Sơn mài Việt Nam trong một góc nhìn khác
DUYÊN: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa là tác phẩm viết về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Trần Phúc Duyên, vừa ra mắt vào đầu năm 2025. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện cùng nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt về 6 năm ấp ủ hành trình đưa tác phẩm của họa sĩ Trần Phúc Duyên về lại quê hương, cùng những nét đặc sắc gần như chỉ có trong tranh sơn mài của ông.
PHÓNG VIÊN: Anh nhận thấy điều gì đặc biệt trong những tác phẩm của họa sĩ Trần Phúc Duyên thôi thúc anh đưa các tác phẩm của ông về nước triển lãm và phát hành sách?
Nhà sưu tập PHẠM QUỐC ĐẠT: Điều đầu tiên làm chúng tôi yêu thích nghệ thuật của họa sĩ Trần Phúc Duyên chính là vẻ đẹp của những bức tranh sơn mài lộng lẫy nhưng rất khác biệt so với các tranh sơn mài tại Việt Nam.
Sự đa dạng về đề tài cùng phong cách sáng tác của họa sĩ Trần Phúc Duyên cũng như một bảng màu lạ và những cách biểu đạt mới đã thôi thúc chúng tôi xin phép gia đình họa sĩ được mua lại toàn bộ tác phẩm này.
Trước hết là vì chúng tôi rất yêu các tác phẩm của ông, và sau đó là vì chúng tôi không muốn kho di sản này sẽ bị bán xé lẻ qua các cuộc đấu giá. Chúng tôi nhận ra rằng, dù phải sống xa quê, không có điều kiện dùng các chất liệu sơn mài truyền thống, nhưng ông vẫn cố gắng tôn trọng và giữ kỹ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
Chính vì thế, họa sĩ Trần Phúc Duyên đã tạo cho mình một con đường riêng - một hệ phái sơn mài tách biệt, một nhánh phát triển rất đặc sắc của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, cần được gìn giữ, bảo vệ và giới thiệu tới đông đảo công chúng, những người yêu nghệ thuật Việt Nam.

Nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt (trái) tại triển lãm Họa Duyên tương ngộ trưng bày tranh của họa sĩ Trần Phúc Duyên vào năm 2023, tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TPHCM)
Khi anh phát hiện kho tranh bị lãng quên của họa sĩ, việc phục hồi tác phẩm có nhiều khó khăn không?
Đa phần các tác phẩm ở tình trạng tốt, màu sắc còn tươi trong vì không tiếp xúc với ánh sáng; nhưng có một số bức do tác động vật lý nên đã bị hỏng, mất khung, hay do thay đổi thời tiết khiến bề mặt tranh bị co giãn. Ngay khi tiếp nhận bộ sưu tập này, chúng tôi đã làm việc với các chuyên gia phục chế ở Thụy Sĩ, Hà Lan và Pháp để gia cố những bức nào cần thiết trước khi vận chuyển. Khi tranh được đưa về đến Việt Nam, chúng tôi tiếp tục làm việc cùng với chuyên gia phục chế trong nước.
Điều đặc biệt là ông dùng cả những chất liệu phương Đông và phương Tây, nên trước khi bảo dưỡng, chuyên gia phục chế phải nghiên cứu để kiểm tra chất liệu cụ thể là gì. Ví dụ, vàng của ông dùng là loại chỉ có thể mua tại Italy và Pháp; màu đỏ phải mua từ Pháp về để khôi phục đúng nhất tinh thần tranh của cụ Duyên.
Tất cả các phác thảo trên giấy của họa sĩ Trần Phúc Duyên được chúng tôi chuyển đến Hán Nôm Đường, nhờ chuyên gia phục chế giấy giúp khử axit và bồi lại trên giấy Nhật, Đài Loan để tăng tuổi thọ và đảm bảo an toàn cho các tác phẩm trong một thời gian dài hơn.
Tranh sơn mài của họa sĩ Trần Phúc Duyên khác biệt ra sao so với các thế hệ họa sĩ học từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương?
Di cư sang châu Âu, bất chấp khoảng cách địa lý, thiếu thốn về nguyên vật liệu, họa sĩ Trần Phúc Duyên dành thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm và sáng tạo với sơn mài.
Không có vóc gỗ phủ sơn ta, ông dùng gỗ công nghiệp với bề mặt phẳng hoàn toàn làm vóc. Không có hoặc có rất ít sơn ta, ông phải đưa thêm các chất liệu châu Âu vào trong các sáng tác của mình, và do vậy sáng tạo ra những kỹ thuật mới cho nghệ thuật sơn mài - mặc dù về cơ bản, ông vẫn áp dụng kỹ thuật vẽ và mài đặc trưng của sơn mài.
Bảng màu sắc của họa sĩ Trần Phúc Duyên như được làm mới hoàn toàn. Màu đỏ được tạo nên bằng cách hòa lẫn sơn với chu sa (sunfua thủy ngân), màu đen dùng mạt sắt, màu vàng từ thư hoàng hay sunfua arsenic, màu trắng dùng vỏ trứng (Pierre Jacquillard). Ông đặc biệt yêu thích màu vàng và dùng làm tông màu chủ đạo cho các bức tranh phong cảnh của mình.
Nhờ việc sử dụng nhiều loại vàng với màu sắc độ tuổi và nguồn gốc khác nhau, ông đã tạo nên những bức tranh mới thoạt nhìn tưởng như đơn sắc nhưng khi ngắm kỹ, ta thấy được sự chuyển động tinh tế của các gam màu nhẹ nhàng và thơ mộng khiến cho cảnh vật trong các tác phẩm này vừa gần vừa tỏ, như được bao trùm trong một lớp sương của thời gian và không gian. Đây chính là một trong những nét đặc sắc của sơn mài Trần Phúc Duyên.
Không chỉ có những nét đặc trưng và khác biệt về màu sắc, sơn mài của họa sĩ Trần Phúc Duyên còn có hai mảng sáng tác rất khác biệt so với các thế hệ họa sĩ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Trong gần 20 năm cuối cùng của sự nghiệp sáng tác của mình, họa sĩ Trần Phúc Duyên đưa phong cách thủy mặc vào tranh sơn mài, một sự trở về với phong cách mỹ thuật phương Đông, nhưng đồng thời ông cũng thử nghiệm với những hình khối trừu tượng, mang đậm ảnh hưởng của trường phái trừu tượng biểu hiện New York với những âm hưởng của Mark Rothko, Frank Stella, Piet Mondrian.
Trong quá trình in ấn DUYÊN: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa, anh làm thế nào để tạo ra bản in mang được cảm xúc cho độc giả, gửi gắm trọn vẹn thông điệp về tranh của một họa sĩ tài danh?
Mỗi tác phẩm của họa sĩ Trần Phúc Duyên là một bản hòa ca về chất liệu và cảm xúc. Chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ được với người yêu nghệ thuật những rung cảm ấy qua cuốn sách này.
Đây cũng là lời cảm tạ của chúng tôi với người họa sĩ cả đời chung thủy với nghệ thuật sơn mài dù phải sống xa quê hương của “sơn ta”, không ngừng tìm tòi sáng tạo về chất liệu, đổi mới về phong cách để tạo ra một chỗ đứng riêng của mình. Tìm được đến với họa sĩ Trần Phúc Duyên là nhờ có “DUYÊN”; hành trình đưa các tác phẩm của ông trở về với công chúng Việt Nam cũng là hành trình đưa chính chúng tôi quay về với những giá trị tinh thần và thẩm mỹ Việt Nam.
Họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993) thuộc thế hệ học trò cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, theo học khoa sơn mài. Năm 1954, ông sang Pháp, sau đó định cư tại Thụy Sĩ. Sinh thời, rất ít người biết đến họa sĩ Trần Phúc Duyên tại Việt Nam, ngoài việc tên ông được nhắc trong danh sách sinh viên của trường và bức tranh Thiếu phụ ngồi ghế bằng sơn dầu thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.