Sớm nâng cấp Hiệp định ATIGA hiện đại hơn, mang đến lợi ích lớn hơn

Chiều ngày 7/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự họp trực tuyến Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt về đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA).

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt về đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA) - Ảnh: Báo Công Thương

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt về đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA) - Ảnh: Báo Công Thương

Đây là Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đầu tiên của năm 2025 nhằm thảo luận về tiến trình nâng cấp Hiệp định ATIGA. Thông qua hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN kỳ vọng sẽ có kết quả tích cực về việc nâng cấp Hiệp định ATIGA.

ATIGA - hiệp định hiện đại, hướng tới tương lai

Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã trao đổi về nhóm các vấn đề liên quan đến phương án đối xử tối huệ quốc và đối xử đặc biệt đối với mặt hàng gạo và đường; cơ chế giải quyết tranh chấp khi Hiệp định ATIGA nâng cấp đi vào hiệu lực; tiến trình kết thúc đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao sự chi tiết cũng như nỗ lực của Ủy ban TNC trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng hy vọng Ủy ban TNC cũng như nhóm kỹ thuật sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi để sớm đạt được đồng thuận đối với các nội dung còn lại, nhằm kết thúc đàm phán vào tháng 3 năm nay để đưa Hiệp định ATIGA trở thành một hiệp định hiện đại, hướng tới tương lai, đáp ứng tình hình mới của khu vực và toàn cầu.

Đối với vấn đề tồn đọng, thứ nhất, theo gợi ý của Chủ tọa, Bộ trưởng cho rằng về đối xử tối huệ quốc tự động thì Việt Nam chưa cam kết MFN tự động cho bất kỳ một FTA nào và cũng không có thẩm quyền đưa ra cam kết về nội dung này.

"Chúng tôi nhận thấy điều khoản này không thể đem lại nhiều giá trị gia tăng, do phần lớn các mặt hàng các nước ASEAN còn áp dụng thuế quan, đều khó có khả năng tăng kim ngạch thương mại thêm nữa. Cho nên, các vị nghiên cứu để chúng ta có thể đạt được sự đồng thuận trong vấn đề này", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Về vấn đề tự do hóa thuế quan hơn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng tự do hóa của hiệp định đã đạt đến gần 99%. Vì thế, các nước ASEAN không còn nhiều dư địa để mở cửa thêm, đặc biệt khi các mặt hàng còn lại thì đều thuộc các danh mục nhạy cảm, nhạy cảm cao và loại trừ.

"Mặc dù vậy, sau nhiều nỗ lực tham vấn trong nước, chúng tôi cũng đã gửi danh sách các dòng thuế có thể đàm phán tự do hóa hơn nữa. Chúng tôi khuyến khích các nước còn lại sớm hoàn tất việc gửi danh sách các dòng thuế có thể đàm phán tự do hóa hơn nữa của mình. Chúng tôi nhất trí với cách tiếp cận của đề xuất này là các nước tự do hóa hơn nữa các dòng thuế trên cơ sở năng lực của chính mình", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp trực tuyến Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt về đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA. Ảnh: Cấn Dũng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp trực tuyến Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt về đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA. Ảnh: Cấn Dũng

Thông qua biên bản Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN

Kết thúc hội nghị, Ban Thư ký ASEAN cho biết các Bộ trưởng đã hoan nghênh sự tiến bộ của việc đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA và thông qua biên bản với các nét chính

Đối với các vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo, các Bộ trưởng đã đồng ý với phương án kết thúc đàm phán do Chủ tọa Ủy ban Đàm phán đề xuất liên quan đến phương án đối xử tối huệ quốc và đối xử đặc biệt đối với mặt hàng gạo và đường, cũng như đôn đốc, thúc giục các nước ASEAN còn lại chưa nộp các dòng thuế để tự do hóa thuế quan hơn nữa sẽ nộp danh sách này.

Việc nộp các dòng thuế này sẽ không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng và các nước ASEAN vẫn có quyền sửa đổi hoặc rút lại những dòng thuế đã nộp. Việc này tùy thuộc vào quá trình thảo luận về tự do hóa thuế quan hơn nữa tiến triển như thế nào, cũng như các thảo luận liên quan đến đối xử MFN và các đối xử đặc biệt đối với gạo, đường và các vấn đề khác. Hạn cuối cho việc này sẽ là ngày 14/2/2025.

Các Bộ trưởng cũng khuyến khích Việt Nam cập nhật lập trường liên quan đến vấn đề hàng tân trang, sau khi hoàn tất tham vấn nội bộ trước hội nghị giữa kỳ của Ủy ban Đàm phán ATIGA vào ngày 17/2/2025.

Hội nghị cũng khẳng định lại lập trường về cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế liên quan đến môi giới, hòa giải và trung gian. Đây là một trong ba phương án mà các nước ASEAN có thể lựa chọn để giải quyết tranh chấp khi hiệp định nâng cấp đi vào hiệu lực. Các Bộ trưởng cũng đã giao cho Ủy ban Đàm phán ATIGA tiếp tục làm việc với nhóm công tác về các vấn đề pháp lý và thể chế để hoàn tất đàm phán, nội dung của chương giải quyết tranh chấp.

Cuối cùng, liên quan đến tổng thể tiến trình đàm phán, các Bộ trưởng đã giao cho Ủy ban Đàm phán ATIGA tiếp tục đẩy nhanh thảo luận đàm phán liên quan đến các vấn đề còn tồn đọng để hoàn tất theo kế hoạch đề ra (hạn cuối là ngày 31/3/2025). Đồng thời, quá trình rà soát pháp lý cũng sẽ được thực hiện để các nước ASEAN có thể ký Nghị định thư thứ hai, để nâng cấp Hiệp định ATIGA vào dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11/2025.

Các Bộ trưởng cũng khuyến khích các nước ASEAN phân bổ và cam kết dành những nguồn lực cần thiết để có thể hoàn tất đàm phán nâng cấp ATIGA như mục tiêu đã đề ra.

Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) là một trong những hiệp định cơ bản của AEC, được ký vào 26/02/2009 và có hiệu lực từ ngày 17/5/2010, có tiền thân là Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) ký năm 1992.

ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm/loại bỏ thuế quan đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan.

Việt Nam tham gia ASEAN từ năm 1995 và bắt đầu thực hiện CEPT/AFTA từ năm 1996 và sau này tiếp tục thực hiện ATIGA.

Trong ATIGA, các nước ASEAN dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà ASEAN ký (các FTA ASEAN+).

Ngoài các cam kết về thuế quan, ATIGA cũng bao gồm nhiều cam kết khác như: xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thương mại, hải quan, các tiêu chuẩn và sự phù hợp, các biện pháp vệ sinh dịch tễ.

Biểu cam kết cắt giảm thuế quan trong ATIGA của mỗi nước (Phụ lục 2 của Hiệp định) bao gồm toàn bộ các sản phẩm trong Danh mục hài hóa thuế quan của ASEAN (AHTN) và lộ trình cắt giảm cụ thể cho từng sản phẩm trong từng năm. Do đó, so với CEPT, cam kết thuế quan trong ATIGA rất rõ ràng và dễ tra cứu.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/som-nang-cap-hiep-dinh-atiga-hien-dai-hon-mang-den-loi-ich-lon-hon-102250207175135262.htm
Zalo