Sơn La: nỗ lực xây dựng các sản phẩm OCOP bền vững
Sơn La đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm OCOP bền vững, đảm bảo cả chất và lượng, góp phần nâng cao hơn nữa giá trị của các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.
Khai thác những tiềm năng lợi thế sẵn có, tỉnh Sơn La đã chú trọng phát triển sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), trong đó bám sát các mục tiêu: phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
![Sơn La đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm OCOP bền vững, đảm bảo cả chất và lượng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_11_51438864/c6a8e3b6d8f831a668e9.jpg)
Sơn La đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm OCOP bền vững, đảm bảo cả chất và lượng.
Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 202 sản phẩm OCOP, trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 62 sản phẩm 4 sao và 139 sản phẩm 3 sao. Các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp khi xây dựng sản phẩm OCOP đều chủ động thay đổi tư duy sản xuất, đổi mới khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua nền tảng số. Nhiều sản phẩm đã có mặt tại một số chuỗi siêu thị và đại lý, cửa hàng bán lẻ tại thị trường trong và ngoài tỉnh.
Theo thống kê, tỉnh có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP, những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền khá phong phú về chủng loại, bao gồm 5 nhóm chính: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm; dịch vụ, du lịch nông thôn.
Thị xã Mộc Châu đang dẫn đầu toàn tỉnh Sơn La về phát triển nông sản chất lượng cao thông qua Chương trình OCOP. Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Mộc Châu cho biết, thông qua Chương trình OCOP, các hộ nông dân, HTX và doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến. Hiện toàn thị xã đã có 32 sản phẩm OCOP, trong đó 18 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao, chiếm vị trí dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP.
HTX rau an toàn Tự Nhiên (phường Đông Sang, thị xã Mộc Châu) có 38 thành viên và canh tác trên 20 ha các loại rau sạch như cà chua, bắp cải, dưa chuột, bí xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phẩm cà chua và khoai tây đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Mỗi năm, HTX xuất bán gần 1.000 tấn rau cho các siêu thị lớn tại Hà Nội và các tỉnh thành khác.
HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (huyện Thuận Châu) chuyên về trồng, chăm sóc và chế biến chè. Sản phẩm chè Trọng Nguyên được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hướng tới sản xuất theo quy trình hữu cơ. Năm 2019, HTX xây dựng thương hiệu "Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu" được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, sản phẩm được tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
Năm 2025, tỉnh Sơn La phấn đấu có thêm 30 sản phẩm trở lên được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên.
Theo ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La: Để nâng cao hiệu quả và giá trị các sản phẩm OCOP, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới.
Sơn La đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm OCOP bền vững, đảm bảo cả chất và lượng, góp phần nâng cao hơn nữa giá trị của các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, cải thiện thu nhập cho người dân, phát huy lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.