Sớm mở rộng đối tượng tuyển sinh cho trường dân tộc nội trú Hà Tĩnh

Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh là cơ sở giáo dục có vai trò đặc biệt, nhưng đang gặp khó khăn trong tuyển sinh nên cần được mở rộng đối tượng đào tạo để duy trì, phát triển.

“Điểm tựa” cho con em đồng bào dân tộc thiểu số

Gần 30 năm qua, Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh (đóng tại thị trấn Hương Khê) là nơi để nâng cao dân trí cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; bồi dưỡng nhân lực; đào tạo nhân tài. Ngôi trường này đã “chắp cánh” cho nhiều con em đồng bào trở thành những cán bộ, giáo viên, bác sĩ, chiến sĩ, doanh nhân... mang trong mình khát khao khẳng định bản thân, sẵn sàng cống hiến. Những năm gần đây, trường đã có 58 học sinh các dân tộc Chứt, Mường, Mán, Lào đậu vào các trường cao đẳng, đại học, trong đó, nhiều em đã quay về phục vụ quê hương, bản làng.

 Suốt chặng đường đã qua, Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh luôn thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong việc chăm sóc, giáo dục, bồi dưỡng con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Suốt chặng đường đã qua, Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh luôn thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong việc chăm sóc, giáo dục, bồi dưỡng con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Em Lê Đặng Diệu Châu - sinh viên Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Huế) chia sẻ: "Em là người dân tộc Lào, 15 tuổi đã xa bản Phú Lâm (xã Phú Gia) để ăn học nội trú. Ở đây, em được thầy cô quan tâm, chăm lo về mọi mặt nên đã gặt hái được nhiều kết quả tốt như: 2 giải nhì trong cuộc thi viết về thầy cô và mái trường, danh hiệu "Học sinh 3 tốt", đậu đại học với 29 điểm, được bồi dưỡng kết nạp Đảng, được nhận bằng khen của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (năm 2024)... Em rất tự hào khi được học tập và rèn luyện dưới mái trường này".

 Em Lê Đặng Diệu Châu (cựu học sinh nhà trường) vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vào tháng 12/2024.

Em Lê Đặng Diệu Châu (cựu học sinh nhà trường) vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vào tháng 12/2024.

Ở đây, học sinh không chỉ được chắp cánh ước mơ mà còn được chăm sóc, nuôi dạy tốt. Em Hồ Thị Hằng (lớp 10) chia sẻ: "Em rời bản Rào Tre (xã Hương Liên) vào đây học kiến thức và được nuôi dạy trong môi trường an toàn, lành mạnh, sinh hoạt có giờ giấc; được giáo dục kỹ năng sống, bảo tồn bản sắc dân tộc và định hướng cho tương lai... Ngoài ra, hằng ngày, chúng em còn được ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng".

Anh Hồ Hà (phụ huynh em Hồ Thị Hằng) cảm động: “Con đi học xa cả tuần nhưng chúng tôi rất yên tâm. Chúng tôi rất phấn khởi vì các cháu ngày càng ngoan ngoãn, tiến bộ, được ăn ngon, mặc đẹp, có nhiều bạn bè. Chúng tôi cũng rất biết ơn, trân trọng tình cảm, trách nhiệm của thầy cô đã hết lòng vì tương lai con em dân bản”.

 Chất lượng giáo dục đại trà được cải thiện, chất lượng mũi nhọn được nâng lên.

Chất lượng giáo dục đại trà được cải thiện, chất lượng mũi nhọn được nâng lên.

Thầy giáo Đặng Bá Hải – Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh phấn khởi: “Được sự quan tâm của của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của tập thể nhà trường, chúng tôi đang có đội ngũ nhà giáo vừa “hồng” vừa “chuyên”, chất lượng giáo dục đại trà được cải thiện, chất lượng mũi nhọn được nâng lên, cơ sở hạ tầng đảm bảo. Năm học 2023 - 2024, trường có 9 em học sinh giỏi huyện, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, 10 em đậu đại học (chiếm 42% số học sinh tốt nghiệp THPT), 5 em được tặng học bổng Vallet, 2 em được kết nạp Đảng, 1 em được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen…”.

Có thể khẳng định, Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh là cơ sở giáo dục quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp chăm sóc, giáo dục con em dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thế nhưng, ngôi trường đặc biệt này đang gặp nhiều khó khăn, quy mô ngày càng bó hẹp bởi “nút thắt” tuyển sinh.

 Dưới sự dìu dắt, kèm cặp, quản lý của thầy cô, các em học sinh khối THCS đã hình thành ý thức tự học, tự chăm lo cho bản thân, vui chơi trong khuôn khổ.

Dưới sự dìu dắt, kèm cặp, quản lý của thầy cô, các em học sinh khối THCS đã hình thành ý thức tự học, tự chăm lo cho bản thân, vui chơi trong khuôn khổ.

Cần mở rộng đối tượng tuyển sinh để đảm bảo quy mô

Trước đây, mỗi năm học, Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh có khoảng 200 học sinh ở tất cả các khối của 2 cấp học, song, những năm gần đây, số lượng học sinh giảm dần. Riêng năm học 2024 – 2025 này, tổng số học sinh đang theo học chỉ có 114 em với 6 lớp/6 khối (khối 11 không có lớp). Nếu không có gì thay đổi thì dự báo năm học 2025 – 2026, toàn trường chỉ còn khoảng 80 học sinh.

Nguyên nhân của vấn đề này là do nhà trường đang thực hiện tuyển sinh theo Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT ngày 23/2/2023 về “Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú” của Bộ GD&ĐT. Vì chỉ được tuyển sinh là "con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn..." và "đồng bào dân tộc thiểu số rất ít..." (dân tộc Chứt) nên học sinh của trường đa phần ở các thôn La Khê, Bắc Lĩnh, Trung Lĩnh (xã Hương Trạch), Phú Lâm (Phú Gia), Rào Tre (Hương Liên), Bản Giàng 2 (Hương Vĩnh).

Riêng năm học 2023 – 2024, vì con em dân tộc Chứt không có học sinh học tiếp THPT nên buộc phải dừng tuyển sinh ở Rào Tre và Bản Giàng 2.

 Những bữa cơm ngon dẻo, đủ chất tại trường.

Những bữa cơm ngon dẻo, đủ chất tại trường.

Để khắc phục tình trạng thiếu học sinh, năm học 2024 – 2025, nhà trường đã đề xuất Sở GD&ĐT cho mở rộng thêm đối tượng tuyển sinh theo khoản 4, điều 9 của Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT ngày 23/2/2023 để tuyển sinh thêm đối tượng là "người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh". Tuy nhiên, do toàn tỉnh chỉ có khoảng 3.100 người dân tộc (32 dân tộc thiểu số) và số lượng thôn, bản đặc biệt khó khăn, số hộ nghèo, cận nghèo ít nên cũng chỉ tuyển sinh 27 em ở khối 6, khối 7 và khối 10.

Thầy Đặng Bá Hải – Phó Hiệu trưởng nhà trường lo lắng: “Nếu tình trạng tuyển sinh như hiện nay kéo dài thì quy mô trường lớp sẽ ngày càng thu hẹp, lãng phí cơ sở vật chất, dư thừa trang thiết bị, ảnh hưởng đến các phong trào thi đua và việc nâng cao chất lượng dạy học... Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị các cấp, ngành cho mở rộng đối tượng tuyển sinh ngoài Thông tư số 04 của Bộ GD&Đ”.

 Các giáo viên ở đây vừa là thầy cô, vừa là cha mẹ, ngày ngày dõi theo sát sao mọi hoạt động của học trò.

Các giáo viên ở đây vừa là thầy cô, vừa là cha mẹ, ngày ngày dõi theo sát sao mọi hoạt động của học trò.

Để gỡ khó cho nhà trường, Sở GD&ĐT đã có Văn bản số 2427/SGDĐT-GDPT ngày 28/10/2024 gửi Bộ GD&ĐT về việc xin ý kiến tuyển sinh vào Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh để tham mưu tỉnh có chính sách đặc thù. Theo đó, sở xin tuyển sinh ngoài Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT để mở rộng đối tượng tuyển sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, bản thuộc dân tộc, miền núi hoặc vùng biên giới. Bộ GD&ĐT cũng có Văn bản số 366/BGDĐT-GDTrH ngày 25/1/2025 trả lời Sở GD&ĐT Hà Tĩnh về việc mở rộng đối tượng tuyển sinh vào Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh và đồng ý cho mở rộng đối tượng tuyển sinh vì phù hợp với các quy định khác hiện hành.

Thầy Lê Hữu Tân – chuyên viên Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) thông tin: “Bộ đã nêu ra các căn cứ cụ thể cho mở rộng đối tượng tuyển sinh và yêu cầu sở tham mưu với UBND tỉnh xây dựng phương án trình HĐND tỉnh ban hành chính sách, bố trí kinh phí thực hiện theo các quy định hiện hành. Chúng tôi đang tập trung soát xét, đánh giá tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhà giáo của trường và rà soát, kiểm tra số lượng học sinh, vùng tuyển sinh, nguyện vọng của các đối tượng có liên quan… Sau đó, sẽ xây dựng phương án sát đúng, phù hợp với thực tiễn để tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành chính sách, mở rộng đối tượng”.

 Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh là “cái nôi” giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, ươm mầm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh.

Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh là “cái nôi” giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, ươm mầm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh.

Trước chủ trương này, ông Trần Văn Hải – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) cho biết: “Xã biên giới chúng tôi có gần 120 hộ với khoảng 380 nhân khẩu là đồng bào dân tộc đang sinh sống, trong đó có khoảng 20 em học sinh lứa THCS, THPT người dân tộc, nhưng mỗi năm chỉ có ít em được học trường dân tộc nội trú. Chúng tôi rất mong tỉnh, ngành GD&ĐT sớm xem xét cho mở rộng thêm đối tượng là học sinh người dân tộc sinh sống ở khu vực biên giới để có thêm con em được hưởng lợi. Địa phương sẽ phối hợp, rà soát, hỗ trợ vấn đề này”...

Rõ ràng, việc mở rộng đối tượng tuyển sinh là bức thiết, mang nhiều ý nghĩa nên cần được ưu tiên triển khai sớm!

Tiến Dũng - Thăng Long

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/som-mo-rong-doi-tuong-tuyen-sinh-cho-truong-dan-toc-noi-tru-ha-tinh-post285811.html
Zalo