Sống chung với... bụi!
Sát ngày lễ Noel mà không khí Hà Nội ở mức rất xấu. Xấu tới mức không ai muốn ra đường. Rất tiếc, tình trạng 'sống chung với bụi' đã kéo dài suốt mấy tháng nay.
Đã thấy những cuộc gặp gỡ nhân lễ Giáng sinh phải hoãn lại vì... bụi quá. Cùng với tiết trời hanh khô, giá lạnh là ô nhiễm không khí đến mức ngạt thở. Các cửa hàng dược có mấy đơn hàng bán chạy là khẩu trang y tế, nước muối, thuốc nhỏ mắt, mũi, tai, đương nhiên là món thuốc kháng sinh trị viêm họng.
Thông tin mới nhất, vào lúc 12 giờ ngày 23/12, không khí Hà Nội được xếp ở mức ô nhiễm thứ 6 thế giới (chỉ số AQI là 198) rất có hại cho sức khỏe, ở ngưỡng không lành mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó có những khu vực nội thành, chỉ số AQI lên tới 285. Đây là mức tiệm cận ngưỡng xấu nhất (201 đến 300). Thật đáng lo ngại, trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới có thủ đô của Việt Nam.
Câu hỏi tiếp theo của người dân: Từ nay đến Tết dương lịch và âm lịch, tình trạng ô nhiễm không khí có còn tiếp diễn? Câu trả lời là, đang mùa hanh khô, chất lượng không khí ở Hà Nội có sự chuyển biến rất xấu. Tức là chất lượng không khí ở Hà Nội tiếp tục duy trì ở ngưỡng không lành mạnh. Do vậy, cần tránh ra ngoài đường khi không cần thiết, nhất là lúc sáng sớm, nhất là người già yếu, người nhạy cảm, mắc các bệnh về đường hô hấp có thể gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Hà Nội đang phải đối mặt với các vấn đề nan giải về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống và sự phát triển bền vững. Mới đây, tại hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”, đại diện lãnh đạo thành phố cho rằng, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, Hà Nội hiện là một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới, có nguy cơ ô nhiễm rất lớn, cần tập trung mọi nỗ lực để khắc phục.
Số liệu cụ thể được công bố: Số dân Hà Nội hiện có hơn 9 triệu người, trong đó số dân đô thị chiếm tới hơn 40%. Toàn thành phố có 10 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe máy và hơn 600 nghìn ô tô. Trung bình hằng ngày tiêu thụ khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu, chưa kể đến tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát diễn ra thường xuyên. Đây là các nguồn phát thải lớn, là thủ phạm gây ô nhiễm không khí.
Nói “sống chung với bụi” là cách nói mang tính giễu nhại. Thật ra thì, trong những năm qua Hà Nội cũng như nhiều thành phố khác đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng nguy cấp này. Kỳ họp HĐND thành phố lần nào cũng dành thời gian thích đáng để chất vấn, trả lời chất vấn, chủ yếu nêu giải pháp để hạn chế ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí.
Đúng là giải pháp cấp bách để “chặn ngay lập tức khói bụi” là điều không khả thi. Nhưng những giải pháp căn cơ đã được bàn tính và đang triển khai theo tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Đầu tiên vẫn là phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về chính sách và kỹ thuật, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp. Trong đó nhấn mạnh nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân trong việc chi trả phí bảo vệ môi trường, giá dịch vụ thoát nước... Dân ta thường nói vui là “muốn thở không khí sạch cũng phải trả tiền”.
Việc làm quan trọng nhất là, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn thải, khí thải; yêu cầu chủ các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng phải kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Khi phát hiện phải xử phạt thật nghiêm minh, không để tình trạng “phạt cho tồn tại”.
Thành phố đã triển khai các giải pháp lâu dài, hướng đến lộ trình chuyển đổi công nghệ từ sử dụng chủ yếu là nguyên liệu thô, phát thải nhiều sang công nghệ sử dụng ít nguyên liệu, phát thải thấp. Đồng thời, tăng nhanh diện tích cây xanh đô thị. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo về chất lượng không khí để giảm thấp nhất tổn thất của nền kinh tế, ảnh hưởng chất lượng sống, sức khỏe người dân.
Hiện nay, Hà Nội đang khẩn trương xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn theo quy hoạch. Đồng thời, xây dựng hệ thống xử lý nước thải phân tán cho từng tiểu khu, hay các công trình độc lập như các khu biệt thự, nhà vườn, các khu có tính chất nửa đô thị, nửa nông thôn. Mục tiêu được xác định rõ: hoàn thành tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt từ 50 đến 55%.
Các giải pháp cùng với sự đầu tư tập trung, tương xứng, nhất định Hà Nội sẽ sớm ra khỏi tình trạng đáng buồn - nằm trong tốp các đô thị ô nhiễm nhất thế giới.