có thể giúp thành phố tạo được bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Việc cần làm là thúc đẩy tích cực và hạn chế những vướng mắc phát sinh; lượng hóa được lợi ích và rủi ro; xây dựng cơ chế quản lý, điều chỉnh phù hợp… như quy định tại Điều 25 về “Thử nghiệm có kiểm soát”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nêu quan điểm, cần rà soát và điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới sao cho phản ánh đúng xu hướng đô thị hóa của từng khu vực. Hà Nội cần phối hợp với các bộ, ngành để ban hành các văn bản chính sách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn; đồng thời, rà soát và điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến đê điều và thoát nước. Cùng với đó là chú trọng liên kết đô thị trung tâm với vùng nông thôn và các đô thị vệ tinh. Tổng hòa các giải pháp trên sẽ tạo nên Hà Nội xứng tầm là đô thị đặc biệt.