Sống cho nhau và sống vì nhau

Xuất bản lần đầu vào năm 1968, Đèo Shiokari của nữ văn sĩ Nhật Bản Ayako Miura (1922-1999) trải qua hơn nửa thế kỷ vẫn giữ nguyên giá trị nhân văn cao đẹp. Cuốn sách được dịch và phát hành ở nhiều nước, được chuyển thể thành phim và được đưa vào giảng dạy trong môn học đạo đức tại các trường trung học ở Nhật Bản một thời gian dài.

Đèo Shiokari lấy bối cảnh thị trấn Asahikawa ở mạn Bắc tỉnh Hokkaido - quê hương tác giả và dựa vào một sự kiện có thật về ông Nagano Masao - người đã hy sinh mạng sống để cứu một đoàn tàu lửa bị trượt trên đoạn đèo Shiokari, Hokkaido, Nhật Bản ngày 28-2-1909. Bà Miura đã lấy phần lớn tiểu sử của ông Nagano để phóng tác thành nhân vật chính Nobuo trong cuốn sách này và đặt Nobuo vào bối cảnh nước Nhật thời Duy Tân Minh Trị đầu thế kỷ 20 nhiều thay đổi.

Nobuo trong tiểu thuyết không mất cha lúc lên 3 tuổi và được mẹ nuôi lớn trong sự khó khăn như nhân vật có thật Nagano Masao. Nobuo được sinh trưởng trong một gia đình tương đối khá giả, có cha là một nhân viên ngân hàng và được bà nội chăm sóc từ bé. Lớn lên giữa thời Duy Tân Minh Trị đầu thế kỷ 20 ở Nhật Bản, cậu bé Nobuo chịu sự giằng co trong giáo dục giữa tư duy mới và cũ, giữa Đông và Tây… Đại diện cho truyền thống, quy củ là người bà nuôi lớn Nobuo. Gia đình của Nobuo theo truyền thống samurai, ngay từ rất nhỏ cậu đã được dạy không làm những việc khiến mình mềm yếu như chảy nước mắt trước mặt người khác hay là than vãn. Cậu cũng không được vào bếp vì đó là chỗ dành cho phụ nữ, cũng như võ sĩ thì cao quý hơn con cái nhà buôn… Cũng vì sự khác biệt về tôn giáo mà Nobuo đã bị chia cắt với người mẹ từ khi còn rất nhỏ.

Nobuo đã rất may mắn khi có một người cha vô cùng cởi mở. Ông là người dạy cho cậu tư tưởng tiến bộ của bậc “khai quốc công thần” Fukuzawa Yukichi: “Trời không tạo ra con người đứng trên con người, cũng không tạo ra con người thấp kém hơn con người”. Nhưng quan trọng nhất đó là bài học biết sống cho nhau và sống vì nhau, sống sao cho đẹp để khi qua đời cũng không hối tiếc. Đây có thể là yếu tố đã ảnh hưởng đến Nobuo và là động lực khiến anh hành động không chút chần chừ lao ra cản con tàu đang trượt dẫu phải hy sinh.

Bên cạnh nền tảng gia đình, Nobuo còn có những “người bạn lớn” - những người đã dạy Nobuo những bài học quý giá về cuộc đời. Đó là Yoshikawa Osamu - người bạn xuất thân trong một gia đình bất hạnh nhưng đã dạy Nobuo việc đặt bản thân mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, cư xử sao cho hợp lý. Đó là sách vở - người bạn lớn mang lại cho Nobuo kho tàng kiến thức, giúp cậu mở rộng tầm nhìn và đi qua nhiều trải nghiệm để trưởng thành…

Ở tác phẩm đầu tay Băng điểm, tác giả Miura đã rất thành công mang cho người đọc những chuyển biến tâm lý của người phụ nữ trong chuyện tình yêu. Còn ở Đèo Shiokari, Miura cho người đọc thấy một cậu bé rời xa mẹ từ bé với bao trăn trở, thách thức của tuổi mới lớn, của những mâu thuẫn thời cuộc, của sự mất mát… đã thay đổi như thế nào để những vết thương được chữa lành, đặc biệt hành trình hòa giải đầy khó khăn với mẹ đã có kết quả.

Không quá khó để thấy cho đến cuối cùng, chính bằng nghệ thuật viết đặc sắc và khả năng miêu tả tâm lý nhân vật độc đáo mà Ayako Miura trong Đèo Shiokari đã trao truyền được rất nhiều bài học đầy ắp giá trị khi ta được sống như Nobuo: Biết sống cho nhau, biết sống vì nhau để mỗi một ngày đều là di ngôn không hề tiếc nuối.

Đoàn Tuấn Anh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/song-cho-nhau-va-song-vi-nhau/
Zalo