Văn Yên đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng
Thời gian qua, bằng những bước đi phù hợp và có tính chiến lược, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Văn Yên đã đạt được những kết quả đáng mừng.

Xã An Bình vận động nhân dân trên địa bàn tham gia phong trào dịch rào hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn.
Với phương châm chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện, lồng ghép các nguồn vốn và nguồn nội lực trong nhân dân để thực hiện Đề án, Văn Yên đã huy động nhân dân tích cực tham gia đóng góp nhân lực, vật lực, hiến đất làm đường giao thông nông thôn (GTNT).
Chỉ tính trong năm 2024, toàn huyện đã kiên cố hóa được 106,4 km mặt đường bê tông xi măng, trong đó có 95,2km thực hiện theo Đề án phát triển GTNT, 2km thực hiện theo cơ chế hỗ trợ của Đề án phát triển GTNT, 9,2km thực hiện bằng cách lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình, dự án khác và làm 40 cầu, cống, ngầm… với tổng kinh phí 149,6 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách 107,6 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp và nhân dân đóng góp 42 tỷ đồng).
Đến nay tỷ lệ cứng hóa, nhựa hóa đường giao thông đạt 1.074/1.180,2km, bằng 91% tổng số ki lô mét đường GTNT trong toàn huyện. Cũng trong năm 2024, UBND huyện đã tổ chức thành công Lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh công nhận xã An Thịnh là đô thị loại V... Các thị tứ trung tâm cụm xã có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, trở thành các trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện.
Văn Yên đã lồng ghép các nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí. Từ nguồn vốn hỗ trợ, phân bổ hằng năm của Trung ương, tỉnh và vốn cân đối ngân sách địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng rà soát, đề xuất tổng hợp nhu cầu những công trình cấp thiết, ưu tiên đầu tư phù hợp với thực tế ở các xã, thị trấn.
Ông Hà Đức Anh - Bí thư Huyện ủy Văn Yên cho biết: "Văn Yên huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, tập trung ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, quan trọng, có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Cụ thể như: Dự án khu dân cư nông thôn mới - khu vực nút giao IC14; Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua huyện Văn Yên; Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái (đoạn tuyến Khánh Hòa - Văn Yên…)”.
Năm 2024, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 4.055/3.340 tỷ đồng, bằng 121,4% kế hoạch. Tổng vốn xây dựng cơ bản được giao đến thời điểm cuối năm 2024 là 374,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 92,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 67,1 tỷ đồng, ngân sách huyện 212,2 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân đến cuối tháng 11/2024 đạt 224,2 tỷ đồng, bằng 59,8% kế hoạch vốn giao; ước thực hiện năm 2024 đạt 366,6 tỷ đồng, bằng 97,8% kế hoạch vốn giao.
Cùng với đó, Văn Yên còn tiếp tục quan tâm đầu tư kiên cố đường GTNT theo Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2021-2025, kết hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến hết năm 2024, tỷ lệ đô thị hóa đạt 19,5%, bằng 100% kế hoạch; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 94%, bằng 100% kế hoạch.
Thời gian tới, huyện Văn Yên xác định tiếp tục tập trung huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp hiện hữu và các cụm công nghiệp mới theo quy hoạch, bàn giao mốc giới Cụm công nghiệp Bắc Văn Yên và Cụm công nghiệp Đông An; thi công hạng mục đường giao thông kết nối Cụm công nghiệp Bắc Văn Yên với đường tỉnh 163; đề xuất chủ trương đầu tư đường vào Cụm công nghiệp Đông An, xã Đông An...
Cùng với đó, Văn Yên tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xúc tiến, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo hướng tập trung, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, về đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cũng như nâng cao khả năng xúc tiến, thu hút đầu tư vào huyện.