Sống chậm ở Cồn Chim

Một làng quê thuần nông tưởng chừng bị lãng quên lại trở thành nơi chữa lành của bao người dân phố thị, mong muốn được một lần 'sống chậm' ở Cồn Chim.

Nơi đất lành chim đậu

Từ trung tâm TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) đến Cồn Chim chỉ khoảng 15km. Tuy nhiên, Cồn Chim nằm biệt lập và bốn mặt đối diện sông nước, gần cuối dòng Cổ Chiên hướng ra phía biển.

Một góc Cồn Chim nhìn từ trên cao.

Một góc Cồn Chim nhìn từ trên cao.

Ấp Cồn Chim thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) có diện tích chỉ 62ha, với 54 hộ dân và 210 nhân khẩu. Trong đó, chỉ có 40ha là đất sản xuất nông nghiệp (trồng lúa hữu cơ, nuôi tôm, nuôi cua…), còn lại là đất bãi bồi, rừng phòng hộ.

Để đến được Cồn Chim, tôi phải di chuyển qua hai chuyến đò ngang. Từ bờ bên đây sông, nhìn sang bên kia đã thấy rõ Cồn Chim yên bình, trầm mặc.

Ông Út Quời (Nguyễn Văn Quời), Bí thư Chi bộ ấp Cồn Chim đón tôi tại bến đò. Bằng chiếc cub 50 "cánh én", ông chở tôi tà tà theo tuyến đường đal (đan) chẻ dọc cù lao.

Ông nói, tuyến đường rộng 2,5m này là "giải pháp" công trình duy nhất ở nơi đây, còn lại những con đường nhỏ dẫn vào nhà dân chỉ là đường đất, trải đá mi. Đi qua mỗi nơi, ông giới thiệu: "Đây là nhà cô Ba Sữa thợ mần bánh dân gian, đó là nhà chị Út Chanh, thợ nấu ăn nức tiếng xứ này…".

Những ngôi nhà lá đặc trưng Nam bộ xưa vẫn còn hiện hữu ở Cồn Chim.

Những ngôi nhà lá đặc trưng Nam bộ xưa vẫn còn hiện hữu ở Cồn Chim.

Xe dừng lại trước một chiếc cổng tre với giàn dây leo và những luống hoa đủ sắc màu. Đó là nhà của Bí thư Chi bộ Út Quời, cũng là một trong những điểm sinh hoạt cộng đồng, nơi tiếp đón du khách đến tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng đầu tiên ra đời ở Cồn Chim.

Ông nói, Cồn Chim chỉ cách cửa Cổ Chiên đổ ra biển Đông hơn 10km nên một năm có 6 tháng nước ngọt và 6 tháng nước mặn. Ông kể, tên gọi Cồn Chim là vì nơi đây đất lành chim đậu.

Thuở trước, khắp cồn, đâu đâu cũng thấy chim cò. Những rặng bần ven sông, những vạt rừng phòng hộ một thời là nơi trú ngụ của hàng chục ngàn con le le, còng cọc, điên điển. "Tên gọi Cồn Chim xuất phát từ việc nơi đây có rất nhiều chim cò, đất tốt, đất lành chim mới đậu. Còn nếu nhìn từ trên cao thì Cồn Chim có hình dáng giống một con chim", ông Quời giải thích.

Từ lối sống "thuận thiên"

Theo thông lệ hàng năm đến rằm tháng 11 âm lịch bắt đầu mùa nước mặn kéo dài đến tận tháng 5 của năm sau người dân nuôi tôm, nửa năm còn lại là mùa nước ngọt thì trồng lúa. Ở đây trồng lúa hữu cơ từ các giống lúa "Một bụi trắng", OM5451 có thể chịu được độ mặn lên đến ba phần ngàn, thời gian sinh trưởng khoảng 90 ngày.

Đường quê yên ả ở Cồn Chim, thỉnh thoảng mới có xe máy chạy trên đường, phần lớn người dân đi xe đạp.

Đường quê yên ả ở Cồn Chim, thỉnh thoảng mới có xe máy chạy trên đường, phần lớn người dân đi xe đạp.

"Bởi vậy nước mặn có ngang qua chốn này sớm thì cây lúa cũng chẳng hề gì. Bà con ở đây trồng lúa chưa năm nào bị mất mùa hay thiệt hại vì xâm nhập mặn", ông Út Quời quả quyết.

Ông Tư Khoa, hàng xóm ông Út Quời cho biết, sau khi thu hoạch lúa, trên đồng chỉ còn gốc rạ, nông dân bắt đầu giở bọng (cống) cho nước mặn từ sông Cồn Chim chảy vô đồng để bắt đầu thả nuôi vụ tôm mới.

Vụ lúa này chỉ là nguồn thu phụ, chủ yếu để người dân có hạt gạo sạch trong nhà ăn quanh năm. Cái chính là để nền đất sạch cho vụ luân canh tôm thẻ, tôm sú vào mùa nước mặn.

"Gốc lúa hữu cơ là nơi lý tưởng để con tôm sinh sống và phát triển tốt hơn so với môi trường ao nuôi trống. Ngược lại, sau vụ tôm, xác bã còn lại trong ao tôm, nền đất lại là nguồn dinh dưỡng tốt cho cây lúa khỏe mạnh", ông Tư Khoa chia sẻ.

Vào thời điểm sắp giao mùa giữa hai con nước mặn - ngọt, ông Út Quời thường tản bộ dọc bên bờ sông Cồn Chim dài 3km để kiểm tra nguồn nước trên sông theo thủy triều lớn - ròng mỗi ngày hai bận. Bằng kinh nghiệm của mình, nếm thử nước trên sông, ông có thể biết chính xác độ mặn đang ở ngưỡng mấy phần ngàn. Bởi từ xa xưa, người dân Cồn Chim chỉ dựa vào kinh nghiệm phân tích độ mặn của dòng nước trên sông bằng… miệng, chứ làm gì có thiết bị, máy móc như bây giờ.

Du khách trải nghiệm làm bánh dân gian với người dân Cồn Chim.

Du khách trải nghiệm làm bánh dân gian với người dân Cồn Chim.

Ở đây, người dân không canh tác, sản xuất trái vụ, không sử dụng phân bón hóa học hay có bất cứ can thiệp nào vào sản xuất, nuôi trồng thủy sản, kể cả đánh bắt cá trên sông cũng có quy ước riêng. Không dùng mắt lưới nhỏ hơn 1,8cm, không khai thác thủy sản tự nhiên vào mùa sinh sản; không dùng kích điện, hóa chất độc hại, chất nổ khai thác thủy sản tự nhiên trên sông Cồn Chim; không đăng mé, không đóng đáy mùng; không sử dụng lưới ba màng và các hình thức cào để khai thác thủy sản...

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL cho rằng, Cồn Chim là vùng đất có hệ sinh thái đa dạng theo mùa. Vào mùa khô Cồn Chim vẫn bị xâm nhập mặn, là vùng nước lợ đặc trưng trong hệ sinh thái của ĐBSCL, nhưng người dân không hề lo lắng gì chuyện biến đổi khí hậu.

"Thiên nhiên tuyệt vời kết hợp với nền tảng ý thức sống "thuận thiên" theo mùa của người dân Cồn Chim đã khiến nơi đây trở thành vùng đất "miễn nhiễm" với biến đổi khí hậu", vị chuyên gia đánh giá.

Điểm đến chữa lành

Điều gây ấn tượng mạnh với bất cứ ai đến với Cồn Chim là môi trường sống xanh, sạch, đẹp, còn người dân hiền hòa, hiếu khách.

Đoàn du khách đến trải nghiệm “sống chậm” tại Cồn Chim.

Đoàn du khách đến trải nghiệm “sống chậm” tại Cồn Chim.

Người Cồn Chim sống dựa vào thiên nhiên, vừa khai thác vừa bảo vệ để có cuộc sống ổn định và bền vững. Cánh đồng lúa hữu cơ cặp theo trục đường chính của xứ cồn. Những hàng dừa trĩu quả hai bên đường với những mái nhà tranh đặc trưng của vùng đất Nam bộ xưa kia vẫn còn hiện diện nơi này. Tất cả như hòa quyện vào nhau làm nên một bức tranh đồng quê Nam bộ đặc trưng và độc đáo.

Ông Lâm Hữu Phúc, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim được xây dựng gắn với điều kiện tự nhiên sẵn có.

Người dân làm du lịch gắn với bảo vệ môi trường và sản xuất sách theo mô hình "con tôm ôm cây lúa". Mỗi hộ phụ trách một điểm đến với nhiều hoạt động trải nghiệm ẩm thực, vui chơi...

"Các món ăn được người dân chế biến từ sản vật tươi, sạch do chính người dân trên cồn nuôi, trồng. Người dân rất đam mê làm du lịch, hiếu khách, thân thiện, gần gũi, nhiệt tình... đúng với slogan "Về Cồn Chim người quê chỉ có tấm lòng" vẽ trên bức tường của trụ sở Ban Nhân dân ấp", ông Phúc chia sẻ.

Trong chuyến trải nghiệm "du lịch chậm" ở Cồn Chim, anh Lê Nguyễn, du khách đến từ TP.HCM dí dỏm rằng, ở cái cù lao nhỏ nổi giữa dòng Cổ Chiên này lại hội tụ cả ba yếu tố "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Nơi đây gần như không có khói bụi động cơ xe, thỉnh thoảng có chiếc xe máy trên đường làng, còn lại nhiều người vẫn đi xe đạp.

"Bước vào ngôi nhà tranh vách lá của cô Ba Sữa để trải nghiệm làm bánh dân gian lại có cảm xúc khác lạ. Căn nhà nền đất nổi "vảy rồng" là minh chứng mạnh mẽ của thời gian và là nét văn hóa đặc trưng không lẫn vào đâu được của người Nam bộ xưa.

Hay muốn nghe đờn ca tài tử thì đã sẵn có chú Ba Bân ôm cây guitar phím lõm dạo bài là cô Sáu Loan, vợ chú ngân dài câu vọng cổ. Tôi tin những ai ngày ngày đối mặt với dòng chảy hối hả của thành đô cũng sẽ cần tìm về Cồn Chim để "sống chậm" một lần để chữa lành", anh Nguyễn thổ lộ.

Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN - CBT ASEAN cuối năm 2024. Đây là cơ hội góp phần tôn vinh và phát triển du lịch cộng đồng, quảng bá điểm đến, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch của tỉnh Trà Vinh, du lịch Việt Nam và thương hiệu điểm đến quốc gia "Vietnam Temless Charm".

Quốc Dũng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/song-cham-o-con-chim-192250220225121986.htm
Zalo