Sơn Tây phát triển du lịch trải nghiệm

Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, Sơn Tây đang triển khai phát triển du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng, tạo nét đặc trưng riêng của xứ Đoài.

Với bề dày lịch sử, văn hóa, Sơn Tây lưu giữ các di sản văn hóa trên địa bàn bằng sự đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ trẻ và nhân dân; đồng thời tạo nên các sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh, văn hóa - du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của xứ Đoài.

Trong lịch sử, thị xã Sơn Tây là trung tâm của văn hóa xứ Đoài, đồng thời là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội. Là đô thị hình thành từ lâu đời, vùng đất này đậm đặc bản sắc riêng về văn hóa, với nhiều di sản văn hóa phi vật thể và vật thể, như: thành cổ Sơn Tây, đình, đền, chùa, làng cổ Đường Lâm. Sơn Tây đã xây dựng các chương trình gắn với phát triển du lịch, như “Hành trình di sản”, “Về Sơn Tây - Về miền di sản”, “Xứ Đoài miền đất đá ong”... nhằm quảng bá tới đông đảo người dân và du khách trong, ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh du lịch văn hóa của địa phương.

Ông Nguyễn Đăng Thạo - Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, cho hay: “Hoạt động du lịch trải nghiệm đang là một trong những định hướng phát triển của du lịch Đường Lâm. Đường Lâm có rất nhiều lợi thế, đặc biệt là du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp hay với các nghề truyền thống. Chúng tôi cũng đang xây dựng một sản phẩm mới, đó là không gian sáng tạo. Đường Lâm không chỉ là làng cổ đớn thuần mà chúng tôi đang muốn xây dựng nơi này thành một bảo tàng sống”.

Thị xã Sơn Tây đang được định hướng xây dựng trở thành đô thị văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, có sự gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Tiến Bình

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/son-tay-phat-trien-du-lich-trai-nghiem-302149.htm
Zalo