Sớm khắc phục tình trạng đất khu công nghiệp bỏ hoang
Giao thông kết nối ngày càng thuận tiện, môi trường đầu tư cải thiện, nguồn nhân lực dồi dào, đó là những yếu tố giúp Thái Nguyên đã và đang là điểm đến của các nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến nay hơn 11 tỷ USD, tạo ra giá trị hàng hóa xuất khẩu mỗi năm đạt gần 30 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian qua, trong khi nhiều doanh nghiệp có nhu cầu thuê mặt bằng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, thì đất đai tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh lại bị bỏ hoang, gây lãng phí.
Khu công nghiệp Ðiềm Thụy B tại huyện Phú Bình nằm ngay cạnh các tuyến đường giao thông kết nối thuận lợi, được các nhà đầu tư thứ cấp rất quan tâm để xây dựng nhà máy sản xuất hàng hóa, nhưng do đầu tư hạ tầng dang dở, kéo dài cho nên đất không cho thuê được, đành bỏ hoang, lãng phí.
Cụ thể, Khu công nghiệp Ðiềm Thụy B được quy hoạch rộng 170 ha, Công ty cổ phần Tập đoàn APEC được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng. Những năm qua, chính quyền địa phương đã giải phóng mặt bằng được khoảng 40 ha, giao cho chủ đầu tư khoảng 22 ha để xây dựng hạ tầng và đã thu hút bảy nhà đầu tư thứ cấp vào thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất hàng hóa.
Tuy nhiên, do chậm tiến độ, tỉnh đã chấm dứt dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Ðiềm Thụy B đối với Công ty cổ phần Tập đoàn APEC, hệ lụy kéo theo là diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng lại để cỏ dại mọc um tùm, bỏ hoang nhiều năm nay, trong đó trạm xử lý nước thải chưa được đầu tư, dẫn đến hiện tượng ô nhiễm môi trường.
Chị Dương Thị Nga ở xóm Trạng, xã Ðiềm Thụy, than phiền: "Khu công nghiệp Ðiềm Thụy B chưa đầu tư trạm xử lý nước thải, cho nên một số nhà máy gia công kim loại, mạ kẽm xả nước thải thẳng ra môi trường có màu cam, đỏ, nước chảy đến đâu chết cây cỏ đến đấy. Mặt khác, do nằm trong quy hoạch khu công nghiệp, nhưng dự án thành quy hoạch treo, cho nên người dân không thể xây dựng, sửa chữa nhà ở, chưa được tái định cư, cuộc sống hết sức khó khăn".
Tương tự, Khu công nghiệp Nam Phổ Yên được phân làm hai khu, cũng trong tình trạng tương tự khi hàng chục héc-ta đất đã được giải phóng mặt bằng nhưng không được đưa vào sử dụng, gây lãng phí kéo dài.
Khu đất giao cho Công ty TNHH Phát triển đầu tư hạ tầng Lệ Trạch không được hoàn thiện hạ tầng, nhiều năm qua thành bãi thả trâu, bò của người dân. Còn khu đất Công ty TNHH một thành viên ô-tô Xuân Kiên Vinaxuki vừa làm chủ đầu tư hạ tầng, vừa đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp ô-tô cũng chưa hoàn thiện hạ tầng, nhà máy xây dựng lên nhưng không hoạt động, đất đai bỏ hoang.
Tại Khu công nghiệp Sông Công II, dù hạ tầng khá hoàn thiện, một số nhà đầu tư đã tạm nộp tiền thuê đất, nhưng cơ quan chức năng chậm ban hành giá cho thuê đất, giải phóng mặt bằng như "xôi đỗ", dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai, đồng thời làm mất cơ hội của nhà đầu tư.
Nhằm khắc phục tình trạng đất khu công nghiệp bỏ hoang, chậm đưa vào sử dụng, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm các bất cập, khó khăn. Ðến nay, các vướng mắc tại Khu công nghiệp Sông Công II đã cơ bản được tháo gỡ.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên Lê Kim Phúc cho biết: "Chúng tôi đã tích cực phối hợp các sở, ngành và nhà đầu tư để giải quyết bất cập, tổ chức lại việc đầu tư và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp Ðiềm Thụy B và Nam Phổ Yên, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn".
Vướng mắc lớn nhất là xử lý dứt điểm tài sản, phần vốn mà các nhà đầu tư đã bỏ ra để xây dựng hạ tầng khu công nghiệp trước khi tìm nhà đầu tư mới để tiếp tục triển khai dự án.
Ðơn cử, tại Khu công nghiệp Ðiềm Thụy B, muốn giải quyết được phần vốn đã đầu tư vào khu công nghiệp này thì Công ty cổ phần Tập đoàn APEC phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh, sau đó cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn thẩm định, thống nhất giữa các bên.
Tiếp đến, nhà đầu tư mới có trách nhiệm thanh toán phần vốn của Công ty cổ phần Tập đoàn APEC đã đầu tư và tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Tập đoàn APEC chưa cung cấp đủ hồ sơ, chứng từ; một số tòa nhà xây dựng tại khu công nghiệp chưa đúng quy hoạch, sai quy định, chưa có cách giải quyết.
Còn tại Khu công nghiệp Nam Phổ Yên, tài sản, nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn ô-tô Xuân Kiên Vinaxuki đã đầu tư chưa thanh lý, bán đấu giá được; một số diện tích đất tại đây dù đã thu hồi của người dân, nhưng đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai tại một số khu công nghiệp tại Thái Nguyên thời gian qua là do năng lực nhà đầu tư yếu, nguồn lực hạn chế, không có kinh nghiệm. Ðây là bài học cần rút ra khi lựa chọn nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Người dân có đất quy hoạch tại các khu công nghiệp Ðiềm Thụy B, Nam Phổ Yên mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập nhiều năm qua để cơ cấu lại việc đầu tư, kinh doanh hạ tầng hai khu công nghiệp này, khắc phục tình trạng đất đai bỏ hoang, lãng phí kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống người dân.